Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bali muốn đón du khách quốc tế 'chất lượng' sau hơn một năm đóng cửa

Những nhà chức trách ở Indonesia không muốn đón khách du lịch "balo". Tuy nhiên, một số người kinh doanh du lịch lại mong chờ điều ngược lại.

Sau 17 tháng đóng cửa, nhà hàng Hujan Locale sang trọng ở thị trấn Ubud của Bali đang dần hoạt động trở lại. Đầu bếp của nhà hàng đang tất bật chuẩn bị cho ngày mở cửa đón khách quốc tế vào 14/10.

Trước đại dịch, Hujan Locale là một cơ sở kinh doanh nổi tiếng chuyên phục vụ các món ăn địa phương cho du khách nước ngoài.

Dịch Covid-19 và việc dừng đón du khách nước ngoài áp dụng vào cuối tháng 3/2020 khiến cho doanh thu của nhà hàng sụt giảm. Số lượng nhân viên của nhà hàng giảm từ 50 xuống chỉ còn 15 người.

Tuy nhiên, dấu hiệu của sự phục hồi đang dần trở lại khi Bali sẽ mở cửa cho du khách đến từ một số quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) kể từ ngày 14/10.

Theo đó, du khách sẽ phải xuất trình bằng chứng tiêm đủ liều vaccine, giấy xét nghiệm nCoV có kết quả âm tính trước chuyến bay. Đồng thời, du khách được yêu cầu cách ly bắt buộc đủ 5 ngày với chi phí tự chi trả.

"Mọi người đã chờ đợi điều này từ lâu. Du lịch là xương sống của Bali", quản lý của Hujan Locale, Kadek Miharjaya chia sẻ với The Guardian.

Bali don khach quoc te anh 1

Du lịch đóng góp hơn 50% thu nhập của Bali. Ảnh: EPA.

Bali, điểm nóng du lịch của Indonesia, đã thu hút hơn 6 triệu du khách vào năm 2019. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, đường phố Ubud, nơi thường đông đúc khách du lịch đã trở nên vắng vẻ. Nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và treo biển cho thuê lại.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, kế hoạch mở cửa trở lại là bước đầu tiến tới hồi sinh ngành du lịch với khả năng đóng góp 50% thu nhập cho hòn đảo này.

Tập trung thu hút khách du lịch "chất lượng"

Đại dịch đã khiến hòn đảo này nhìn nhận về tầm quan trọng của du lịch đối với đời sống của người dân. Nhiều người cho rằng nên bớt phụ thuộc vào lĩnh vực này, thay vào đó là phát triển các ngành nghề khác.

Tuần vừa qua, Thống đốc Bali nhận định rằng du lịch chỉ mang lại lợi ích cho một số ít người, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, chứ không phải dân chúng.

Ông cho biết sẽ có kế hoạch thúc đẩy các lĩnh vực khác như thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp và thủy sản.

Bali don khach quoc te anh 2

Tháng 10 là thời điểm đánh dấu sự trở lại ngành du lịch của Indonesia. Ảnh: Getty.

Các quan chức chính phủ cũng thừa nhận sự cần thiết trong việc đổi mới lĩnh vực du lịch để tập trung thu hút du khách "chất lượng".

Tháng trước, Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư cho biết các nhà chức trách sẽ lọc khách du lịch. "Chúng tôi không muốn khách du lịch balo", ông nói.

Người đứng đầu Cơ quan Du lịch Bali, I Putu Astawa cho biết hòn đảo này hy vọng sẽ được đón những du khách chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn và có thái độ tốt hơn.

Ông chỉ ra những người nước ngoài không tuân thủ các quy tắc phòng ngừa Covid-19, lạm dụng thị thực du lịch để làm việc bất hợp pháp, hoặc vi phạm pháp luật theo những cách khác nhau là các "ký sinh trùng" cần phải theo dõi.

Nỗi lo của những doanh nghiệp nhỏ

Nhiều cư dân làm việc trong lĩnh vực du lịch cho rằng họ không mong đợi việc kinh doanh sẽ khởi sắc sau khi đón khách quốc tế. Một số người lo lắng sẽ ít du khách muốn trải qua một số quy định về kiểm dịch.

