Trung tuần tháng 7 âm lịch, Phan Thiết đón chúng tôi bằng cơn mưa ngâu sụt sùi. Căn nhà cấp bốn của bà Lương Thị Phương nằm mặt tiền nhưng thụt sâu vào bên trong.
Con cái đi làm hết, suốt ngày người đàn bà 79 tuổi này cứ thui thủi một mình. Chỉ trong buổi trao đổi ngắn, bà Phương cứ đứng lên ngồi xuống liên tục để thắp nhang trên bàn thờ chồng và thì thầm khấn vái về những oan khiên mà bà phải gánh chịu 36 năm qua.
"Rụng rời khung dệt, tan tành gói may…"
Bà Phương kể đó là một buổi chiều rất buồn đầu tháng 8/1983. Lúc đó bà là Trạm phó Trạm thủy sản Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (sau tách ra thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận), còn chồng bà là ông Phan Thanh Hạnh đang là Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Tân.
“Chiều đó cả nhà đang quây quần ăn cơm thì bất ngờ Công an huyện Hàm Tân xuất hiện, lục tung đồ đạc trong nhà rồi bắt tôi đi trong sự ngỡ ngàng của chồng con và bà con chòm xóm” - bà Phương rơm rớm nước mắt nhớ lại.
Bà Phương bị giam hai tháng tại nhà tạm giữ Công an huyện Hàm Tân, sau đó được di lý ra Trại tạm giam Công an tỉnh Thuận Hải. Ngay sau khi bà Phương bị bắt giam, Huyện ủy Hàm Tân đã cử một đoàn cán bộ xuống thị trấn La Gi, nơi gia đình bà Phương cư trú để họp dân, phát động quần chúng tố cáo gia đình bà. Thế nhưng không một ai biết hoặc có ý kiến gì. Hàng xóm không biết đã đành, ngay chính bản thân bà Phương cũng bất ngờ bởi những gì mà bà bị quy kết.
Sau khi bị giam 127 ngày, bà Phương bất ngờ được thả về với gia đình. Ngày 26/12/1984, TAND tỉnh Thuận Hải mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Phương cùng 16 người khác của Trạm thủy sản Hàm Tân. Trong đó, bà Phương bị truy tố ba tội danh Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và Vi phạm chế độ tem phiếu dùng vào việc phân phối tài sản xã hội chủ nghĩa. Bà Phương bị tuyên phạt 36 tháng tù, 16 bị cáo còn lại đều được hưởng án treo.
Theo bản án, từ đầu năm 1983, lấy danh nghĩa công đoàn hợp đồng gia công phơi cá ngoài giờ cho Xí nghiệp chế biến thức ăn gia súc Phan Thiết, bà Phương đã chỉ đạo nhân viên ướp cá nhiều muối, ngâm lâu để cá tăng trọng lượng. Qua đó, họ chiếm đoạt tài sản hơn 135.000 đồng chia nhau.
Sau khi tuyên án, bà Phương làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên, bà chờ đợi mãi vẫn không thấy xét xử phúc thẩm hoặc bị bắt thi hành án phạt tù. Đến tháng 7/1985, cán bộ phòng tổ chức của Ty Thủy sản Thuận Hải gửi giấy mời bà Phương lên và cho biết: “Cấp trên đã xét lại, không bắt chị đi tù nữa nên tổ chức bố trí cho chị đi làm việc lại ở Xí nghiệp đông lạnh thủy sản Phan Thiết”.
Bà Phương chấp nhận đi làm. Thế nhưng không tổ chức nào phục hồi sinh hoạt Đảng cho bà, trong khi bà bị đình chỉ sinh hoạt Đảng từ ngày bị bắt giam. Làm được một thời gian bà Phương xin nghỉ việc, bắt đầu hành trình kêu oan.
Suốt 36 năm qua, bà Lương Thị Phương luôn ngóng chờ công lý. |
Quy kết vô lý, sai lệch
Bà Phương chua chát tâm sự nhiều người muốn hại gia đình bà, dựng chuyện lên những số liệu để áp đặt, kết tội cho bà và 16 người khác với những con số vô cùng mơ hồ và vô lý.
Theo bà Phương, năm 1983, thời điểm còn bao cấp, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào nhưng do ngăn sông cấm chợ, không ai mua cho ngư dân. Thời điểm này ngư dân Hàm Tân được mùa đánh bắt cá bò da. Nhiều hôm đánh bắt về Nhà nước ngưng thu mua, họ mang cá đổ đầy sân Trạm thủy sản Hàm Tân yêu cầu phải mua để họ về đong gạo nuôi vợ con. Thương những ngư dân nghèo, bà Phương đề xuất nên thu mua hết cá cho bà con và giao cho công đoàn trạm phơi cá, bán lại cho Công ty Thủy sản tỉnh, vừa giúp ngư dân vừa kiếm thêm thu nhập cho công đoàn viên.
Thế nhưng bản án lại quy kết bà Phương chỉ đạo ướp muối nhiều để chiếm đoạt hơn 24.000 kg cá tươi bán lại cho ngư dân, trong khi ngư dân đánh bắt được không ai mua. Bản án này còn quy kết các bị cáo ướp 40 tấn cá với 27 tấn muối nhằm tăng trọng lượng.
