Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bàn chân người chết ở Everest làm sống dậy bí ẩn kéo dài 100 năm

Việc phát hiện chiếc giày và bàn chân của Andrew Comyn Irvine, nhà thám hiểm tử nạn vào năm 1924, có thể giải mã bí ẩn lớn nhất của ngành leo núi.

Một chiếc giày của nhà leo núi người Anh Andrew Irvine được tìm thấy. Ảnh: National Geographic.

Năm 1924, Andrew Comyn "Sandy" Irvine đã thực hiện chuyến hành trình của cuộc đời mình - đi qua Ấn Độ, Tây Tạng và dãy Himalaya, với tư cách là thành viên trẻ nhất trong đoàn thám hiểm của Anh hướng đến mục tiêu trở thành người đầu tiên lên đến đỉnh Everest.

Nhưng mục tiêu đó đã không thành hiện thực.

Irvine, khi ấy là sinh viên 22 tuổi của Đại học Oxford, và người bạn học George Mallory đã tử nạn ở đâu đó gần đỉnh Everest vào tháng 6/1924.

Liệu họ đã chinh phục được đỉnh núi cao nhất thế giới hay không cho đến nay vẫn là bí ẩn lớn nhất của ngành leo núi.

Bí ẩn chưa có lời giải

Bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Irvine và Mallory đã chinh phục được Everest cũng sẽ làm thay đổi lịch sử: Edmund Hillary của New Zealand và nhà leo núi Sherpa Tenzing Norgay được ghi nhận là người đầu tiên lên đến đỉnh Everest vào năm 1953. Nếu giả thuyết là đúng, Irvine và Mallory đã làm được điều đó trước 3 thập kỷ.

Các nhà sử học tin rằng chiếc máy ảnh Kodak mà họ mang theo có thể chứa bằng chứng về cuộc chinh phục đỉnh núi thành công.

Nhưng khi thi thể của Mallory được phát hiện vào năm 1999, chiếc máy ảnh không xuất hiện cùng. Kể từ đó, hy vọng tìm thấy thi thể của Irvine và máy ảnh cũng dần tan biến.

Tuần trước, bí ẩn bị chôn vùi 100 năm một lần nữa nổi lên sau khi đoàn làm phim tài liệu của National Geographic trên đỉnh Everest tình cờ phát hiện ra chiếc ủng cũ trên sông băng Rongbuk.

Bên trong là một bàn chân người đông cứng và một chiếc tất có ghi dòng chữ "A.C. Irvine" màu đỏ không thể nhầm lẫn, chứng tỏ nó thuộc về Irvine.

chinh phuc Everest anh 1

Trên chiếc giày bị chôn vùi trăm năm có tên của Irvine. Ảnh: National Geographic.

Mark Fisher, một trong 3 nhà làm phim phát hiện ra chiếc ủng, cho biết anh cùng các đồng nghiệp Erich Roepke và Jimmy Chin đã rất hoảng sợ.

"Ôi trời, chúng tôi vừa tìm thấy Irvine" - Fisher ví von việc này giống như vô tình tìm thấy một hũ vàng giữa sa mạc.

Sông băng rộng 78 km2 này chứa đầy những tảng băng giá, rời rạc và những "kim tự tháp" băng cao tới 15 m chọc thẳng lên bầu trời.

"Đã có rất nhiều chuyến thám hiểm trong 100 năm qua, nhiều trong số đó có mục đích duy nhất là tìm kiếm Mallory và Irvine. Việc chúng tôi tìm thấy chiếc ủng thực sự là một phép màu", Fisher cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào hôm 13/10 tại nhà riêng của ông ở Victor (bang Idaho, Mỹ).

Fisher cho rằng sông băng đã tan chảy một phần và khiến chiếc ủng lộ ra ngoài chỉ khoảng một tuần trước khi nhóm tìm thấy nó.

Cũng theo AFP, biến đổi khí hậu đang khiến lớp băng quanh dãy Himalaya mỏng đi, làm phát lộ thi thể của nhiều nhà leo núi đã nằm lại nơi đây hàng thập kỷ khi cố gắng chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.

