Chính quyền Bali tìm nhiều cách nhằm ngăn chặn du khách gây rối. Ảnh minh họa: @mariefeandjakesnow. |
Shannon Smith (đến từ Australia), làm công việc quản lý khách sạn, từng đến thăm Bali trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Lần này, cô trở lại hòn đảo nổi tiếng của Indonesia để dự hội nghị tại Nusa Dua - trung tâm nghỉ dưỡng ở mũi phía nam của Bali.
Trong khi di chuyển giữa Nusa Dua và các khu du lịch nổi tiếng như Kuta, Seminyak, Smith nhận thấy một số thay đổi: có thêm nhiều phương tiện giao thông trên đường.
Hình dung mà nhiều du khách quốc tế có về Bali, được mô tả trong bộ phim bom tấn Eat Pray Love (2010) của Julia Roberts, còn tồn tại. Hòn đảo vẫn được bao phủ bởi những cánh đồng lúa xanh ngắt và bãi cát vàng trải dài trong làn nước màu ngọc lam. Cư dân địa phương vẫn nồng hậu, trong khi người nước ngoài say sưa trong những quán bar trên bãi biển.
Tuy nhiên, Bali ngày nay không còn yên bình.
Trong hơn một năm kể từ khi hòn đảo mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, hành vi ngỗ ngược của du khách ngày càng gia tăng khiến các quan chức quốc gia và địa phương nghĩ ra nhiều cách mới nhằm xử lý đối tượng vi phạm, theo Washington Post.
Nỗ lực trấn áp
Một bộ trưởng có sự tín nhiệm cao của Indonesia gần đây ủng hộ việc đánh thuế khách du lịch nước ngoài vào Indonesia nhằm ngăn chặn những vị khách “có thu nhập thấp”.
Hội đồng Du lịch Bali đang xúc tiến chiến dịch quảng cáo yêu cầu khách du lịch cư xử tôn trọng hơn. Chính quyền địa phương mới đây đề xuất cấm du khách thuê xe máy nhằm hạn chế tình trạng lái xe ẩu.
Cơ quan nhập cư Indonesia cũng bận rộn trục xuất những người nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng thị thực du lịch hoặc vi phạm luật pháp địa phương.
Du khách nước ngoài đi dạo trên bãi biển ở Kuta vào tháng 4. Ảnh: Nagi/EPA-EFE/Shutterstock. |
Thống đốc Bali Wayan Koster cho biết ông đề xuất thu hồi chương trình cấp thị thực cho một số du khách.
Đầu tháng 4, các quan chức nhập cư thông báo trục xuất một người đàn ông đăng bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy anh chỉ mặc chiếc quần dài đến mắt cá chân trên đỉnh núi Agung - địa điểm linh thiêng của người theo đạo Hindu.
Một người đàn ông khác cũng bị trục xuất vào cuối tháng 2 vì vi phạm giấy phép cư trú khi hành nghề nhiếp ảnh gia.
Các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về những vụ tai nạn giao thông, lái xe ẩu, xô xát với chính quyền địa phương, vi phạm luật nhập cư, để ngực trần lái xe và ăn mặc hở hang. Thậm chí, một nhóm du khách còn nộp đơn khiếu nại về việc gà gáy trong khu phố địa phương.
Vụ việc khiến Megah Bintaranny, người bản địa ở Bali, bối rối.
“Sao họ có thể phàn nàn về điều đó? Chúng tôi không thể điều khiển đàn gà. Khi chọn lưu trú ở khu vực địa phương, họ cần chấp nhận tất cả tiếng ồn ở đó”, cô nói.
Yêu cầu sự tôn trọng
Bali là một trong số ngày càng nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng chán ngấy với tình trạng quá tải.
Hawaii đang xem xét dự luật giải thể cơ quan tiếp thị du lịch do chính phủ tài trợ. Amsterdam đã và đang cố gắng giảm thiểu hành vi ồn ào của khách du lịch tại Phố đèn đỏ, ban hành lệnh cấm hút cần sa trên đường phố, giảm giờ mở cửa cho các nhà hàng và nhà thổ, đồng thời thắt chặt một số quy định hạn chế về đồ uống có cồn.
Chính quyền Italy phạt khách du lịch ở Rome, Florence, Venice vì xả rác, cắm trại, phá hoại và vi phạm giao thông.
Giống như Hawaii, Amsterdam và Italy, Bali cũng phát ngán với những khách du lịch không vi phạm luật lệ, nhưng lại tỏ ra thiếu tôn trọng cuộc sống địa phương.
“Chúng tôi luôn có sự khoan dung, nhưng nhiều du khách lại tỏ ra hách dịch. Thật mệt mỏi với điều đó”, Fatmawati, trợ lý cá nhân kiêm nhiếp ảnh gia tự do người Indonesia, chuyển đến Bali từ đảo Java 9 năm trước, nói.
Martia Daniell, nữ du khách người Australia, bị trục xuất khỏi Indonesia sau cuộc tranh cãi dữ dội với nhân viên cảnh sát ở Bali vì hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Twitter. |
Tjok Bagus Pemayun, người đứng đầu văn phòng du lịch của chính quyền Bali, nói rằng văn hóa Bali là nguồn hạnh phúc cho người dân địa phương. Vì vậy, họ đương nhiên sẽ tức giận khi thấy người nước ngoài không tôn trọng nó.