Theo SCMP, một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế cho biết 84% số người được hỏi sẽ không quan tâm đến những địa điểm yêu cầu cách ly trong thời gian dài. Trung bình kỳ nghỉ của du khách đến Bali chỉ kéo dài 9 ngày nên ngay cả 1 đêm trong khu cách ly cũng khiến họ loại bỏ địa điểm đó.

Những người khác lo ngại chiến lược của chính phủ dường như chỉ tập trung vào việc thu hút những khách du lịch giàu có, sẽ chỉ mang lại lợi ích cho một số loại hình kinh doanh nhất định.

"Còn những doanh nghiệp nhỏ hơn như homestay thì sao? Ai sẽ ở đó?", Kadek Kerta Yasa (33 tuổi), quản lý khu nghỉ dưỡng ở Ubud nói. Cơ sở kinh doanh của anh đã có thời điểm thu về 10 triệu rupiah/tháng (khoảng 700 USD).

Khi đại dịch bùng phát, cơ sở lưu trú phải đóng cửa. Anh trở thành tài xế cho hãng xe công nghệ.

Yasa nói: "Những du khách thuộc tầng lớp trung lưu sẽ khó khăn để đạt được các yêu cầu kiểm dịch. Nhiều người nước ngoài đến Bali hưởng tuần trăng mật không hẳn là giàu có".

Bali don khach quoc te anh 3

Nhiều cửa hàng ở Bali phải đóng cửa trong suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: EPA.

Arie Yuniarti, 43 tuổi, tư vấn du lịch ở Sanur, Bali cảm thấy bi quan với tình hình hiện tại. Cô đã phải mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để có thu nhập trong thời gian dịch bùng phát.

Arie nói: "Tôi không muốn nuôi hy vọng. Chỉ những người thực sự cần đến Indonesia mới đến Bali". Cô đồng ý rằng những quy định kiểm dịch nghiêm ngặt với du khách nước ngoài sẽ giúp một số ngành khác phát triển. "Tuy nhiên nó đòi hỏi những ý tưởng xuất sắc và thời gian dài để thay đổi suy nghĩ của mọi người", cô nói thêm.

Nhiều nhân viên tại Hujan Locale đã phải làm nhiều ngành nghề khác nhau để kiếm sống, từ bán đồ ăn online đến việc trở về quê làm nông.

Miharjaya cho biết nhà hàng hầu như không có thu nhập kể từ khi đại dịch bùng phát. Quản lý nhà hàng chỉ có thể xoay xở để chi trả bảo hiểm cho nhân viên.

"Chúng tôi vẫn cố gắng chi trả bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và gia đình của họ trong thời gian không có khách", Miharjaya nói.

Theo The Guardian, tương lai của Hujan Locale là không chắc chắn. Trước đại dịch, nhà hàng phục vụ khoảng 100 khách/ngày. Từ khi được phép mở bán lại, mỗi ngày cơ sở này chỉ đón 10-20 khách. Miharjaya nói: "Chúng tôi vẫn đang trong vùng xám xịt cho dù tiếp tục duy trì dài hạn hay ngắn hạn".

Nước châu Á nào chuẩn bị mở cửa du lịch?

Các nước khu vực châu Á vẫn tỏ ra dè dặt khi mở cửa đón khách nước ngoài. Một số quyết tâm mở cửa nhưng chưa thể làm được do nhiều yếu tố.

Nhiều khách sạn, resort của Việt Nam vào top tốt nhất châu Á

Qua bình chọn từ 800.000 độc giả của tạp chí CN Traveler (Mỹ), nhiều địa điểm lưu trú tại Việt Nam góp mặt trong danh sách khách sạn và resort tốt nhất châu Á.

Du học sinh Israel lên rừng trồng nho, nuôi cừu, làm du lịch bền vững

Tốt nghiệp trường đại học hàng đầu, đi tu nghiệp ở Israel, Nguyễn Tá Đông đến Ninh Hòa (Khánh Hòa) trồng cây, nuôi cừu và giúp đỡ thanh niên bản địa không phải bỏ quê lên phố.

Quỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm