Với sự phát triển của khoa học, ngày 14/4/2003, một đội ngũ nhà khoa học trên thế giới (the Human Genome Project) công bố, họ đã giải mã thành công bộ gen con người lần đầu tiên.
Từ đó, những tiến bộ trong việc nghiên cứu gen đã giúp con người giải mã rất nhiều câu hỏi mà trước đó họ không có câu trả lời.
1. Tuổi già được quyết định từ trong gen
Các nhà khoa học khi nghiên cứu trên những người sống lâu trăm tuổi đã tìm ra, nếu trong gen của bạn có một vài đặc điểm nhất định thì bạn sẽ ít bệnh tật hơn và nếu có bệnh thì cũng mau khỏi hơn những người không có những đặc điểm gen đó.
Do đó, bạn có khả năng bị ung thư vú hay không, hay có thể sống lâu hay không đều có thể dự đoán được với độ chính xác cao khi nhìn vào bộ gen ngay từ khi bạn vừa chào đời.
Đây cũng là lý do năm 2013, nữ diễn viên Angelina Jolie quyết định cắt bỏ hai bầu vú khi phát hiện trong bộ gen của cô có đột biến ở gen BRCA1, dẫn đến việc có thể 87% bị ung thư vú và 50% bị ung thư buồng trứng. Tháng 3/2015 vừa qua, cô lại tiếp tục phẫu thuật bỏ đi buồng trứng để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư mà bộ gen đã dự báo.
Tất cả những điều này đã có thể dự đoán được nhờ vào việc giải mã bộ gen người thành công. Có thể bạn đang tự nhủ không phải ai cũng có khả năng tài chính như Angelina Jolie để giải mã bộ gen của mình? Cũng không hẳn là thế!
Ngày 29/9, Công ty Công nghệ sinh học Veritas Genetics tuyên bố đạt cột mốc giải mã bộ gen người, bao gồm cả phí tư vấn, diễn giải dựa trên bộ gen đó tất cả chỉ với giá 999 USD. Bộ gen người lần đầu tiên được giải mã đã ngốn 2,7 tỷ USD.
Đây là cột mốc quan trọng vì với giá dưới 1.000 USD, việc giải mã gen của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh và chữa trị sao cho phù hợp, hiệu quả nhất với mỗi cá thể sẽ là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong một tương lai gần, gọi là thời đại của y học chuẩn xác (Precision Medicine).
Khi đó, khả năng bạn được chữa khỏi bệnh tật, hay thậm chí ngăn ngừa bệnh trước khi xảy ra là hoàn toàn có thể. Và do vậy, việc tìm ra phương thức chống lại sự lão hoá của cơ thể cũng sẽ không còn là điều không tưởng.
2. Tuổi già đến từ stress
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng tìm ra rằng lối sống và môi trường có khả năng làm thay đổi đặc điểm gen của bạn để khiến bạn già đi nhanh hơn hay chậm hơn.
Năm 2009, tiến sĩ Elizabeth Blackburn đoạt giải Nobel Y học vì đã tìm ra mỗi đầu nhiễm sắc thể của gen người được bảo vệ bởi một "cái nón" gọi là "telomere". Khi cái nón này càng bị ngắn đi, tế bào càng già đi và con người cũng sẽ già đi.
Những nghiên cứu của bà tiếp theo cho thấy, stress là nguyên nhân khiến cho telomere bị bào mòn nhanh hơn và do đó dẫn đến lão hoá nhanh hơn.
Trong một nghiên cứu xuất bản tháng 12/2004 của bà và đồng nghiệp trên tạp chí khoa học PNAS, họ đã cho thấy những người phụ nữ cảm thấy bị stress vì có con bị bệnh tật thì có telomore làm ngắn đi nhanh hơn tương đương với khoảng 10 năm tuổi so với những phụ nữ không cảm thấy bị stress vì không có con bị bệnh tật.
Đây là một cột mốc quan trọng vì nó lần đầu tiên chứng minh, stress không chỉ làm tổn hại sức khoẻ mà còn khiến con người già đi.
Một số nghiên cứu khác của bà và đồng nghiệp cũng chỉ ra, những phụ nữ bị bạo hành trong gia đình cũng có telomore ngắn hơn so với những người tương đương mà không bị bạo hành.
Điều này và một số nghiên cứu khác tương tự đã khẳng định mối liên hệ giữa stress, telomere và lão hoá: stress làm telomere ngắn đi nhanh hơn, mà telomere càng ngắn đi thì chúng ta bệnh tật càng nhiều hơn và già đi nhanh hơn.
Theo nhà sinh vật học tiên phong Hans Selye: "Mỗi lần stress sẽ để lại một vết sẹo không xoá nổi, và sinh vật trả giá cho sự sống còn của nó sau mỗi tình huống căng thẳng đó bằng cách trở nên già đi một tí".
Vậy bạn đang tự làm mình già đi bao nhiêu tuổi?
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Minh (32 tuổi) tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Y Albert Einstein, Bronx, New York, Mỹ năm 2014. Với kinh nghiệm và kiến thức y học sẵn có, chị sẽ đưa ra lời khuyên cho độc giả Zing.vn cách chăm sóc sức khỏe hợp lý, tư vấn cho các bà mẹ kiến thức nuôi con hợp dinh dưỡng và thông minh.