“Phá hủy văn hóa đồng nghĩa là hủy hoại cuộc sống của họ”, ông nói.
Khi Ravindra Singh Shekhawat, nhà điều hành tại một công ty du lịch, chuyển đến Bali vào tháng 2/2022, đường xá vắng tanh, khách sạn trống trơn. Du lịch đã khởi sắc hơn kể từ đó. Bali chắc chắn rất bận rộn và có khách du lịch ở khắp nơi.
Ông Shekhawat đổ lỗi cho một số vấn đề gần đây về sự thiếu hiểu biết.
“Đối với nhiều người, Bali được coi như hòn đảo tiệc tùng. Đó có thể là một trong số lý do khiến mọi người không nhận thức rõ về truyền thống của người dân địa phương”.
Bản thân là người nước ngoài, ông Shekhawat cảm thấy thất vọng khi chứng kiến những trường hợp như du khách tranh cãi nảy lửa với người dân địa phương về việc đi đường vòng do một đám rước tôn giáo - điều thường xảy ra ở Bali.
“Là người ngoài, khách du lịch có thể có quan điểm của mình, nhưng ý kiến của người dân địa phương cũng quan trọng. Đó là vùng đất, hòn đảo của họ. Họ nên được phép tuân theo văn hóa và truyền thống của mình”, Shekhawat nói.
Justin Smith, chủ sở hữu của công ty lập kế hoạch du lịch sang trọng, thừa nhận Bali được biết đến trong nhiều thập kỷ như một “điểm đến phóng túng” - nơi người nước ngoài được chào đón để cư xử và ăn mặc theo ý muốn. Anh tin rằng du khách thường không biết Bali có những kỳ vọng về sự tôn trọng và cách ăn mặc khiêm tốn.
“Ở mức độ nào đó, điều này có thể chấp nhận được, nhưng giờ đã đi quá xa. Có một sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với Bali và hành vi xấu là khá phổ biến”, Smith nói.
Bintaranny cho rằng hành vi gây sốc đang trở nên thường xuyên hơn nhờ mạng xã hội. Mọi người dường như đang vượt qua ranh giới để nổi tiếng trên Internet.
“Đối với họ, đó có lẽ không phải là điều gì to tát, nhưng đối với người Bali lại là sự xúc phạm”, cô nói.
Chính phủ Indonesia không khoan nhượng với việc du khách lạm dụng thị thực hoặc lái xe gây nguy hiểm. Ảnh: CNN Indonesia. |
Mặc dù mạng xã hội có thể khuếch đại từng ví dụ về hành vi sai trái, ông Shekhawat tin rằng phần lớn khách truy cập không gây rối.
Febria Diah Retnoningsih, tham tán các vấn đề xã hội, văn hóa và thông tin tại Đại sứ quán Indonesia ở Washington, đồng ý rằng “hành vi xấu chỉ là giọt nước trong đại dương”. Nhưng chính phủ không khoan nhượng với việc lạm dụng thị thực hoặc lái xe nguy hiểm.
Ông Pemayun nhận định điều quan trọng là phải hạn chế hành vi xấu, mặc dù số lượng người vi phạm ít, để tránh vấn đề “lây lan sang các khách du lịch khác” và “làm hỏng hình ảnh du lịch Bali trên thế giới”.
Ngay cả trong tình hình hiện tại, Fatmawati nói rằng khách du lịch đến Bali sẽ không gặp phải bất kỳ sự tức giận nào từ người dân địa phương hoặc chính quyền nếu họ không vi phạm các quy tắc.
Để trở thành du khách văn minh hơn ở Bali, ông Pemayun khuyến khích mọi người “tôn trọng các giá trị văn hóa, truyền thống và trí tuệ địa phương”. Ông mong muốn du khách cư xử có trật tự, thân thiện với môi trường, ở lại lâu hơn, chi tiền cho các doanh nghiệp địa phương và thực hiện các chuyến thăm lặp lại.
Ông Shekhawat cũng khuyên du khách tìm hiểu về các chuẩn mực văn hóa trước chuyến đi và khám phá những khu vực ít được ghé thăm của Bali hơn ở phía bắc và phía tây của hòn đảo.
“Dù đi đâu, hãy tôn trọng văn hóa của chúng tôi. Đó là điều làm nên Bali, nền văn hóa phong phú của nó”, Retnoningsih nói.
Tiệm cà phê mang sách tới để uống miễn phí ở TP.HCM
Quán cà phê “ Sài Gòn năm xưa” nằm trên đường Nguyễn Khắc Nhu, Quận 1, TPHCM được trang trí theo phong cách Sài Gòn xưa, tạo nên một không gian ấm cúng và lãng mạn. Điều khác biệt ở đây là chiếc kệ dùng để "sách đổi sách", tức là khách hàng tới uống cà phê mang đến cuốn sách của mình và được đổi cuốn sách khác của quán mang về đọc.