Những năm gần đây, khái niệm ký ức cốt lõi trở nên phổ biến trong văn hóa đại chúng nhờ bộ phim Inside Out (phát hành năm 2015). Bộ phim này đề cập việc ký ức cốt lõi được cho là 5 ký ức quan trọng nhất của bạn.
Cụ thể, một số sự kiện trong cuộc đời sẽ trở thành sự kiện quan trọng, góp phần hình thành tính cách, hành vi và ý thức về con người bạn. Nhiều người dùng mạng xã hội đã đăng tải các video, hình ảnh từ ngày xưa như một cách để chia sẻ về ký ức cốt lõi.
Tuy nhiên, một vấn đề bất cập hiện nay là khoa học chỉ ra khái niệm ký ức cốt lõi đang bị hiểu sai. Dưới đây là 5 lầm tưởng về ký ức cốt lõi do The Conversation liệt kê, lý giải.
Ký ức cốt lõi không bị giới hạn ở số 5
Autobiographical memories (tạm dịch: Ký ức tự tuyện) là những ký ức về bản thân và cuộc sống được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn của con người. Đây được coi là một kho lưu trữ với bộ nhớ khổng lồ, không có giới hạn về dung lượng và sức chứa.
Do đó, kỷ niệm quan trọng của cuộc đời con người sẽ không bị giới hạn ở con số 5 hoặc 50. Những ký ức khác nhau có thể phù hợp với con người trong những bối cảnh đặc thù. Do đó, con người có thể nghĩ đến hàng loạt ký ức vào những thời điểm khác nhau.
Con người có thể lưu trữ nhiều ký ức. Ảnh: Metamorworks. |
Ký ức cốt lõi không định hình tính cách con người
Ký ức là điều quan trọng với con người, nhưng những ký ức cá nhân không góp phần định hình hay thúc đẩy tính cách.
Các nhà tâm lý học và nhà khoa học nhận thức nói rằng ký ức tự truyện có ít nhất 3 chức năng chính.
Xét theo chức năng cá nhân, chúng ta biết mình là ai nhờ những trải nghiệm trong quá khứ.
Xét theo chức năng xã hội, việc kể những câu chuyện được lưu trong trí nhớ giúp chúng ta hòa nhập và gắn kết với người khác.
Cuối cùng là xét theo chức năng chỉ đạo, những ký ức giúp chúng ta học được những bài học trong quá khứ và biết giải quyết các vấn đề trong tương lai.
Ký ức thời thơ ấu chưa chắc là những ký ức tồn tại mạnh mẽ nhất
Trái với những mô tả phổ biến trên các phương tiện truyền thông, những ký ức tự truyện nổi bật nhất của con người không hẳn lúc nào cũng có sự góp mặt của những ký ức thời thơ ấu.
Con người bắt đầu hình thành những ký ức đầu tiên từ 3-4 tuổi, nhưng lúc đó trí nhớ vẫn còn khá "yếu". Trong những năm tiểu học, số kỷ niệm con người nhớ được vẫn chưa nhiều.
Hầu hết ký ức nổi bật và quan trọng của con người có xu hướng tập hợp trong giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành. Hiện tượng này được gọi là reminiscence bump (tạm dịch: Hồi tưởng những ký ức nổi bật).
Lý giải cho điều này, những ký ức đầu tiên của thời thơ ấu thường rất đơn giản. Mối quan tâm của con người khi còn nhỏ thường không thú vị bằng những điều xuất hiện trong độ tuổi trưởng thành.
Những trải nghiệm rõ ràng nhất thường xuất hiện vào cuối độ tuổi vị thành niên và đầu tuổi trưởng thành. Thời điểm này, ý thức của con người về bản thân đã ổn định.
Một thực tế là con người vẫn thường nhung nhớ cuộc sống trước đây và hình thành những khao khát buồn vui lẫn lộn về cuộc sống trong quá khứ. Xu hướng hình thành ký ức cốt lõi có thể bắt nguồn từ những nỗi nhớ này.
Chúng ta không thể đoán trước điều gì sẽ trở thành ký ức cốt lõi
"Ký ức cốt lõi mới" là một khái niệm mới xuất hiện để gọi tắt những trải nghiệm thú vị, mới xuất hiện. Những sự kiện đi kèm cảm xúc sẽ dễ ghi nhớ hơn những sự kiện không có đặc điểm nổi bật. Tuy nhiên, con người không có quyền lựa chọn những ký ức cho riêng mình.
Điều này có nghĩa là chúng ta không thể đoán trước được những sự kiện nào chúng ta sẽ nhớ mãi và những điều gì chúng ta sẽ quên lãng sau một thời gian.
Đối với chủ sở hữu, những ký ức có thể sẽ mang những ý nghĩa khác nhau ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
Những sự kiện quan trọng với con người (về lâu dài) có thể là những sự kiện hoàn toàn bình thường ở thời điểm diễn ra. Ngược lại, những sự kiện được con người cho là nổi bật, có thể họ sẽ quên đi nhiều chi tiết quan trọng.
Ký ức cốt lõi cũng có thể sai sót
Đôi khi, ký ức cốt lõi được miêu tả như những bức ảnh chụp nhanh trong quá khứ, chúng ta có thể bấm chụp rồi xem lại ngay lập tức.
Thực tế, mọi ký ức của con người đều có thể bị thay đổi, lãng quên hoặc sai sót ở những chi tiết nhỏ, ngay cả khi ký ức đó liên quan một sự kiện quan trọng. Khi con người tìm về ký ức, họ thường có xu hướng nhớ nội dung chính và một số chi tiết liên quan.
Khi "truy xuất" các sự kiện trong quá khứ, con người sẽ phải xây lại sự kiện đó. Họ cần ghép ý chính và các mảnh chi tiết với nhau, đồng thời lấp đầy những khoảng trống là những chi tiết đã bị lãng quên.
Mỗi khi nhớ lại sự kiện trước đây, con người có khả năng thay đổi những chi tiết, tạo ra những cảm xúc mới và diễn giải lại ý nghĩa của sự kiện đó.
Ví dụ, bạn có thể vui vẻ kể lại những kỷ niệm vui vẻ khi đính hôn với người bạn đời bạn yêu nhất. Khi mối quan hệ bắt đầu rạn nứt, quá trình tái tạo trí nhớ cho phép bạn lồng ghép những cảm xúc tiêu cực vào ký ức đó.