“Làm gì có chuyện này chứ, theo định luật bão hòa, không thể nào có chuyện 40 tấn cá hòa tan và thấm hết 27 tấn muối để tăng trọng lượng được. Đây là sự việc không có thật, phản khoa học, sai sự thật nhưng họ vẫn buộc tội chúng tôi cho bằng được” - người đàn bà gần 80 tuổi, tóc trắng như cước gạt nước mắt nói.
Đáng chú ý là ngày 26/12/1984, TAND tỉnh Thuận Hải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhưng… hơn 6 tháng sau (ngày 10/7/1985) tòa án này mới ban hành bản án. Với chi tiết này cũng dễ hiểu vì sao đơn kháng cáo phúc thẩm của bà Phương không được chuyển đến nơi cần đến và điều này cũng đồng nghĩa với việc mọi quyền lợi hợp pháp của bà Phương đã bị tước sạch sau phiên tòa sơ thẩm.
Món nợ ân tình giữa hai vợ chồng
Bà Phương cho biết ngày bà bị bắt giam, được thả rồi ra tòa, chồng bà lúc đó đang giữ chức phó chủ tịch huyện. Ngoài mặt ông cứng rắn lắm nhưng mỗi lần gặp riêng, ông luôn ôm chặt vợ khóc như mưa. Ông xin lỗi vợ vì dù đang đương chức, nhiều quyền nhưng vẫn không giúp được gì cho người đầu ấp tay gối với mình.
Ngày nào ông cũng luôn khuyên bà hãy chờ công lý, bởi ông tin vợ mình vô tội. Thế nhưng công lý không mỉm cười mà luôn quay lưng với bà Phương.
Thấy vợ sống luôn dằn vặt vì mang tai tiếng là tội phạm, suốt ngày ở trong nhà không dám bước ra đường vì xấu hổ với hàng xóm, họ tộc, người chồng quyết định xin chuyển công tác. Rồi ông về giữ chức Phó giám đốc Sở Thủy sản tỉnh, bà Phương lại theo chồng về Phan Thiết, tiếp tục kiên trì gửi đơn trên hành trình kêu oan của mình.
Đầu năm 2014, sau khi về hưu, người chồng bị bệnh nặng. Ông đã nắm chặt tay người vợ của mình, mắt ngấn nước, mấp máy môi không nói nên lời rồi lìa đời sau đó. “Có lẽ ổng muốn nói còn nợ tôi lời xin lỗi nhưng tôi mới là người nợ ông ấy nhiều hơn, mà món nợ lớn nhất là quyết định minh oan đặt lên bàn thờ của ông ấy” - bà Phương vừa nói vừa ngước nhìn bàn thờ rồi òa khóc nức nở.
Một gia đình giàu truyền thống yêu nước
Theo bà Phương, cha bà được kết nạp Đảng từ những năm 1930 khi tham gia cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; mẹ và các em của bà đều là đảng viên; em trai bà hy sinh năm 1972, là liệt sĩ; chồng bà là đảng viên 50 năm tuổi Đảng. Bản thân bà được kết nạp Đảng năm 1965. Tuy nhiên, từ khi bị đình chỉ sinh hoạt Đảng (từ năm 1983) đến nay bà vẫn không được phục hồi.
“Bản án oan sai đã tước đi tất cả sự nghiệp cống hiến của tôi; tước đoạt tất cả quyền lợi, sinh mệnh chính trị cùng những đóng góp của gia đình tôi hàng chục năm qua. Tất cả chỉ vì những thông tin sai sự thật” - bà Phương chua chát nói.
Chờ tòa án có thẩm quyền lật lại vụ án
Theo bà Lương Thị Phương, sau khi xét xử sơ thẩm, bà đã nộp đơn kháng cáo cho TAND tỉnh Thuận Hải nhưng có lẽ tòa này đã không chuyển đơn. Bằng chứng là văn bản trả lời của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng vào tháng 8/2011 cho biết sau khi tra cứu các sổ sách theo dõi hồ sơ thì tòa này không thụ lý, xét xử phúc thẩm vụ án của bà. Tháng 1/2016, TAND Tối cao cũng đã chuyển đơn kêu oan của bà Phương cho TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét. Tuy nhiên, đến nay bà Phương vẫn chưa nhận được trả lời.
Trả lời về vụ án này, ngày 15/7, ông Bích Văn Nhiên, Phó chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, có văn bản cho biết ngày 6/5 tòa này đã nhận đơn kêu oan đề nghị xem xét lại bản án oan sai của bà Phương.
Theo đó, sau khi xem xét đơn, TAND tỉnh Bình Thuận đã có công văn trả lời bà Lương Thị Phương với nội dung “Theo quy định tại khoản 3 Điều 373 Bộ luật Tố tụng hình sự: Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ”. Vì vậy, đơn kêu oan của bà Lương Thị Phương không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận.
TAND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết nếu có tài liệu, chứng cứ chứng minh bị oan thì bà Lương Thị Phương gửi đơn đến TAND Cấp cao tại TP.HCM để được xem xét theo quy định pháp luật.
Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi vì sao việc bà Phương kêu oan lại để kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Thuận cho biết không rõ bà Phương gửi đơn kêu oan từ năm nào, gửi đến những cơ quan nào và đã được những cơ quan nào giải quyết. Vì bản án đã tuyên từ năm 1984 nhưng TAND tỉnh Bình Thuận chỉ nhận được đơn kêu oan vào tháng 4/2019 và đã trả lời đơn cho bà Phương.