Chiều 29/1, Bộ Công an gửi công điện đến các đơn vị trực thuộc và công an các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Công điện cho biết đến nay, dịch bệnh đã lây lan 30/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dịch bệnh mới nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Việt Nam có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất lớn. Ngoài ra, những người chống đối trong và ngoài nước lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tán phát lên mạng thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc gây hoang mang dư luận.
Bộ Y tế kiểm tra việc cách ly trường hợp nghi nhiễm virus corona tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Ảnh: Trương Khởi. |
Để bảo đảm an ninh, trật tự và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Công an yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu. Đặc biệt, nghiêm cấm nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam.
Bộ Công an yêu cầu tuyên truyền, vận động người dân không qua lại đường mòn, lối mở biên giới tới các vùng dịch bệnh tại Trung Quốc để phòng ngừa lây nhiễm.
Công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý người tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát trong nước.
Bộ Công an cũng yêu cầu cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh tạm thời không giải quyết cấp thị thực du lịch vào Việt Nam đối với những người đến từ vùng dịch bệnh.
Công điện còn yêu cầu Cục Y tế cùng cơ sở y tế, công an thành lập một số đội cơ động thường trực phòng, chống dịch; các bệnh viện công an chủ động, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 63 trường hợp có triệu chứng sốt, có tiền sử đi về từ vùng có dịch, bao gồm 25 trường hợp đã được loại trừ nhiễm virus corona, 38 trường hợp tiếp tục theo dõi cách ly.
Theo một số luật sư, nếu người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm.
Trường hợp loan tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân.
Nếu hành vi tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet, với mức phạt tù lên đến 3 năm.