Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản án của lòng khoan dung

Thấy được sự nỗ lực hướng thiện rõ rệt của một bị cáo 17 tuổi, tòa phúc thẩm đã cho hưởng án treo để làm lại cuộc đời…

Trong giờ nghị án tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP.HCM, thấy bị cáo Hoàng Ngọc Lâm (17 tuổi) cứ cúi gằm mặt xuống đất, còn ba và chị của bị cáo ngồi buồn bã rơi nước mắt, thư ký phiên tòa nhắc: “Em đừng cúi mặt xuống đất làm gì, hãy quay xuống nhìn ba và chị mình đi. Em hãy dùng mắt mình chụp lại hình ảnh đó để mà nhớ, sau này hãy sống cho tốt, đừng làm gì liên lụy đến người thân nữa”.

Lâm xin lỗi cha và chị rồi quay lên vò đầu, bứt tóc, thấy vậy, thư ký phiên tòa lại nói: “Em may mắn lắm đó. Em có một người cha, người chị hết mực quan tâm, lo cho em từng chút một. Ở phiên tòa hôm nay, em được đại diện VKS, các thẩm phán thương tình cố gắng hỏi những gì có lợi cho em nhất. Vì thế, em phải sống thật tốt để không phụ lòng mọi người”.

Theo lời cha Lâm, khi đang học lớp 10, Lâm khăng khăng đòi nghỉ học với lý do là “con học không có vô”. Nghĩ con bị hổng kiến thức, ông thuê gia sư về dạy kèm cho con với giá một triệu đồng một tháng dù lúc đó ông làm công nhân, thu nhập mỗi tháng chưa đến 4 triệu đồng.

Số tiền ít ỏi ấy hằng tháng ông phải trả tiền thuê nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt và tiền học cho con gái. Thế nhưng mỗi lần học bài với gia sư, Lâm lại luôn tìm đủ trò để trốn học khiến gia sư chịu không thấu, phải nghỉ dạy. Được một tháng, Lâm tự ý bỏ học, đòi đi học nghề sửa xe ôtô.

Ảnh minh họa.

Học nghề được hơn một năm, Lâm bảo với ông “con không thích nữa” rồi tự ý bỏ. Từ đó, sáng đến tối Lâm vùi đầu vào mấy trò chơi trên mạng. Bao nhiêu tiền ba và chị cho Lâm tiêu hết vào các trò chơi. 

Hết tiền, xin ba và chị không được, trong lần đi chơi với bạn gái, thấy cô bé có cái điện thoại iPhone 5, Lâm mượn rồi cầm điện thoại leo lên xe bỏ chạy mất hút. Sau đó, Lâm đem điện thoại bán được 1 triệu đồng.

Bị khởi tố, Lâm khóc với ba rồi đòi bỏ trốn. Người cha cản lại ngay và nói với con: “Nếu con khiêng vác gì đó nặng thì ba có thể phụ con nhưng con vi phạm pháp luật thì phải đối mặt với nó. Con có trốn đi đâu cũng không thoát được. Quan trọng là khi phạm tội con vượt qua và sống như thế nào”.

Từ đó Lâm thay đổi hẳn. Được tại ngoại, Lâm chí thú phụ ba, phụ chị làm việc nhà. Sau khi có bản án sơ thẩm phạt 8 tháng tù của TAND quận Bình Tân, Lâm được ba gửi về quê nội và đăng ký vào học nghề tại một trường dạy nghề ở địa phương. Nghe người nhà thông báo lại là nhiều tháng liền con học hành chăm chỉ, không ngại khó ngại khổ khi phụ giúp nhà nội làm nông, người cha mừng lắm.

Do kém hiểu biết pháp luật, người cha chỉ biết kháng cáo xin TAND TP.HCM giảm án cho con. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, ông đã biết đứng lên xin cho con được hưởng án treo để tiếp tục đi học. 

“Trước đây tôi chỉ lo đi làm kiếm tiền nuôi con mà không quan tâm nó ở bên ngoài như thế nào. Nhưng gần một năm nay, lúc nào tôi cũng dõi theo từng bước đi của nó. Nó đã thay đổi rất nhiều nên tôi vui lắm. Tôi nhận ra rằng trước đây mình dạy con chưa đúng cách. Tôi đang tính nếu tòa thương tình cho nó hưởng án treo thì sẽ bỏ công việc ở Sài Gòn, về quê làm việc để có thời gian kèm cặp, chăm sóc nó”, ông nói.

Dường như thấu hiểu sự cố gắng làm người lương thiện của Lâm, cả đại diện VKS lẫn HĐXX đều đặt ra nhiều câu hỏi theo hướng có lợi, giảm nhẹ cho Lâm. Đại diện VKS phân tích: Tòa sơ thẩm phạt Lâm 8 tháng tù về tội Lừa đảo là có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi phạm tội và khi đứng trước tòa, Lâm chưa đủ 18 tuổi và nhất thời phạm tội, tài sản đã được thu hồi trả cho người bị hại. Trong thời gian tại ngoại, Lâm đã biết hối lỗi, nỗ lực hướng thiện. 

“Với trường hợp này, chúng ta nên khoan hồng, dùng biện pháp giáo dục hơn là trừng trị”, đại diện VKS nói và đề nghị HĐXX cho Lâm hưởng án treo để không gián đoạn việc học cùng nỗ lực hướng thiện của bị cáo.

Đồng tình, HĐXX đã tuyên án như trên. Đang ngồi chắp tay cầu nguyện cho con, nghe vậy người cha vội vàng chạy lên chắp tay rối rít cảm ơn đại diện VKS và HĐXX. Nhìn cha và chị, mắt Lâm cũng đỏ hoe…

“Ba khổ vì em quá nhiều rồi”

Phiên tòa kết thúc, cha Lâm dặn dò con trai: “Giờ thì gắng mà học cho tốt nha con. Học để mà kiếm cái nghề con ạ. Chuyện cũ đã qua thì hãy để nó trôi đi nghe không”.

Ông cho biết từ khi Lâm vào trung học, vợ chồng ông thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, sau đó đã chia tay. “Tôi sẽ gắng bù đắp tình cảm cho con. Tôi chỉ mong nó học xong nghề, xong cấp 3 thì mới yên tâm được”. Còn Lâm bảo sẽ cố học nghề thật giỏi để kiếm việc làm đàng hoàng. “Ba khổ vì em quá nhiều rồi”, Lâm rưng rưng.

Lời thú tội của sơn nữ bán bạn thân vào động mại dâm

Tròn 20 tuổi, Cao Thị Mơ đã trải qua 2 đời chồng và 3 lần làm mẹ. Mơ chịu không ít điều tiếng khắp cái xã miền núi vốn bình yên ấy khi mang tội mua bán người.

http://plo.vn/phap-luat/ban-an-cua-long-khoan-dung-517790.html

Theo Ngọc Thân/Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm