Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Băn khoăn chuyện chọn trường công, tư

Thời điểm này, phụ huynh ở Hà Nội lại “nóng” câu chuyện chọn trường đầu cấp cho con. Lựa chọn trường công hay tư luôn là bài toán khiến phụ huynh phải “cân não” tính toán.

Chị Nguyễn Tường An ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), năm nay, có con sinh năm 2013 vào lớp 1. Suốt một năm ròng rã, chị nghiên cứu, tính toán đủ các phương án để chọn trường tốt nhất cho con, phù hợp bố mẹ. Người mẹ thích con được học trường ngoài công lập nên đã đi tìm hiểu khá nhiều trường tư.

Trường công hay tư?

Chị An đã ưng ý một trường ở quận Cầu Giấy vì ở đó con vừa được tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vừa được học tuần 8 tiết tiếng Anh, không phải học thêm ở ngoài.

Tuy nhiên, nhà ở quận Hoàng Mai, để đến được ngôi trường chị thích, mỗi sáng con sẽ di chuyển khoảng 8 km. Điều này đồng nghĩa việc con phải dậy sớm, về muộn. Khi đề xuất phương án này, chồng chị gạt phăng, không đồng ý vì lý do xa nhà, chưa kể mức học phí của trường lên tới cả chục triệu đồng/tháng.

Sau đó, hai vợ chồng thống nhất cho con học trường công và đầu tư học thêm ngoại ngữ ở ngoài để ưu tiên việc con học gần nhà.

“Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, tôi vẫn cảm thấy ám ảnh. Chưa kể, một số phụ huynh lớp trước kể ở trường công, nếu con học đuối, cô sẽ 'nặng nhẹ' gợi ý đi học thêm nên áp lực, mệt mỏi cho cả con lẫn mẹ”, chị nói.

Cũng theo chị An, với sĩ số như vậy, con ít được giáo viên dành thời gian quan tâm, hướng dẫn. “Dù đã quyết định rồi, nhiều khi mình vẫn trăn trở không hiểu lựa chọn có đúng hay không. Nếu học giữa chừng phải chuyển trường có thể gặp cảnh trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, chị An nói.

truong cong va truong tu anh 1
Không dễ dàng khi lựa chọn trường học đầu cấp cho con. Ảnh: Tiền Phong.

Con gái vừa tốt nghiệp một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, anh Trần Văn Quyết (ở quận Hà Đông) thở phào nhẹ nhõm, chuyển con về một trường THCS ngoài công lập gần nhà.

Theo anh Quyết, ròng rã 5 năm không kể mưa gió, rét mướt, bố con dậy sớm đưa nhau đến trường quá gian nan. Con nổi trội nhất môn Ngoại ngữ còn năng lực Toán dừng lại mức bình thường. Anh cho rằng con học tốt ngoại ngữ là do gia đình vừa thuê gia sư học kèm ở nhà, vừa cho con học ở các trung tâm.

Nói về lý do lựa chọn trường ngoài công lập cho con ở bậc THCS, anh Quyết chia sẻ, đầu tiên là vấn đề sĩ số và cơ sở vật chất - những yếu tố thuyết phục anh và con. Nhà trường quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh. Chừng đó học sinh, với mỗi giờ học 45 phút, cô giáo mới có thể dành thời gian ghi nhớ năng lực, điểm yếu, thế mạnh của từng em.

Ngoài giờ học, con được tham gia các hoạt động trải nghiệm, học tiếng Anh và có xe đưa đón tận cửa nhà, thay vì phụ huynh phải dậy sớm đưa đón con như trước.

“Với những lợi thế như vậy, gia đình chấp nhận mức học phí cao hơn gấp nhiều lần chi phí học ở trường công”, anh Quyết nói.

Từ tháng tư, dù chưa kết thúc năm học, các diễn đàn hội cha mẹ học sinh luôn “nóng” câu chuyện chọn trường. Phụ huynh “xin” kinh nghiệm của nhau về từng trường, từng khu vực. Trường nào có chương trình giáo dục hay, học tiếng Anh bao nhiêu giờ, theo chương trình nào, trường nào giáo viên “gợi ý” học sinh đi học thêm cũng được phụ huynh chia sẻ.

Thậm chí, nhiều người cẩn thận còn tìm hiểu cả nguồn gốc thực phẩm, nước uống của từng trường. Có phụ huynh cho rằng nên chọn trường gần nhà, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình và năng lực của con.

“Nếu con không có năng lực tốt, không nên ép con vào những trường top đầu, nơi có nhiều học sinh giỏi vì con sẽ phải học thêm, chạy theo rất căng thẳng”, một phụ huynh chia sẻ.

Nên chọn trường phù hợp

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, cho rằng điều làm nên tên tuổi của các trường công lập chính là việc bám sát mục tiêu giáo dục truyền thụ, cung cấp kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, với sự đổi mới giáo dục, những năm gần đây, các trường bắt đầu chuyển dần từ truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng, phẩm chất cho học sinh.

Theo quy định về tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội, năm nay, ngoài một số trường đặc thù được xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển đầu vào, các trường còn lại đều tuyển sinh theo tuyến.

Cũng theo ông Vũ, một trong những vấn đề mà trường ngoài công lập chưa được số đông lựa chọn chính là tài chính. Mức học phí và các khoản đóng góp như hiện nay ở hệ thống các trường này khá cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Hơn nữa, việc thi cử vẫn chưa hoàn toàn chuyển sang hình thức mới. Do đó, nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn phương thức an toàn là chọn trường công lập. Vì thế, dù năm nào cũng sửa chữa và xây mới trường, thực tế cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Năm học 2019-2020, quận Tây Hồ đầu tư 700 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới 9 trường nhưng tuyển sinh đầu cấp tính sơ sơ vẫn có sĩ số 50 em/ lớp”, ông Vũ nói.

Các trường tư thục hoạt động thường có triết lý, phương hướng riêng. Lựa chọn trường nào phù hợp con em mình là do phụ huynh quyết định.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, nói ở quận này, bậc THCS đã đáp ứng sĩ số dưới 45 học sinh/ lớp. Riêng tiểu học vẫn có một số trường trên 50 em. Năm nay, 9 trường được xây mới và sửa chữa đi vào hoạt động, đang xây dựng 5 trường nữa nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng dân số.

Theo bà Hằng, phụ huynh hiện đã có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục, nhiều người tin tưởng lựa chọn trường tư, không e ngại như trước. Trường tư có lợi thế về cơ sở vật chất, chương trình hoạt động trải nghiệm tốt hơn. Thậm chí, một số trường tư chất lượng dạy học tốt đã tuyển đầu vào.

Điều này chứng tỏ các trường tư thục đã nỗ lực để nâng cao chất lượng, tạo được niềm tin. Việc này giúp giảm dần áp lực đối với khối trường công. Khối trường công muốn nâng cao chất lượng cũng muốn giảm dần sĩ số.

“Về phía lãnh đạo cấp phòng, sở, trong quá trình tập huấn chuyên môn, chuyên đề, bồi dưỡng cho giáo viên trong cả hai hệ thống trường công - tư, chúng tôi đều quan tâm như nhau. Làm sao để cùng một chương trình, giáo viên đảm bảo chất lượng, còn việc lựa chọn lại tùy thuộc vào phụ huynh”, bà Hằng nói.

'Thà bỏ chứ không nên học chương trình quốc tế thiếu kiểm định'

Đó là quan điểm của ông Đào Tuấn Đạt, người phụ trách chuyên môn của trường THPT Anhxtanh, Hà Nội. Ông Đạt có nhiều năm nghiên cứu về trường tư thục và quốc tế ở Việt Nam.

https://www.tienphong.vn/giao-duc/ban-khoan-chuyen-chon-truong-cong-truong-tu-1430601.tpo?fbclid=IwAR1Zv7_5LyGi2q4Ng_bIGHbV0Z1IqPqfz7gnkeswnSDyNUznyyNl0cqPmyw

Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm