Những món đồ hiệu, trang phục nổi bật của bạn bè thân thiết dễ khiến con người nảy sinh cảm giác đố kỵ. Ảnh: Instyle. |
Theo tiến sĩ Miriam Kirmayer, nhà tâm lý học và chuyên gia về mối quan hệ tại Mỹ, đố kỵ là cảm xúc nảy sinh khi người khác có được thứ mà bạn mong muốn, trong đó có cả quần áo và gu thời trang.
Chia sẻ với Instyle, chuyên gia này thừa nhận cô từng ao ước có tủ đồ của một người bạn đại học. Các món đồ mùa thu mới tinh, bao gồm áo khoác được thiết kế riêng, váy hàng hiệu và đôi guốc cổ điển… thực sự khiến cô ghen tỵ.
Trên thực tế, tâm lý ngưỡng mộ, thầm đố kỵ với người khác về trang phục thường xuyên xảy ra trong đời sống, được gọi là "stylistic affinity" (tạm dịch: sự gắn bó phong cách). Con người cho rằng việc ăn mặc giống người mình ngưỡng mộ (thường là bạn bè, sếp...) có thể gia tăng sự gần gũi.
Nhưng khi cố gắng mãi vẫn không thể mặc giống, người ghen tỵ sẽ bắt đầu xuất hiện cảm giác tự ti.
Ví dụ, họ sẽ nảy sinh lòng ghen ghét, phẫn nộ bởi không đủ khả năng tài chính mua sắm những món đồ xa xỉ. Thậm chí, họ có thể cảm thấy hả hê khi đối phương gặp sự cố mặc xấu, mất đồ...
Nếu xuất hiện tâm lý tương tự, bạn có thể áp dụng những gợi ý dưới đây từ Instyle nhằm không biến tính cách của mình trở nên tiêu cực.
Tạm ngừng phán xét và thừa nhận cảm xúc
Thông thường, con người hay phủ nhận những cảm xúc tiêu cực của bản thân, bao gồm cả cảm giác ghen tỵ. Nhưng khi lòng đố kỵ không được giải quyết, chúng ta có thể hành xử thiếu thông minh và làm phá hoại mối quan hệ.
Trên thực tế, thật tốt nếu bạn có thể nói với cô bạn thân của mình rằng bạn rất thích chiếc vòng cổ mới hoặc cách ăn mặc của họ.
Chuyên gia tâm lý Tanya Trevett cho biết thừa nhận cảm xúc ghen tỵ chính là cách dễ dàng nhất để gạt bỏ nó.
"Một trong những người bạn của tôi có phong cách hoàn hảo, nhưng dù tôi có cố gắng đến đâu cũng không thể bắt chước được cô ấy. Do đó, tôi luôn né tránh khi ai đó bàn đến chuyện thời trang, xu hướng. Nhưng điều đó thật sai lầm. Nhận biết và công nhận những cảm xúc bên trong mới có thể giúp chúng ta vượt qua nó bằng cách lành mạnh hơn", cô chia sẻ.
Hãy tự hỏi chính mình
Bước tiếp theo, tiến sĩ Kirmayer gợi ý bạn nên tự hỏi bản thân "Bạn đang thực sự mong muốn điều gì?".
Đôi lúc, sự ghen tỵ không liên quan đến những bộ quần áo mà bạn thèm muốn. Nó là những gì mà món đồ đó đang đại diện: sự giàu có, sự chăm chút bản thân, sự sung sướng…
Monica Corcoran Harel, người sáng lập công ty truyền thông Pretty Ripe, cho biết những người bạn của cô thường ăn mặc lộng lẫy, thu hút nhiều sự chú ý dù ở bất cứ đâu. Điều này khiến cô ấy bị kích thích.
Harel là chủ một doanh nghiệp, cô ấy thừa sức để mua những chiếc váy dạ hội lộng lẫy khác. Nhưng điều đó không làm giảm bớt đi sự ham muốn những món đồ từ người bạn kia.
Để xoa dịu cảm giác ghen tị của mình, Harel chuyển sang chất vấn bản thân.
Cô phát hiện ra cảm xúc của mình không đến từ việc những bộ váy đẹp và kính râm hàng hiệu của bạn mình.
"Tôi nhận ra mình chỉ đang muốn được chú ý hơn mà thôi, trong khi bạn tôi không hề cố ý để trông nổi bật hơn tôi làm gì", cô kể.
Nói chuyện trung thực với họ
Marisa G. Franco, tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Maryland (Mỹ), nhận định sự trung thực sẽ là một bước tiến cho tình bạn.
Sự đố kỵ về thời trang có thể làm bạn có cảm giác khó chịu và xấu hổ, nhưng đó cũng là một động lực mạnh mẽ để bạn nhận ra mình muốn gì và mối quan hệ này quan trọng thế nào.
Chuyên gia này đưa ra lời khuyên rằng bạn nên cảm đảm và nói ra những cảm xúc khó khăn của mình.
Những “bài tập" không dễ dàng này sẽ giúp bạn đương đầu với lòng đố kỵ. Tuy nhiên, đây là cách để bạn bảo vệ được tình bạn của mình.
Biến sự đố kỵ thành nguồn cảm hứng
Bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực, nhìn một cách công tâm, đố kỵ giúp bạn biết những mong muốn thật sự của bản thân. Điều này giúp bạn tìm thấy được động lực để tạo ra những sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống.
Sara Radin, nhà văn tự do, cho biết cô vẫn có cảm giác khó chịu khi bạn bè mình mặc những bộ trang phục hàng hiệu mà cô không có tiền mua.
Nhưng thay vì tập trung vào những bộ quần áo mà cô ấy không thể mua được, Radin dồn sức vào việc quản lý tủ quần áo của mình.
"Tôi bắt đầu mua sắm đồ secondhand và tôi tự hào về phong cách của mình", cô chia sẻ.
Trong khi đó, kể cả khi đã bắt chước thành công phong cách của bạn mình, Harel vẫn không cảm thấy thoải mái. Cô quyết định không theo đuổi tủ đồ của ai nữa, mà tự mua sắm những món quần áo màu sắc, sặc sỡ theo ý mình.
"Về mặt cảm xúc, sự đố kỵ đã giúp tôi biết rằng mình muốn được quan tâm. Và tôi làm điều đó theo cách của mình", cô nói thêm.