H.K.,16 tuổi, học sinh THPT tại Điện Bàn, Quảng Nam, vừa được chuyển cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nặng, khiến ai thấy cũng xót xa.
Tai nạn xảy ra sau khi K. tự học chế tạo pháo theo video clip hướng dẫn trên mạng. "Sáng chế" của K. nổ tung, để vết thương phức tạp vùng đầu, cổ, mặt, hai tay, mất thị lực.
Cận Tết Nguyên đán, K. còn đang hôn mê, thở máy cùng vết thương bị nhiễm trùng phức tạp, chắc chắc, cả gia đình nam sinh chẳng thể có mùa sum họp ấm cúng.
Tình cảnh của K. không phải hiếm gặp trong thời điểm cận Tết Nguyên đán, khi liên tiếp nhiều người, đặc biệt trẻ vị thành niên, tò mò tìm cách tự chế tạo pháo nổ.
Hàng loạt trẻ nguy kịch
Bác sĩ Ngô Hạnh, Phó khoa Ngoại Chấn Thương, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết H.K. được chẩn đoán tràn khí vùng cổ hai bên, mất xương cả hai bàn tay, vỡ xoang hàm trái, chấn thương nhãn cầu phải. Bệnh viện báo động đỏ, huy động y bác sĩ của nhiều khoa phối hợp phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cho nam sinh.
Dù đã dốc toàn lực điều trị, chàng trai 16 tuổi vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, vết thương nhiễm trùng và có nguy cơ nhiễm trùng huyết cao. Ca bệnh này được tiên lượng nặng và tiếp tục điều trị tích cực tại khoa Gây mê hồi sức.
T.H. (ngụ Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng vì tai nạn do chế pháo nổ. Chàng trai 19 tuổi nhập viện trong tình trạng đa chấn thương ở cánh tay, cổ tay, vết thương hở đùi trái, đùi phải, dập nát bàn tay phải, bỏng giác mạc mắt độ 2.
Bác sĩ Ngoại chấn thương tiến hành cắt lọc, phẫu thuật các vết thương. Thế nhưng, kết cục xót xa là ở tuổi 19, H. buộc phải cắt cụt bàn tay phải vì vết thương quá nặng.
Bệnh nhân bị dập nát tay khi tự chế tạo pháo đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: BVCC. |
Chàng trai 24 tuổi tên V.D. (ngụ TP Đà Nẵng) cũng nhận cái kết buồn với 4 ngón tay của bàn tay phải dập nát toàn bộ. Dù bác sĩ cố gắng phẫu thuật vết thương bàn tay, khâu nối cơ đứt, sửa mỏm cụt, các ngón tay không thể được bảo toàn.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 gần đây liên tiếp điều trị nhiều ca tai nạn pháo tương tự.
Nam sinh 14 tuổi, ngụ Gia Lai, trước đó cũng tham khảo thông tin chế tạo pháo trên mạng, sau đó đặt mua hóa chất rồi thực hành theo. Sự việc chỉ được phát hiện khi cả nhà nghe tiếng nổ lớn. Thiếu niên bị thương nặng, dập nát bàn tay phải, bỏng vùng mặt, mắt và bộ phận sinh dục.
Hai trường hợp gặp tai nạn nghiêm trọng khác khi dùng máy xay sinh tố trộn hóa chất để chế pháo ở nhà là P.V.G.B.,14 tuổi và N.V.H., 15 tuổi, cùng ngụ Lâm Đồng. Hai nạn nhân được chuyển từ bệnh viện địa phương tới Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng đa chấn thương.
Bác sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng sốc, mất máu, tổn thương nhiều cơ quan từ mặt, khí quản, ngực, bụng...
Theo bác sĩ Sơn, khi máy xay sinh tố hoạt động đã kích hoạt làm vật liệu phát nổ trong máy sinh tố. Vỏ máy sinh tố làm bằng thủy tinh nên khi phát nổ đã tạo thành những mảnh vỡ đâm vào khí quản, làm rách màng phổi, gây tràn khí màng phổi, đâm vào gan, ruột, tay... người bệnh.
Hành động nguy hiểm
Bác sĩ Ngô Hạnh, Phó khoa Ngoại Chấn Thương, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết đối với những trường hợp liên quan đến pháo nổ tự chế, phần lớn nạn nhân bị tổn thương đa cơ quan.
“Pháo nổ theo cách tự chế thường sẽ gây dập nát hai bàn tay, do sức ép từ pháo nên phổi sẽ bị dập và tổn thương. Đặc biệt là có thể bỏng giác mạc, hỏng mắt và khí độc có thể tràn vào phổi gây tổn thương phổi”, bác sĩ Hạnh nói.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo tự chế pháo nổ là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của chính trẻ và những người xung quanh. Gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác để giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người.
Cận Tết Nguyên đán luôn là thời điểm “nóng” của các vụ tai nạn do pháo nổ, trong đó phần lớn là bởi trẻ em tự chế pháo nổ, hoặc ở các cơ sở sản sản xuất pháo lậu. Các bệnh viện trên cả nước liên tiếp tiếp nhận các trường hợp tai nạn này.
Đa số người bệnh ở độ tuổi thanh thiếu niên, tò mò, thích khám phá, dễ dàng truy cập các thông tin hướng dẫn và đặt mua hoá chất trên mạng xã hội để thực hành theo.
Trước những sự việc thương tâm này, để tránh những tai nạn do tự chế pháo gây nổ, bác sĩ chuyên khoa I Ngô Hồng Phúc, Phó trưởng khoa Bỏng – Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo gia đình, nhà trường nên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng, chế tạo pháo.
Việc giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm như có thể gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong rất quan trọng. Đồng thời nên giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ em, đặc biệt là trong thời gian gần Tết khi xuất hiện nhiều video hướng dẫn tự chế tạo pháo nổ tại nhà trên mạng xã hội.
Khi trẻ chưa nghỉ Tết, nhà trường và chính quyền địa phương nên phối hợp để có những buổi khuyến cáo các em không tự tìm tòi pháo nổ, chế tạo pháo.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...