![]() |
Câu 1. Có người trung liệt sáng ngời / Quyết không khuất phục bọn người ngoại xâm / Xé đồ băng bó vết thương / Nhịn ăn mà chết, chọn đường tự do?
Nguyễn Tri Phương là đại thần nhà Nguyễn, kháng chiến chống Pháp trong giai đoạn đầu khi chúng vừa đặt chân tới xâm chiếm nước ta. Trong cuộc chiến bảo vệ thành Hà Nội năm 1873, ông bị trúng đạn, rơi vào tay địch, nhưng đã khước từ mọi sự chữa trị của binh lính Pháp, nhịn ăn để tuẫn tiết.
|
![]() |
Câu 2. Còn ai khỏe mạnh phi thường / Nhổ cây to, đánh dẹp phường hại dân/ Làm quan trừ kẻ loạn thần / Về sau lại phá tan quân Chiêm Thành?
Những câu thơ trên nói về Lê Phụng Hiểu, đại thần nhà Lý. Ông giúp dân làng mình đánh bại làng bên đến tranh chấp ruộng. Khi làm quan cho nhà Lý, ông có công dẹp loạn tam vương để phò vua Lý Thái Tông. Ông cũng có công nhiều lần đánh tan quân Chiêm Thành xâm chiếm lãnh thổ.
|
![]() |
Câu 3. Còn ai học vấn uyên thâm / Nho, y, lý, số mười phân vẹn mười / Sùng chính viện mới ra đời / Công trình dịch thuật nửa đời tiêu tan?
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, ông là nhân tài nổi bật của nước ta cuối thế kỷ XVIII. Sinh thời, ông rất được vua Quang Trung mến mộ, từng 3 lần hạ cố mời ra giúp nước. Sau này, ông trông coi Sùng Chính Thư viện, chuyên lo việc dịch sách từ chữ Hán ra chữ Nôm, hiến kế cho vua Quang Trung xây dựng kinh đô ở Nghệ An. Cái chết đột ngột của vua Quang Trung khiến mọi thứ sụp đổ.
|
![]() |
Câu 4. Gò Công anh dũng tuyệt vời / Ai thời “đám lá tối trời” đánh Tây?
Hai câu thơ trên nói về Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, anh hùng đánh Pháp người Gò Công (Đồng bằng sông Cửu Long) trong thế kỷ XIX.
|
![]() |
Câu 5. Một xin rửa sạch thù nhà / Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng / Ba kẻo oan ức lòng chồng / Bốn xin vỏn vẹn sở công lênh này?
Những câu thơ trên nói về Trưng Trắc (Trưng nữ vương), thủ lĩnh chống quân Hán (40-43). Trước khi phất cờ khởi nghĩa, Hai Bà Trưng khẳng định mục đích của mình, báo thù cho chồng là Thi Sách bị Thái thú Tô Định hãm hại.
|
![]() |
Câu 6. Trên trời có ông sao Tua / Ở làng Minh Giám có vua Ba Vành / Phương đông quật lũ hùng tinh / Làm cho bảy viện tan tành ra tro?
Vua Ba Vành tức Phan Bá Vành (1788-1827) là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Thái Bình, chống lại nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Năm 1827, cuộc khởi nghĩa thất bại, Phan Bá Vành tự sát trên đường bị giải về kinh thành Huế.
|
![]() |
Câu 7. Vốn người có tiếng thơ hay / Làm quan nhưng bị Nguyễn triều không ưa / Tham gia khởi nghĩa nông dân / Chẳng may chết trận, thương đời tài hoa?
Cao Bá Quát (1809-1854) là danh nhân nổi tiếng trong thế kỷ XIX. Ông viết chữ rất đẹp, có tài thơ phú nhưng vì tính cương trực thẳng thắn nên triều đình Tự Đức không ưa. Sau nhiều lần bị giáng chức, bất mãn, Cao Bá Quát về Hưng Yên tham gia khởi nghĩa nông dân. Theo một số tài liệu, ông chết trận năm 1854.
|
![]() |
Câu 8: Đố ai người phủ Tĩnh Gia / Văn chương thơ phú làu làu tinh thông / Đi theo chúa Nguyễn lập thành / Một vùng chiến lữa vang danh khắp miền?
Đào Duy Từ (1572-1634) vốn người Tỉnh Gia, Thanh Hóa ngày nay. Ông di cư vào Đàng Trong được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, trở thành bậc khai quốc công thần của chúa Nguyễn. Ông rất giỏi thơ phú, quân sự, có công hiến kế giúp chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục, lũy Thầy để ngăn chặn quân nhà Trịnh. |