Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bán suất cơm trên máy bay cho khách thèm đi du lịch

Để níu chân khách hàng và bù đắp thua lỗ, nhiều hãng hàng không châu Á mở những dịch vụ kỳ lạ.

Trước đây, mỗi tháng, Rubi Haliman (Indonesia, làm trong ngành thủy sản) có 6 chuyến công tác bằng máy bay. Thế nhưng người đàn ông 51 tuổi đã phải ở yên một chỗ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3. Ông nhớ cảm giác được ngồi máy bay đến nỗi hình thành một thói quen mới khá kỳ lạ: đặt mua các món ăn được phục vụ trên máy bay.

“Tôi nhớ cảm giác bay lượn và cả hình ảnh chiếc xe chở đồ ăn dọc hành lang máy bay. Những món ăn đó giúp tôi vơi bớt cảm giác trống vắng khi không được ngồi máy bay”, Rubi Haliman nói.

Ông cũng cho biết đã trở thành khách hàng quen thuộc của Aerofood ACS - công ty cung cấp thực phẩm cho hãng hàng không Garuda Indonesia. Sau khi gọi cơm lá chanh và mì ống rau chân vịt, ông đang háo hức được thử món mới trong menu là nasi pandan.

dich vu hang khong ky la anh 1

Không được đi máy bay, nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ kỳ lạ như mua đồ ăn của hãng hàng không hay trải nghiệm chuyến bay không có đích đến.

Haliman không phải người duy nhất thấy thiếu vắng khi không còn được di chuyển bằng máy bay. Một người bạn khác của ông cũng chia sẻ chuyện đặt đồ ăn của hãng hàng không trên mạng.

Thời gian dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu đã khiến nhiều người vốn ham mê du lịch phải tự trói chân tại nhà, kéo theo đó là những dịch vụ kỳ lạ của các hãng hàng không ra đời, theo SCMP.

Để giúp khách hàng bớt cơn “cuồng” du lịch, các đơn vị này mở bán nhiều sản phẩm đặc trưng của hãng - thứ mà ở thời điểm bình thường, có thể người ta không thèm ngó ngàng tới.

Korean Air cho biết lượng người đặt mua sản phẩm xếp hình tương tự lego (thường được bán trên khoang hành khách hay quầy check-in của hãng) tăng đột biến trong thời gian nghỉ dịch.

Không chỉ mua đồ lưu niệm hay đồ ăn, có người thậm chí trả hàng trăm USD cho một chuyến bay không có điểm đến chỉ để được trải nghiệm cảm giác thân thuộc.

Ngày 15/8, hãng hàng không Brunei ra mắt tour du lịch gồm chuyến đi dài 85 phút qua bờ biển của Brunei và đảo Borneo rồi về lại cùng một bữa ăn phục vụ trên máy bay.

Trước đó, máy bay Hello Kitty của hãng EVA Air cũng cất cánh từ sân bay lớn nhất của Đài Loan (Trung Quốc), đi qua mũi phía đông bắc, vòng sang quần đảo Ryukyu của Nhật Bản rồi về điểm khởi hành. Chuyến bay kéo dài 3 giờ giúp EVA Air thu về 5.288 NTD (180 USD) cho mỗi vé phổ thông và 6.288 NTD đối với ghế hạng thương gia.

Các chuyến bay đầu tiên của cả hai hãng trên đều đã được đặt kín chỗ.

Ngày 2/7, sân bay trung tâm Tùng Sơn (Đài Bắc, Đài Loan) mở bán những chuyến bay giả cho các tín đồ cuồng du lịch, thu hút hơn 7.000 lượt đăng ký. 60 khách hàng được chọn để trải nghiệm dịch vụ kỳ lạ này.

Dù là chuyến bay giả, khách vẫn được nhận thẻ lên máy bay, đi qua cửa kiểm soát an ninh và được tiếp viên chào đón khi lên máy bay. Họ ngồi lại và chụp ảnh check-in trước khi rời khỏi tàu bay.

Một số hãng hàng không khác chọn bán hiện vật để giảm bớt lượng hàng hóa tồn kho.

Hãng Qantas Airways của Australia mở bán các mặt hàng vốn dành tặng miễn phí trên các chuyến bay. “Gói chăm sóc” gồm 12 thanh chocolate Tim Tams, 10 túi trà, đồ ngủ hạng thương gia, bộ kit đồ dùng và 200 gram hạnh nhân được rao bán với giá 25 AUD (18 USD).

Đại diện Qantas nói với tờ Bloomberg rằng các combo sản phẩm đã được bán hết chỉ trong vài giờ sau khi ra mắt vào ngày 14/8.

Ở Hong Kong (Trung Quốc), hãng Cathay Pacific bán bữa trưa cho những người làm việc ở khu vực gần sân bay thông qua công ty con Cathay Pacific Catering Services.

Với 40 HKD (5 USD) cho mỗi hộp cơm, người mua sẽ được chọn ăn các món mì bò, mì ống, cá, cơm cà ri Ấn Độ, gà, hạt dẻ, sủi cảo và đồ uống tùy thích.

Wong King Yin - giảng viên chuyên về du lịch tại ĐH Công nghệ Nanyang - cho biết việc bán các mặt hàng này không chắc có thể nâng cao doanh thu, vốn đã giảm mạnh trong thời gian đại dịch bùng phát, của các hãng hàng không.

Cụ thể, Cathay Pacific chỉ khai thác 4% công suất chuyến bay chở khách thông thường trong tháng 6 (giảm 99,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và phải chịu khoản lỗ đáng kể trong nửa đầu năm 2020.

Singapore Airlines (không bán bất kỳ dịch vụ bay nào) đã báo cáo khoản lỗ ròng 1,12 tỷ SGD (818,2 triệu USD) trong quý đầu tiên trong năm. Tính đến tháng 6, lợi nhuận ròng của Qantas cũng giảm 91%, xuống còn 124 triệu AUD (88,8 triệu USD).

Wong cho rằng việc bán các sản phẩm chỉ giúp giữ hình ảnh các thương hiệu được duy trì trong tâm trí người tiêu dùng, khách du lịch. Nữ giảng viên cũng nhận định khách hàng mua những món đồ trên vì đó là trải nghiệm mới mẻ.

“Các hãng hàng không có một nhóm khách hàng rất trung thành - những người muốn thu thập thứ gì đó từ thương hiệu mà họ cảm thấy thân thuộc. Hoạt động bán hàng này cũng giống việc các công ty xây dựng, duy trì mối quan hệ thân thiết với khách hàng bằng cách gửi thiệp sinh nhật, thiệp Giáng sinh hoặc bán đồ lưu niệm”, Wong nói.

Nhân viên Thảo Cầm Viên tự nguyện giảm 30% lương, kêu gọi hỗ trợ

Doanh thu sụt giảm, Thảo Cầm Viên vẫn phải duy trì việc chăm sóc động vật. 300 nhân viên ở đây đã tự nguyện xin giảm 30% lương.

Đinh Phạm (Theo SCMP)

Bạn có thể quan tâm