Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người mắc bệnh tâm thần bị kỳ thị khi đi làm ở Trung Quốc

Người mắc các bệnh về tâm thần dễ bị cô lập ở nơi làm việc, công ty cũng không muốn tuyển dụng vì lo ngại rủi ro.

Việc làm là một vấn đề khó khăn đối với những người mắc bệnh về tâm thần ở mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ có việc làm của nhóm đối tượng này tại Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với những khu vực khác như Mỹ, châu Âu.

Tính đến cuối tháng 6/2021, Trung Quốc ghi nhận 6,6 triệu người đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách hoang tưởng, rối loạn lưỡng cực. Con số này gần tương đương với 1/2 số shipper đang làm việc tại đất nước tỷ dân.

Nếu shipper là hình ảnh phổ biến trên khắp phố phường ở Trung Quốc, hàng triệu người đang chống chọi với sức khỏe tâm thần lại trở nên vô hình với xã hội. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ việc họ bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở nơi làm việc.

Bị gây áp lực đến mức phải nghỉ việc

Bệnh tâm thần được cho là rào cản lớn với nhiều người vì sau khi được chẩn đoán bệnh, họ khó tìm được việc làm và tái hòa nhập xã hội.

Cai (27 tuổi) là một trường hợp như vậy. Năm 2014, Anh được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và phải điều trị một thời gian. Sau khi xuất viện, Cai xin làm bồi bàn nhưng không được nhận.

Cai nhớ lại buổi phỏng vấn hôm đó, anh đã nói thẳng với quản lý về bệnh tình của mình. Cai không được nhận vào làm. Người quản lý hôm đó phỏng vấn Cai nhắc anh không nói với người khác về căn bệnh bản thân mắc phải.

Sau đó, Cai tiếp tục xin việc tại một nhà hàng khác. Nhớ rõ lời nhắc nhở của người quản lý, Cai không đề cập tình trạng sức khỏe trong buổi phỏng vấn. Anh được nhận vào làm việc. Tuy nhiên, khi quản lý nhà hàng biết Cai mắc bệnh, người đó bắt đầu gây áp lực và buộc Cai phải nghỉ việc.

nguoi benh tim viec lam anh 1

Nhiều người phải từ bỏ công việc vì mắc bệnh tâm thần. Ảnh: The Conversation.

Theo Sixth Tone, một nghiên cứu năm 2005 cho thấy 42% người mắc các loại bệnh tâm thần ở Trung Quốc bị đối xử bất công tại nơi làm việc. 75% người làm khảo sát này (bao gồm người nhà bệnh nhân và các chuyên gia sức khỏe tâm thần) cho rằng sự kỳ thị gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân lẫn gia đình họ.

Li là một trong số những người bị cô lập vì mắc bệnh. Li cho biết việc quay trở lại công ty làm việc khiến anh suy sụp và gần như không thể chịu nổi.

"Mỗi ngày đi lên xe buýt của công ty để đến chỗ làm, các đồng nghiệp sẽ ngồi cùng nhau trò chuyện và đùa giỡn. Chiếc ghế bên cạnh tôi là chỗ duy nhất không có ai ngồi", Li tâm sự.

Công ty ngại tuyển người mắc bệnh

Để khắc phục tình trạng người mắc bệnh tâm thần gặp khó khăn khi làm việc, Trung Quốc đã đặt ra một chính sách vào năm 2007. Chính sách nêu người sử dụng lao động thuê nhân lực là người mắc bệnh sẽ được giảm thuế. Luật sức khỏe tâm thần được thông qua vào năm 2012 cũng hỗ trợ nhóm đối tượng này trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, đất đai...

Dù đặt ra nhiều phương án hỗ trợ, hiệu quả thực tế của các chính sách vẫn ở mức thấp. Lãnh đạo của một tổ chức nhà nước nói rằng lợi ích nhà nước đặt ra cho người sử dụng lao động không đủ đề bù đắp sự phản đối của những người lao động khác.

Người này giải thích việc tuyển dụng những người mắc bệnh tâm thần không ảnh hưởng đến thuế, cũng không ảnh hưởng đến số tiền phải trả cho nhân viên.

Tuy nhiên, điều khiến các công ty trăn trở là khi thuê những người này, họ sẽ phải cân nhắc ý kiến, cảm xúc của nhân viên khác, đồng thời xem xét liệu họ có sẵn sàng làm việc với người đang phục hồi sau khi mắc bệnh hay không.

Trong khi đó, một số lãnh đạo công ty khác lại bày tỏ lo ngại rằng cường độ và áp lực công việc có thể tác động tiêu cực đến những người mắc các bệnh về tâm thần.

Gia đình không ủng hộ đi làm

Điều bất ngờ là nhiều gia đình của bệnh nhân cũng gây áp lực, buộc con em phải nghỉ việc. Gia đình là nguồn hỗ trợ chính cho các bệnh nhân ở Trung Quốc. Hầu hết người mắc bệnh nghiêm trọng đều sống cùng người thân.

Dù gánh nặng kinh tế đè lên vai, gia đình của họ vẫn cảm thấy đi làm mang lại rủi ro to hơn lợi ích.

Với những bệnh nhân không có việc làm khi mới mắc bệnh, gia đình họ đã quen với việc thiếu thu nhập. Nhiều người nói rằng họ có thể chịu được việc chất lượng cuộc sống bị giảm đi để người mắc bệnh trong gia đình đỡ đi phần áp lực khi đi tìm việc.

Họ cũng lo lắng những vấn đề phát sinh ở nơi làm việc có thể khiến người thân tái phát bệnh, đặc biệt là với những người mắc bệnh mạn tính, tỷ lệ tái phát cao (ví dụ như tâm thần phân liệt). Do đó, gia đình thường khuyến khích người bệnh không nên đi làm để tránh những tác động tiêu cực.

Hệ thống trợ cấp phúc lợi tại Trung Quốc cũng không khuyến khích các bệnh nhân trở lại nơi làm việc. Nhiều năm gần đây, quốc gia này đưa ra những chính sách phúc lợi cho những người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng. Phần hỗ trợ bao gồm thuốc miễn phí, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp đi lại.

Phần trợ cấp này sẽ bị thu hồi khi người bệnh tìm được việc làm, khiến họ mất đi quyền tiếp cận với các quyền lợi.

Trước những thách thức trên, một số người bắt đầu cân nhắc những ưu, khuyết điểm và đưa ra quyết định phù hợp cho bản thân.

"Nếu tôi không làm việc, tôi có thể nhận được 2.000 nhân dân tệ trợ cấp mỗi tháng (khoảng 281 USD). Nếu đi làm, tôi chỉ có thể kiếm được những đồng lương ít ỏi ở Thượng Hải và phải nai lưng ra làm việc. Vì thế, không đi làm sẽ tốt hơn", Zhang, một người mắc bệnh, nói với Sixth Tone.

200 triệu người Trung Quốc không có công việc ổn định

Hơn 200 triệu người lao động ở Trung Quốc chọn làm freelancer vì muốn theo đuổi cuộc sống tự do, không bị bó buộc hay phải tăng ca.

Thái An

Bạn có thể quan tâm