Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sạp rau anh Minh, ai đeo khẩu trang hở mũi không thêm hành ngò

Từng là người ham mê nhậu nhẹt khiến gia đình bất hòa, anh Minh nói cuộc sống thay đổi tích cực từ khi dùng số tiền chơi bời đó để mua rau phát miễn phí cho người khó khăn.

Suốt nhiều năm nay, điểm bán rau của anh Phạm Hồng Minh (37 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) tại ngã tư Bồn Nước, khu công nghiệp Biên Hòa đã trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều công nhân và người dân sống tại đây. Không chỉ gây ấn tượng bởi tính cách xởi lởi, anh Minh còn được yêu quý khi thường xuyên phát rau miễn phí cho người cần.

“Không đeo khẩu trang, bán đắt gấp đôi”, “Đeo khẩu trang hở mũi, không thêm hành ngò” - những dòng ghi chú tại điểm bán rau của anh trong mùa dịch Covid-19 đang là tâm điểm chú ý, khiến người mua hàng thích thú.

Hơn 13h ngày 14/8, anh Minh đi từ cửa hàng chính ở khu chung cư An Bình ra chi nhánh tại ngã tư Bồn Nước để chuẩn bị bán buổi chiều. Vừa luôn tay bày biện hàng, anh vừa vui vẻ trò chuyện.

“Tôi làm nhiều năm rồi mà chẳng hiểu sao đợt này được nhiều người biết như thế. Nhưng vậy cũng tốt, sẽ có nhiều người chung tay cùng tôi làm việc thiện, nhất là trong mùa dịch khó khăn”, anh hào hứng khi nhắc đến việc bỗng dưng thành hiện tượng mạng những ngày qua.

phat rau mien phi anh 1

Nhiều năm qua, anh Minh vẫn đều đặn phát rau miễn phí cho công nhân, người khó khăn trong khu vực.

7 năm phát rau miễn phí

Buổi sáng đi nhập hàng, anh thấy mồng tơi giá rẻ và “đẹp mã” nên quyết định mua mấy chục bó về để tặng mọi người. Anh Minh cười tươi, cân hàng cho từng khách, xởi lởi thêm vào chút hành, ngò, không quên dặn: “Có ăn mồng tơi thì ra lấy một bó nhé, bữa nay phát miễn phí đấy”.

Hôm qua anh cũng nhập vài chục cân rau muống nhưng trời mưa to nên công nhân ghé vào ít, phát không hết. Anh đã mang một phần sang tặng cho điểm cách ly chống dịch của địa phương.

Anh chuẩn bị sẵn hộp khẩu trang y tế, nước rửa tay. Khách vào mua không đeo khẩu trang, anh sẽ bán rau đắt gấp đôi coi như “phạt” hoặc bảo họ mua khẩu trang để đeo với giá 2.000 đồng. Về sau những khách quay lại chỗ anh đều có ý thức đeo khẩu trang đúng quy định.

Mới bày hàng ra được khoảng 2 tiếng, đúng giờ bán “cao điểm” lúc công nhân tan ca, trời đổ mưa tầm tã. Anh Minh quay sang người phụ bán với mình, nói: “Thế là hôm nay lại ế đây, lát nữa công nhân về đông thì phát thêm cả đậu bắp nữa nhé”.

Anh cho biết vì mùa này mưa, rau củ đang đẹp mà ngấm nước thì qua một đêm sẽ bị hỏng, xấu. Nếu mưa to, khách ít, bán không hết được, anh cũng phát miễn phí để mọi người vừa có đồ nấu ăn và anh đỡ tiếc rau ngon.

Chia sẻ với Zing, anh Minh nói đã gắn bó với nghề bán rau 11 năm. “Thời sinh viên, tôi khó khăn lắm, ăn mì tôm còn không có rau bỏ vào nên nghĩ sau này đi làm có tiền, nhất định mua rau tặng cho những sinh viên nghèo như mình. Ai ngờ sau này lại thành ông chủ buôn rau”.

Anh kể khoảng 7-8 năm về trước, anh là một người chuyên nhậu nhẹt, hát hò, say sưa tối ngày, tiền có bao nhiêu cũng “đốt” vào bia rượu. Gia đình anh khi đó hay lục đục vì anh lúc nào cũng nhậu say.

Đến lúc anh quyết dành số tiền nhậu nhẹt, chơi bời ấy để làm việc thiện, gia đình anh đều vui mừng và ủng hộ. Suốt 7 năm qua, mỗi tháng anh Minh đều chi hơn chục triệu đồng để mua rau tặng miễn phí cho công nhân, sinh viên và người khó khăn quanh khu vực.

“Tôi không thống kê chính xác số tiền. Đi nhập hàng, thấy có món nào ngon, rẻ thì mình mua về tặng, chứ đắt quá không đủ tiền. Hôm thì mồng tơi, rau muống, hôm thanh long, trứng gà… Có ngày tôi chi khoảng 500.000-700.000 đồng, bữa vài triệu tiền mua rau miễn phí, tính ra tháng ít nhất cũng khoảng 15 triệu đồng”, anh nói.

phat rau mien phi anh 6

Chủ hàng rau được nhiều người ủng hộ với hành động đẹp.

Anh Minh cho hay vì anh buôn bán lâu năm nên có nhiều “mối ruột”, hàng tốt. Bạn bè anh ở quê làm vườn, đợt nào có rau hay quả được giá rẻ đều gọi điện báo anh đến lấy. Những lúc thấy “hời”, anh mua tặng cho mọi người. Có lúc anh phát mấy tạ thanh long hay tặng cả xe dưa hấu.

