Thông thường, gen sẽ quyết định sự di truyền từ cha mẹ sang con cái những yếu tố như màu mắt, dáng người, màu tóc, tình trạng sức khỏe. Một câu hỏi được nhiều nhà khoa học đặt ra là gen có liên quan đến quyết định hôn nhân trong cuộc đời mỗi người hay không?
Những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có cha mẹ ly dị, nhiều khả năng sẽ gặp tình trạng “đổ vỡ” sau hôn nhân cao hơn so với những người trưởng thành trong gia đình có đầy đủ cả cha mẹ. Liệu có phải do cách nuôi dưỡng, giáo dục của hai trường hợp trên có sự khác biệt?
Mới đây, một nghiên cứu về tâm lý học sắp được công bố sẽ hé mở cho chúng ta thấy nguyên nhân của tình trạng trên có thể liên quan nhiều hơn “tự nhiên” hơn là cách nuôi dưỡng. Nói cách khác, nguy cơ ly hôn tăng lên có thể đã được mã hóa sẵn trong gen.
Để xác định liệu các yếu tố di truyền đóng vai trò ra sao trong việc làm tăng khả năng ly hôn của các cặp vợ chồng, các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ và Thụy Điển đã tiến hành phân tích số liệu dân số từ gần 20.000 người trưởng thành tại Thụy Điển từng được nhận làm con nuôi khi còn nhỏ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhóm đối tượng này có quá khứ ly hôn hoàn toàn tương đồng với cha mẹ đẻ và anh chị em ruột hơn là cha mẹ nuôi, mặc dù họ được nhận nuôi từ khi còn rất nhỏ.
Gen di truyền có liên quan đến hành động ly dị nhưng không phải là yếu tố quyết định tình trạng hôn nhân của mỗi người. Ảnh: Sober College. |
Tiến sĩ Jessica Salvatore, chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ), cho rằng điều này chắc hẳn sẽ gây ngạc nhiên cho rất nhiều người, bởi nó chống lại tư tưởng khá phổ biến rằng con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ ly hôn là do ảnh hưởng nếp sống và có xu hướng thực hiện các hành vi giống cha mẹ mình.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh yếu tố di truyền chỉ góp phần gia tăng nguy cơ ly hôn chứ không có nghĩa là những người có cha mẹ chia tay nhất định sẽ ly hôn trong tương lai.
Môi trường sinh sống, cách giáo dục và suy nghĩ của mỗi người vẫn là một yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc hôn nhân. Ảnh: Tnooz |
Tiến sĩ Salvatore cũng không phủ nhận rằng yếu tố môi trường nuôi dưỡng cũng ảnh hưởng đến việc ly hôn về sau. Trên thực tế, nghiên cứu cũng tiến hành kiểm tra dữ liệu từ hơn 80.000 người trưởng thành đã từng sống với mẹ đẻ và cha dượng khi còn nhỏ. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có mối tương quan giữa tỷ lệ ly hôn của người tham gia khảo sát với tỷ lệ ly hôn của cha đẻ, người mà họ không sống cùng. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân mới của mẹ đẻ (với cha dượng) là một yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới hôn nhân hạnh phúc của họ sau này.
Điều này cung cấp thêm một số bằng chứng cho thấy môi trường sống thời thơ ấu có ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của đứa trẻ sau này.
Tiến sĩ Salvatore hy vọng rằng nghiên cứu của bà có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về nhiều khía cạnh, những yếu tố có thể khiến các cặp vợ chồng ly hôn.
“Tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với mối quan hệ của mình, cho dù chúng ta đến từ một ngôi nhà hạnh phúc, vui vẻ hay một căn nhà đầy rắc rối và rạn nứt. Với việc hiểu rõ quan hệ của cha mẹ mình trong quá khứ có thể giúp chúng ta suy ngẫm và cải thiện cách cư xử của mình trong các mối quan hệ đang có”, bà chia sẻ.
Kết quả của nghiên cứu cũng là cơ sở để các chuyên gia tâm lý tham khảo và đưa ra lời khuyên đối với các cặp vợ chồng đang có nguy cơ tan vỡ
Nghiên cứu được thực hiện tại Thụy Điển (đất nước nó độ tuổi kết hôn trung bình khá cao và tỷ lệ ly hôn cũng ở mức cao), do vậy tiến sĩ Salvatore không thể chắc chắn rằng những phát hiện này sẽ đúng với mọi quốc gia, nền văn hóa.