Các dịch vụ dành cho người hướng nội đang dần chiếm ưu thế tại Nhật Bản, dựa trên nhu cầu của những khách hàng muốn tránh hoàn toàn những cuộc trò chuyện với nhân viên bán hàng, Nikkei Asia đưa tin.
Số lượng các dịch vụ như vậy đã tăng lên trong thời kỳ dịch bệnh, khi nhu cầu tương tác trực tiếp bị hạn chế. Ngay cả khi trở về cuộc sống bình thường mới, vẫn đông người muốn duy trì cách thức đó và giờ họ còn có nhiều lựa chọn hơn.
Jeong Yeongsu (35 tuổi), làm việc tại Tokyo, đều cảm thấy lúng túng mỗi lần nhân viên bán hàng bắt chuyện.
“Tôi biết họ được đào tạo để nói chuyện với khách hàng. Nhưng tôi không quan tâm lắm đến thời trang và kiểu tóc của mình nên tôi không biết trả lời ra sao. Cuối cùng, vì không muốn làm mất lòng, tôi đồng ý mua những gì mà họ tư vấn, dù không thấy cần thiết”, Yeongsu nói với nụ cười gượng gạo.
Sau dịch bệnh, nhiều người muốn duy trì sự khép kín của mình, muốn né tránh kể cả những giao tiếp nhỏ nhặt nhất với nhân viên khi ra ngoài ăn uống hay mua sắm, làm đẹp. Ảnh: Reuters. |
Nhưng Jeong đã tìm thấy ít nhất một cửa hàng phù hợp với tính cách của mình. Gần đây, anh trở thành khách quen của Percut, một chuỗi tiệm cắt tóc dành cho nam giới.
Áp lực giao tiếp
Percut được thiết kế dành riêng cho những khách hàng nhút nhát. Ứng dụng của chuỗi có lựa chọn "dịch vụ im lặng". Nếu khách hàng không muốn nói chuyện với nhà tạo mẫu của mình, họ có thể chọn tùy chọn đó khi đặt lịch hẹn.
Ứng dụng này cũng cho phép khách hàng chỉ định sẵn kiểu đầu, phương pháp chăm sóc tóc mà họ muốn. Để tiết kiệm thời gian hơn nữa, người dùng có thể đơn giản chọn "làm giống y hệt lần trước". Hiểu được nhiều người ngại gọi điện thoại đặt chỗ, các tùy chọn trên website hoặc ứng dụng cũng có chức năng đặt sẵn ngày hẹn.
"Tôi chắc chắn sẽ dùng đến các tính năng như vậy vào các lần sau", Jeong nói.
Các dịch vụ của Percut dành riêng cho những vị khách nhút nhát, hay xấu hổ dựa trên kinh nghiệm cá nhân của người sáng lập Tatsuya Kawaguchi.
"Tôi cảm thấy xấu hổ khi người ta thấy tôi đặt hàng chi tiết cho việc cắt tóc của mình, dù bản thân là thợ làm đầu. Tôi không thể giải thích lý do nhưng luôn thấy ngượng ngùng khi bị kẹp giữa các khách hàng nữ", Kawaguchi nói.
Kawaguchi bắt đầu Percut để tạo không gian thoải mái cho khách hàng. Các cửa hàng chủ yếu nằm dưới lòng đất hoặc trên tầng trệt, do đó người qua đường không thể nhìn thấy vào bên trong.
“Đàn ông và phụ nữ thường có quan niệm khác nhau về chuyện làm đẹp. Phái nữ có thể thấy vui vẻ, nhưng hầu hết nam giới lại muốn nhanh chóng rời đi và về nhà. Nhiều lúc cảm giác khoảng thời gian đó giống như một buổi khám răng hơn", Kawaguchi nói.
Percut, một chuỗi tiệm cắt tóc nam ở Nhật Bản, có một nút "dịch vụ im lặng" trên ứng dụng, cho phép khách hàng bỏ qua cuộc nói chuyện phiếm với nhân viên phục vụ. Ảnh: NA. |
Trước đây, người chủ cho biết có chưa đến 10% khách hàng nhấp vào nút "dịch vụ im lặng", nhưng số người chọn đã tăng lên đáng kể từ khi cuộc sống bình thường mới diễn ra.