Anh cho hay không phát miễn phí ở cửa hàng chính ở khu chung cư vì người dân tại đó đa số khá giả, anh phát ở khu công nghiệp này mới đúng người cần. 90% khách của anh ở đây là công nhân, nhân viên trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát, nhiều người mất việc, anh cũng mất đi khoảng 40% khách hàng.

Mùa mưa, khách ít, nhiều hôm ế hàng, lỗ cả mấy triệu đồng nhưng anh không cố tình nâng giá rau hay dừng việc phát miễn phí. “Tôi bán đúng giá, thậm chí rẻ nhất khu này. Khách hàng trả giá là bình thường nhưng nếu đã mua quen họ chẳng kỳ kèo đâu vì biết tôi không bán đắt”.

“Nhiều khi tôi bán theo cảm xúc nữa, thấy khách có thiện chí là bán rẻ hơn. Khách nào mang giỏ để đựng rau là giảm giá, ai mang túi nylon lần trước mua hàng quay lại tôi cũng giảm”.

Những hôm không có hàng miễn phí nhưng thấy người già, nghèo khó ghé vào, anh vẫn tặng rau cho họ vì thương.

Dần dần, nhiều người thấy anh làm việc tốt quý mến và thành khách “ruột”. Có chị bán cà phê mỗi lần ghé mua rau lại mang cho anh ly nước. Những niềm vui nho nhỏ như vậy khiến anh thấy công sức mình bỏ ra có ý nghĩa hơn.

Anh Minh kể hồi đầu bán rau, nhìn thấy anh xăm trổ còn cởi trần, đầu trọc có vẻ bặm trợn, nhiều người ngại không dám vào mua. Sau 10 năm, mọi người đã quen với phong cách của anh nên thoải mái, thậm chí anh mặc áo vào người ta còn không nhận ra Minh.

“Đi đâu tôi cũng mặc áo lịch sự chứ. Nhưng bán hàng, trời nắng nôi lại phải chạy qua chạy lại nên nóng lắm, cởi áo ra cho mát”, anh nói.

Quán ăn phá sản vẫn phát đồ miễn phí

Nhiều năm vừa buôn bán, vừa làm từ thiện, anh Minh nói không mong nổi tiếng. Anh cho rằng bỗng dưng nổi trên mạng còn khiến bản thân áp lực bởi “chín người mười ý”, bên cạnh lời khen cũng khó tránh bị đàm tiếu không hay.

“Ngày trước lúc tôi mới bắt đầu, nhiều người nghĩ chắc tôi ‘làm màu’ để nổi tiếng, nhưng tôi cứ 'việc mình mình làm', lâu dần người ta cũng hiểu chẳng ai đủ sức làm màu suốt mấy năm trời”.

phat rau mien phi anh 7

Những ngày mưa to, khách ghé vào hàng rau của anh Minh cũng ít hơn.

Tuy nhiên, khi việc làm của mình được chia sẻ rộng rãi trên diễn đàn, anh thấy vui vì nhiều người biết tới và chung tay với anh để làm việc tốt. Biết chủ nhật tuần này anh tổ chức phát gạo với cháo gói miễn phí, có người chẳng quen biết nhưng cũng liên lạc rồi chở mấy tạ gạo đến ủng hộ. Có chị khách quen ghé qua mua rau còn đưa anh một ít tiền để mua thêm đồ.

“Ban đầu tôi làm 150 phiếu, nhờ một số người mình tin tưởng phát đến tay người khó khăn thật sự. Ai lấy mỗi gạo thì được 10 kg, nếu lấy thêm cả cháo gói thì được 1 thùng cháo và 1 túi gạo nhỏ hơn. Nhưng giờ có mấy mạnh thường quân giúp nữa nên tôi sẽ thống kê rồi in thêm phiếu”.

Anh kể nhiều người quen, bạn bè thấy anh phát đồ nhiều năm, nghĩ rằng anh hẳn phải giàu lắm. Tuy nhiên, anh nói mình cũng chỉ đủ lo cho gia đình và làm từ thiện trong khả năng chứ không “làm lố”.

Mấy năm trước, anh mở một quán ăn nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì thua lỗ, phải đóng cửa. Dù vậy, anh vẫn đều đặn tặng rau. Từng trải qua khó khăn và nhiều lần thất bại, anh Minh càng muốn giúp đỡ người khác.

Anh kể thêm gần đây, con gái út mới 5 tháng tuổi phải phẫu thuật vì bệnh tim bẩm sinh.

“Hồi đầu đi khám bao nhiêu bệnh viện, người ta lắc đầu bảo khó qua khỏi nên cả nhà đứng ngồi không yên. Nhưng may mắn hôm vừa rồi phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Vợ chồng tôi bàn với nhau sẽ mua mấy tấn gạo, làm phiếu để phát tặng mọi người coi như mừng tin vui này”.

Cuối buổi chiều, người ướt như chuột lột vì mưa to, anh Minh vẫn nhiệt tình, niềm nở với từng khách, phát loa gọi công nhân đi qua ghé vào lấy mồng tơi và đậu bắp miễn phí. 18h, khi công nhân đã về hết, anh nhanh chóng dọn hàng để về kịp bữa cơm tối với gia đình.

Đội xe 0 đồng chở người mắc kẹt rời Bệnh viện C Đà Nẵng

Khi Bệnh viện C Đà Nẵng được dỡ phong tỏa, nhóm của anh Nguyễn Chiến đã điều động hàng chục xe để chở miễn phí bệnh nhân, người dân đang mắc kẹt tại đây về nhà.

Đào Phương

Bạn có thể quan tâm