Dịch cúm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đã khiến 9.958 trường hợp trên thế giới mắc bệnh, 213 ca tử vong (đều ở Trung Quốc), tính đến 21h ngày 31/1.
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 5 trường hợp. Trong đó có 2 công dân Trung Quốc (1 người đã khỏi); 3 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều ngày nay, người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế để phòng virus corona khiến mặt hàng này liên tục bị đẩy giá lên cao, thậm chí nhiều nơi "cháy hàng".
Khẩu trang trở thành mặt hàng khan hiếm khi virus corona lây lan. Ảnh: N.H. |
Đánh giá về thực trạng khẩu trang y tế ở nhiều nơi đang bị bán phá giá, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) viện dẫn Nghị định 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Theo đó, khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Tuy nhiên, việc đẩy giá khẩu trang lên cao hoặc găm mặt hàng này khi dịch bệnh đang lây lan có thể bị phạt hành chính theo Nghị định 185/2013 về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Nghị định 185, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Nếu có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội Đầu cơ, theo Điều 196 Bộ luật Hình sự với hình phạt nhẹ nhất là phạt tiền 30 triệu hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đầu cơ hàng hóa trị giá từ 1,5 đến 3 tỷ; thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới một tỷ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ hoặc phạt tù 3-7 năm.
Nghiêm trọng hơn, người nào đầu cơ hàng hóa trị giá 3 tỷ trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ trở lên; tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 5 tỷ hoặc phạt tù 7-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể bị xử phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng.
Trường hợp sản xuất, buôn bán khẩu trang giả sẽ bị xử lý về hành vi Buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 195 Bộ luật Hình sự, với hình phạt từ phạt tiền tối thiểu 100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 15 năm.
Pháp nhân thương mại sản xuất, buôn bán khẩu trang giả sẽ bị phạt tiền tối thiểu 1 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đối với hành vi buôn bán hàng giả gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội còn bị công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc nộp phạt.
Chiều 31/1, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020.
Tại đây, Phó thủ tướng giao Quản lý thị trường, Thanh tra tài chính tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi không niêm yết giá khẩu trang hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán trong bối cảnh người dân đang lo lắng chống dịch corona.