Các dịch vụ được tinh chỉnh dành cho nam giới của Percut đã khơi dậy nhu cầu mạnh mẽ, giúp chuỗi này mở rộng chi nhánh ra 10 thành phố, bao gồm Tokyo, Osaka và Nagoya.
Sự lây lan của Covid-19 đã khiến khá nhiều người ngần ngại trò chuyện với người khác. Khoảng 1/5 số người trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái bởi Glocomm, nhà cung cấp tư vấn và đào tạo về giao tiếp có trụ sở tại Tokyo, cho biết kỹ năng giao tiếp của họ đã kém đi kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Đặc biệt, 27,5% số người được hỏi ở độ tuổi thanh thiếu niên cho biết kỹ năng giao tiếp của họ yếu hơn trước. Glocomm cho biết các biện pháp phòng ngừa dịch, chẳng hạn như giáo dục và làm việc từ xa, đã cướp đi cơ hội hình thành các mối quan hệ mới ở lớp thanh niên.
"Đừng nói chuyện với tôi"
Các đơn vị kinh doanh đã dựa vào tâm lý này để cho ra sản phẩm phù hợp.
Một chiếc túi "Don't talk to me" (tạm dịch: đừng nói chuyện với tôi) được thiết kế vào năm 2017 bởi nhà bán lẻ Urban Research bỗng chốc được chú ý trở lại. Về nguyên tắc, nhân viên bán hàng không nói gì ngoài "xin chào" với những khách hàng mang túi này.
Chính sách này được khởi xướng bởi Kozo Takemura, chủ tịch của Urban Research. Kazuhisa Abe, người quản lý một chi nhánh, cho biết: “Điều này rất hữu ích vì chúng tôi có thể thấy được ý định và thái độ của người mua hàng. Khảo sát của chúng tôi cho thấy dịch vụ này nhìn chung được khách hàng đánh giá tích cực".
Máy bán hàng tự động của Cake.jp. Ảnh: NA. |
Tự phục vụ là một lựa chọn khác mà những người nhút nhát đánh giá cao.
Chuỗi Kura Sushi ra mắt dịch vụ phục vụ trong im lặng từ năm 2021. Thực khách sẽ đặt bàn qua ứng dụng, nhận bàn tại nhà hàng, gọi món và thanh toán qua điện thoại.
Toàn bộ quá trình, họ không cần giao tiếp với người phục vụ bàn nào.
Dịch vụ này ban đầu được phát triển để giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên.
Tuy nhiên, những bình luận ca ngợi chủ yếu lại đến từ những người độc thân muốn đi ăn một mình hoặc những người sợ người lạ.
Hồi tháng 3, cửa hàng bánh online Cake.jp, cho lắp đặt máy bán hàng tự động cho lễ Valentine Trắng trong một khu phức hợp mua sắm ở thành phố Fukuoka, vì một số đàn ông không muốn bị bắt gặp đang mua đồ.
Một cuộc khảo sát năm 2022 của Cake.jp cho thấy 14% nam giới cảm thấy xấu hổ khi mua quà tặng cho dịp Valentine Trắng, trong khi 20% cũng cảm thấy như vậy khi xếp hàng tại các cửa hàng.
Yuki Nozaki, đại diện của công ty, cho biết: "Mặc dù không tiết lộ cụ thể số lượng kẹo, chocolate được bán qua máy bán hàng tự động, doanh số bán hàng vượt quá mong đợi của chúng tôi".
Ban đầu, chiếc máy dự kiến được tháo dỡ sau dịp Valentine Trắng, song công ty quyết định giữ lại vì công chúng đón nhận nó rộng rãi.
"Đặc biệt, chúng tôi hy vọng rằng những người đàn ông thích đồ ngọt nhưng không muốn mua chúng tại các cửa hàng sẽ tìm đến", Nozaki nói.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.