Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thà bỏ chứ không nên học chương trình quốc tế thiếu kiểm định'

Đó là quan điểm của ông Đào Tuấn Đạt, người phụ trách chuyên môn của trường THPT Anhxtanh, Hà Nội. Ông Đạt có nhiều năm nghiên cứu về trường tư thục và quốc tế ở Việt Nam.

Tại Hà Nội cũng như TP.HCM, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi từ 400 triệu đến hơn 600 triệu đồng mỗi năm để con được học trong môi trường quốc tế. Các trường có 50% thời lượng học là chương trình Việt Nam và 40%-50% còn lại theo chương trình quốc tế, thường được gọi là song ngữ, bán quốc tế có mức học phí thấp hơn.

Trước thực trạng "vàng thau lẫn lộn", trao đổi với Zing.vn, ông Đào Tuấn Đạt cho rằng đa số trường ở Việt Nam hiện nay là "trường nội" dạy chương trình quốc tế. 

Đặt tên quốc tế chứ bản chất không phải trường quốc tế

- Sau nhiều năm quan tâm, nghiên cứu về trường tư thục, quốc tế ở Hà Nội, xin ông cho biết như thế nào là một trường quốc tế đúng nghĩa? Những chương trình quốc tế nào đang được dạy ở Việt Nam?

- Tôi được biết chưa có định nghĩa trên văn bản thế nào là trường quốc tế. Về tên gọi, có trường dùng chữ quốc tế, có trường không.

Theo quan điểm cá nhân, trường quốc tế đúng nghĩa trước hết được dành cho học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nếu trong lớp học có khoảng một phần tư số học sinh có cùng quốc tịch thì không còn là quốc tế nữa.

Thứ hai, chương trình học là chương trình quốc tế, không phải chương trình của Việt Nam. Còn chất lượng và uy tín của các chương trình quốc tế là câu chuyện khác.

truong quoc te anh 1
Ông Đào Tuấn Đạt, phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, là người có nhiều năm quan tâm, nghiên cứu về trường tư thục, quốc tế. Ảnh: NVCC

Ở Hà Nội, một số trường đáp ứng được các yêu cầu trên. Còn lại, đa số là trường Việt Nam dạy chương trình quốc tế cho học sinh trong nước, chứ không phải trường quốc tế.

Hiện nay, các chương trình quốc tế đang được dạy cho học sinh Việt Nam khá phong phú. Phổ biến nhất vẫn là chương trình của các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Canada; ít phổ biến hơn là Australia, New Zealand.

Tôi tin tưởng vào chương trình tú tài quốc tế IB, A-Level của Anh và các chương trình có tính chất khai phóng của Mỹ. Đây là những chương trình được kiểm định bởi các tổ chức uy tín và bằng cấp được công nhận toàn cầu.

- Ông cho rằng nhiều trường chỉ đặt tên có chữ “quốc tế” chứ không phải bản chất là trường quốc tế? Phải chăng điều này do không có quy định rõ ràng, dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”?

- Đúng như vậy, đa số chỉ là tên gọi chứ không phải bản chất trường quốc tế. Nếu có quy định về tên gọi cho đúng bản chất, đó là việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Còn khi chưa có quy định, việc đặt tên có chữ quốc tế thuộc về các cơ sở giáo dục theo quan niệm và cách hiểu của riêng họ.

- Cũng được giới thiệu là học chương trình quốc tế, song bằng, tại sao có trường thu 50 triệu đồng/năm, có nơi lại lên đến 500 triệu/năm?

- Học phí có thể khác nhau giữa các trường nhưng rất khó để đảm bảo chất lượng nếu học phí trung bình ít hơn 25.000 USD/năm, khoảng 550 triệu đồng.

Học phí thấp hơn rất khó mời được thầy, cô chất lượng ở nước ngoài tới Việt Nam. Giáo viên là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo chương trình được thực hiện thành công.

"Chương trình song bằng khó đạt hiệu quả "

- Ngoài trường dân lập, các trường công lập cũng dạy chương trình quốc tế. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả ở các trường này?

- Thật khó trả lời câu hỏi đó, vì chất lượng giáo dục không dễ đo lường bằng các chỉ số hay điểm số. Tôi chỉ nêu ra ở đây ba yếu tố quan trọng nhất có thể thực hiện thành công chương trình quốc tế ở Việt Nam. Từ đó, chúng ta sẽ có kết luận của riêng mình trong từng trường hợp cụ thể. Ba yếu tố đó là chương trình, chất lượng giáo viên và khả năng tiếp thu của học sinh.

Nếu học toàn thời gian chương trình quốc tế với thầy cô giỏi, tôi tin các em có thể học tốt. Nhưng nếu học hệ song bằng, vừa đảm bảo chương trình quốc tế, lại vừa học chương trình Việt Nam, học sinh có thể bị quá tải.

Nếu cắt ghép một cách cơ học để giảm tải, chương trình trở thành "tàn tật", vì không còn là cấu trúc hoàn chỉnh nữa. Vấn đề sẽ tệ hại hơn nếu lồng ghép, tìm chỗ giao thoa giữa các chương trình với nhau để dạy.

Với thời lượng được phân đôi cho chương trình Việt Nam và quốc tế, học sinh khó học sâu để làm tốt bài thi các môn quốc tế, chẳng hạn bài test của A-Level. Các bài thi này khó, được chấm điểm khắt khe. Ngay cả học sinh nói tiếng Anh bản ngữ, học toàn thời gian, cũng phải "đánh vật" với nó nếu muốn đạt điểm cao, chứ chưa nói đến việc thẩm thấu thực sự nội dung các môn học. 

Với học sinh Việt Nam, khoảng cách về khả năng tiếng Anh so với học sinh quốc tế rất lớn. Các em lại không được đầu tư toàn bộ thời gian cho môn học, vì phải theo song song cả hai chương trình.

- Từ bức tranh đa dạng của các trường quốc tế, theo ông, phụ huynh phải lưu ý điều gì khi chọn nơi học cho con?

- Gia đình có đủ điều kiện về tài chính và học sinh quen với ngoại ngữ từ nhỏ, nên cho con học chương trình quốc tế hoàn chỉnh, với tất cả môn bằng tiếng nước ngoài, hoàn toàn do giáo viên nước ngoài dạy.

Lựa chọn thứ hai là học chương trình Việt Nam và học thêm một số môn quốc tế chưa có trong chương trình Việt Nam. Khi đó, chương trình học không bị "đá nhau", cũng không bị lặp lại thừa thãi.

Học sinh không bị áp lực, kết quả học tập sẽ tốt hơn, học phí chắc chắn cũng rẻ hơn mà không lo chất lượng giáo viên kém. Đây chắc chắn là cách lựa chọn khôn ngoan nhất khi tài chính có thể thu xếp ở mức vừa đủ.

Cuối cùng, dù học chương trình quốc tế nào thì cũng cần được kiểm định bởi các tổ chức có uy tín. Nếu không, phụ huynh thà bỏ chứ không nên cho con học.

Bức tranh trường quốc tế tại Việt Nam - 'vàng thau lẫn lộn'

TS Đàm Quang Minh cho rằng chất lượng trường quốc tế ở Việt Nam hiện nay rất khó kiểm chứng. Nhiều cơ sở giáo dục mượn danh quốc tế để thu học phí cao.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm