Là một người mẹ, bà Janice Lau (sống ở Hong Kong) lo lắng Covid-19 làm gián đoạn việc học của con, đồng thời ảnh hưởng sự phát triển của trẻ do các em mất đi cơ hội tương tác, vui chơi cùng bạn bè.
Hai con của bà Lau là Sophie (10 tuổi) và Matthew (6 tuổi) chỉ học nửa ngày hoặc phải học online từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020. Trong nhiều tháng liền, Sophie phải học online, em gần như mất đi cơ hội trải qua năm học lớp 3, lớp 4.
Trong khi đó, Matthew lại mắc chứng tự kỷ và chậm phát triển. Dịch bệnh khiến cậu bé phải vật lộn để làm quen với môi trường mới.
"Đây là điều khá khó khăn đối với con. Mỗi lần đi học về, con lại bộc lộ những cảm xúc tiêu cực", bà Janice Lau tâm sự.
Theo SCMP, đối với hơn 800.000 trẻ em ở Hong Kong, đại dịch đồng nghĩa với việc các em phải dành 10 tháng để học online ở nhà thay vì đến trường gặp gỡ bạn bè, thầy cô.
Nhiều trẻ ở Hong Kong đang phải vật lộn sau 2 năm học online. Ảnh: Jelly Tse. |
Không nhớ mặt, nhớ tên bạn bè
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, Hong Kong đã phải dừng việc dạy học trực tiếp 3 lần. Thay vì đến trường tổng cộng 27 tháng, trẻ chỉ dành 17 tháng ở trường, nhưng hầu hết chỉ học nửa ngày. Thời gian còn lại, các em ở nhà và học online.
Sophia từng được học trực tiếp trong thời gian ngắn, nhưng điều này không thể giúp em nhớ hết bạn bè năm lớp 3, lớp 4 vì một số bạn chuyển lớp, chuyển trường, một số bạn di cư. Hiện tại, bạn bè của Sophia chủ yếu là những người bạn cùng lớp học thêm.
"Con vẫn được học trực tiếp nửa ngày nhưng giờ ra chơi rất ngắn, các con phải ngồi yên tại chỗ trừ những lúc đi vệ sinh. Trong khi trước đây, trẻ có thể chạy nhảy, thoải mái vui chơi cùng bạn bè", bà Lau nói.
Nhân viên công tác xã hội tại Hong Kong cho biết do dịch bệnh, trẻ tiểu học cảm thấy khó kết bạn, trong khi nhiều thanh, thiếu niên gặp các vấn đề tâm lý như lo lắng, khó kiểm soát cảm xúc.
Nhiều trẻ mẫu giáo đi học trong thời kỳ dịch bệnh cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp và rất khó tách khỏi bố mẹ để đến lớp.
Trước tình trạng này, các chuyên gia tâm lý, công tác xã hội cũng nhấn mạnh tác động của đại dịch đối với trẻ ở nhiều nhóm tuổi khác nhau.
Nhà tâm lý học giáo dục Catherine Au Ka-lee khẳng định học online không phải giải pháp tốt cho trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo. Nhà trẻ là nơi các bé phát triển khả năng để sẵn sàng cho việc đến trường, đồng thời học hỏi thông qua 5 giác quan. Trong khi các lớp online chỉ cho phép trẻ nhìn và nghe.
Trong thời kỳ dịch bệnh, trẻ mới biết đi cũng thiếu đi những trải nghiệm hoạt động ngoài trời hoặc học các kỹ năng xã hội thông qua trò chơi.
Tương tự, nhà công tác xã hội tiền tiểu học Carol Wan Sze-ngar nhận thấy nhiều trẻ đang gặp khó khăn với việc học những kỹ năng cơ bản. Các em trở nên quấn người lớn và không mạnh mẽ khi thể hiện bản thân bằng lời nói. Điều này bắt nguồn từ việc các em bỏ lỡ trường học trong thời gian dài.
Thanh thiếu niên mất đi động lực
Là người quan tâm đến thanh, thiếu niên, nhà tâm lý học lâm sàng Rachel Poon Mak Sui-man nhận thấy nhiều học sinh đã bỏ lỡ việc ở bên bạn bè trong giai đoạn quan trọng của tuổi trưởng thành.
Trong đại dịch, các em phải ở nhà, mọi hoạt động đều diễn ra dưới sự quan sát của cha mẹ. Không được đến trường, một số em trở nên mất động lực hoặc cảm thấy căng thẳng, lo lắng khi tham gia hoạt động xã hội.
Ông Tang Fei, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học Heung To ở Tseung Kwan O, cho biết đại dịch cũng khiến nhiều học sinh lo lắng về kỳ thi đại học. Hiệu quả học tập của các em cũng giảm sút do học online không có hiệu quả.
Nguyên hiệu trưởng nhấn mạnh các nhà chức trách, giáo viên cần quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ trong đại dịch, đặc biệt là không được dán cho các em cái mác "cá biệt" hoặc "có vấn đề".