Ngày 17/3, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch ban hành Bộ quy tắc Ứng xử văn minh du lịch mang tính chuẩn mực, định hướng hành vi, thái độ ứng xử của cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động du lịch. Bộ quy tắc này bao gồm 2 chương với 12 điều, mỗi điều bao gồm quy tắc ứng xử đối với từng nhóm đối tượng trong hoạt động du lịch.
Ai cũng vào khuôn
Bộ quy tắc đưa ra 20 hành vi không nên làm đối với du khách nước ngoài tại Việt Nam, như cần xếp hàng theo thứ tự, lấy đồ ăn thức uống đủ dùng, tuân thủ biển chỉ dẫn hay không lấy đồ không thuộc về mình... Mọi quy tắc nhằm dẫn lối đến thông điệp ngắn gọn: văn minh - tự trọng - trách nhiệm khi đi du lịch.
Bên cạnh đó, các tổ chức kinh doanh du lịch cũng được "khoanh vùng" các hoạt động nên và không nên làm để hướng tới môi trường kinh doanh chuyên nghiệp - thương hiệu - chất lượng, như niêm yết công khai và bán đúng giá dịch vụ, tư vấn trung thực, đầy đủ về sản phẩm; không lợi dụng thời điểm đông khách để nâng giá, ép giá...
Những điều cần làm đối với hướng dẫn viên du lịch cũng được đề cập trong điều 6, chương 2: tích cực hỗ trợ khách du lịch trong trường hợp xảy ra tai nạn; thường xuyên nhắc nhở khách du lịch về tập quán địa phương; không được bỏ rơi khách du lịch trong trường hợp xảy ra sự cố...
Hiểu rõ về vai trò, sức ảnh hưởng của người dân địa phương tới "ngành công nghiệp xanh", bộ quy tắc cũng đưa ra những hướng dẫn ứng xử đối với dân cư. Mục này bao gồm 16 hành vi nên và không nên làm như không tranh giành, gây gổ với khách du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, không chèo kéo, đeo bám khách du lịch...
Bản quy tắc ứng xử văn minh du lịch này được đánh giá khá chi tiết, cụ thể cho từng nhóm đối tượng hoạt động trong ngành du lịch.
Trước đó, đầu tháng 1, TP.HCM phát hành bộ quy tắc ứng xử bằng 5 ngôn ngữ: tiếng Anh, Nga, Hoa, Hàn Quốc và tiếng Việt, dành cho du khách đến thành phố. Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM. |
Trước đó, TP.HCM và Đà Nẵng cũng đã từng phát hành bộ quy tắc ứng xử bằng hình thức tranh ảnh sinh động với nhiều ngôn ngữ, tác động tích cực lên ngành du lịch.
Cần có thêm chế tài
Bộ quy tắc ứng xử là điều rất cần cho ngành du lịch ở bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tính định hướng hành vi, tác dụng sẽ không thực sự rõ nét.
Trao đổi với Zing.vn, anh Trương Đức Hải - Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông (TP.HCM) - cho rằng bộ quy tắc sẽ có tác động chủ yếu với du khách nước ngoài, còn "đa số người Việt ít quan tâm tới vì nghĩ mình đã biết hết rồi" .
"Ở Việt Nam chỉ gọi nhẹ nhàng là quy tắc ứng xử, còn ở các nước khác được quy định cụ thể bằng luật và chế tài. Ví dụ ở Singapore, việc khạc nhổ hay nhả bã kẹo cao su, vứt rác bừa bãi bị phạt bao nhiêu tiền đều có quy định cụ thể, và họ thực hiện rất nghiêm khắc", ông Hải chia sẻ.
Trần Đặng Đăng Khoa, một blogger du lịch có tiếng trong cộng đồng phượt cũng hưởng ứng với việc ban hành bộ quy tắc, và coi đó là tiền đề để người nước ngoài nhập gia tùy tục. Tuy nhiên anh cho rằng việc cần làm và đáng được chú trọng hơn là lập sổ tay cho người dân, vì chủ nhà không làm tốt hơn và ý thức hơn thì sẽ không có ý nghĩa gì khi ban hành quy tắc ứng xử cho người khác.
Anh nói: "Sổ tay quy tắc dành cho người dân sẽ không giải quyết được ngay những vấn đề không hay, nhưng cũng tạo tiền đề và gây ấn tượng cho khách từ những phút đầu, sẽ giúp hạn chế phần nào những hành vi không tốt của du khách, từ từ sẽ lan rộng hơn". Anh cũng tán thành ý kiến cho rằng bộ quy tắc dành cho người dân địa phương nên vừa là quy tắc, vừa có thêm biện pháp chế tài.
Bạn Trần Ngọc Huyền, một hướng dẫn viên du lịch, cũng đồng quan điểm về chế tài: "Nếu chỉ dừng lại ở quy tắc thì phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của khách du lịch. Cần phải có chế tài rõ ràng, chi tiết, lâu dần hoạt động du lịch mới có thể đi vào nề nếp và có cải thiện rõ ràng".
Xem thêm: Video quy tắc ứng xử cho du khách do Sở Du lịch TP.HCM phát hành tháng 1