Những nhà nghiên cứu tin rằng việc phát hiện một phần thi thể của Irvine có thể rút ngắn vùng tìm kiếm chiếc máy ảnh và góp phần giải mã bí ẩn kéo dài một thế kỷ về người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest.

Chiếc ủng và bàn chân hiện nằm trong tay Hiệp hội leo núi Trung Quốc - Tây Tạng, cơ quan chính phủ Trung Quốc giám sát việc tiếp cận mặt phía bắc của Everest, nơi chiếc ủng được tìm thấy.

Cơ quan này từ chối bình luận ngoài việc xác nhận rằng họ sở hữu chiếc ủng và bàn chân. Theo National Geographic, các mẫu DNA đang được so sánh với mẫu DNA của những người họ hàng còn sống gần nhất của Irvine.

Nỗi đau dai dẳng của gia đình

Julie Summers, cháu gái của Irvine, đã nhận được một cuộc gọi vào tuần trước. Người gọi là bạn của cô, Jamie Owens từ Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh. Những thành viên của hiệp hội đã giúp tổ chức chuyến thám hiểm Everest năm 1924.

"Bạn có thể nói chuyện với anh này từ Kathmandu không?", Owens hỏi.

Sáng hôm sau, Summers - người đã viết một cuốn sách về Irvine và nghiên cứu về ông trong nhiều năm - đã tham gia cuộc gọi qua Zoom với Chin - một trong 3 người đã tìm thấy chiếc ủng khi đến Everest gần đây.

"Và chúng tôi biết đó là chiếc ủng của Sandy Irvine", Summers nhớ lại lời Chin nói. Cô đã rất sửng sốt.

Summers cho biết cô cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe những lời đó. Cô cũng thấy an ủi phần nào khi biết rằng phát hiện này trái ngược với một thuyết âm mưu chưa được xác nhận rằng những người leo núi Trung Quốc đã lấy hài cốt của Irvine khỏi ngọn núi.

Cô và phần lớn những người thân còn sống của Irvine muốn Irvine ở lại Everest nếu thi thể ông được tìm thấy, giống như mong muốn của gia đình Mallory khi tìm ra thi thể của ông ấy cách đây 25 năm.

Cái chết của Irvine - người con thứ 3 trong 6 người con - đã khiến gia đình ông rất đau buồn. Bà của Summers, Evelyn, từ chối nói về người anh trai đã mất của mình, tên ở nhà là Sandy, người mà bà rất gắn bó. Cha mẹ Irvine - ông bà cố của Summers - đã phải chịu đựng trong im lặng "theo cách rất người Anh, khắc kỷ", Summers cho biết.

Vào tháng 10/1924, mẹ của Irvine đã viết thư cho con trai cả của mình, Hugh, 4 tháng sau khi ông biến mất trên Everest. "Cha con và mẹ chưa bao giờ đặt câu hỏi đúng hay sai khi Sandy lên Everest. Nhưng không có nghĩa lỗ hổng trong trái tim chúng ta được hàn gắn".

Summers cho biết chiếc ủng không trả lời được câu hỏi liệu Irvine và Mallory có lên đến đỉnh hay không. Nhưng bà tin nó sẽ giúp giảm bớt khó khăn khi người ta cố gắng tìm kiếm chiếc máy ảnh Kodak, dù nhiệm vụ đó vẫn rất khó khăn. Cuối cùng, bà nói rằng bí ẩn này có thể sẽ còn kéo dài.

"Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật", bà nói, bởi vì ngay cả khi tìm thấy chiếc máy ảnh, bên trong đó chưa chắc có ảnh chụp đỉnh núi.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Cái kết của người chủ xích và bỏ rơi chó cưng trong bão Milton

Người đàn ông 23 tuổi đã bị bắt, đối mặt án tù 5 năm, sau khi xích chó cưng vào hàng rào ven đường, trong lúc anh ta sơ tán khỏi Florida đến Georgia (Mỹ) để tránh cơn bão Milton.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm