Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều gì xảy ra khi bạn ăn nhiều đường?

Sâu răng, tăng cân, dễ cáu kỉnh, nguy cơ tiểu đường và bệnh tim là những vấn đề không mong muốn có thể xảy ra khi cơ thể bạn ăn quá nhiều đường và đồ ngọt.

Ăn quá nhiều đường và thực phẩm giàu đường có thể ảnh hưởng sức khỏe tổng thể. Ảnh minh họa: Freepik.

Ăn uống cân bằng là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Một số thành phần trong chế độ ăn uống, chẳng hạn thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, có thể gây hại cho cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh nếu bạn ăn quá nhiều.

Bao nhiêu đường là quá nhiều?

Theo Eat This, Not That, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị mức tiêu thụ đường hàng ngày là 25 g đối với phụ nữ, 36 g đối với nam giới hoặc khoảng 10% lượng calo hàng ngày của bạn. Ăn quá nhiều đường gây ra nhiều tác dụng phụ và cũng có thể liên quan đến việc hấp thụ quá nhiều tổng lượng calo.

Đường vốn không phải là loại thực phẩm mang lại cảm giác thỏa mãn, giống thực phẩm giàu chất xơ như bông cải xanh hoặc thực phẩm giàu protein như ức gà.

Điều này có nghĩa là bạn có thể dễ dàng tiêu thụ nó và rất nhiều cùng một lúc. Vì vậy, nếu không kiểm soát hợp lý, bạn rất dễ tiêu thụ quá nhiều đường.

Mối lo ngại sức khỏe do ăn quá nhiều đường

Ăn quá nhiều đường bổ sung có thể tác động tiêu cực đến việc kiểm soát lượng đường trong máu, sức khỏe tim mạch, trọng lượng cơ thể... Dưới đây là những gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn quá nhiều đường.

Huyết áp tăng

Đường là một trong những phân tử carbohydrate nhỏ nhất nên không mất nhiều thời gian để nhanh chóng xâm nhập vào máu và có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Lượng đường tăng lên trong chế độ ăn uống cũng có liên quan đến huyết áp tăng cao. Điều này có thể là do chất lượng của chế độ ăn uống, nếu bạn ăn nhiều đường, có thể bạn đang không ăn nhiều thực phẩm lành mạnh khác. Nó cũng có thể là do tác động trực tiếp của việc tăng lượng đường trong máu ảnh hưởng đến việc tăng huyết áp của chúng ta.

Sâu răng

Theo Business Insider, đường không phải là nguyên nhân trực tiếp gây sâu răng. Tuy nhiên, chất thải (axit) do đường tương tác với bề mặt răng sẽ gây sâu răng. Vì vậy, nếu không chú ý đến những gì mình ăn (hoặc bỏ qua việc vệ sinh răng miệng thường xuyên), bạn rất dễ bị sâu răng và các vấn đề răng miệng khác.

Tăng cân và thèm ăn hơn

Lượng đường tiêu thụ quá mức, đặc biệt là từ đồ uống có đường, có thể gây tăng cân, tích tụ mỡ nội tạng, thậm chí nguy cơ béo phì cao hơn. Điều này có nghĩa là uống soda thường xuyên hơn có thể góp phần làm tăng cân theo thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Những đồ uống này là "calo rỗng" và dễ tiêu thụ quá mức mà không khiến chúng ta no.

Nguy cơ tiền tiểu đường và tiểu đường

Khi bạn ăn bất cứ thứ gì có chứa glucose, cơ thể sẽ giải phóng insulin để xử lý glucose thành năng lượng. Vấn đề là khi mọi người ăn quá nhiều đường cùng một lúc, insulin sẽ được tiết ra một lượng lớn và bạn có thể bị hạ đường huyết hoặc kháng insulin.

Với tình trạng kháng insulin, cơ thể bạn không thể hấp thụ glucose đủ nhanh, khiến glucose tích tụ trong máu và gan. Điều này, cùng với các yếu tố di truyền và môi trường phù hợp, có thể dẫn đến tiền tiểu đường và cuối cùng là tiểu đường.

An qua nhieu duong anh 1

Nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường tăng cao khi cơ thể phải hấp thụ quá nhiều đường. Ảnh minh họa: Pexels.

Nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn

Đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách tạo ra các vết mài mòn nhỏ bên trong động mạch. Những vết xước nhỏ này có thể "bắt" các hạt như cholesterol, theo thời gian có thể bị mắc kẹt và tích tụ.

Quá trình tích tụ mảng bám này, còn được gọi là xơ vữa động mạch, là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim, cholesterol cao và huyết áp cao.

Tích tụ nhiều chất béo hơn trong gan

Đường, trong bối cảnh dư thừa calo, sẽ được tiêu hóa và lưu trữ theo thời gian dưới dạng mỡ trong cơ thể. Lượng mỡ dư thừa trong cơ thể sẽ làm tăng tích tụ mỡ trong gan, gây bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Tình trạng này cũng là nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim cao hơn.

Càng thèm ăn đường

Nếu bạn thấy mình liên tục thèm đồ ăn hoặc đồ uống có đường, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường. Lượng đường cao có thể dẫn đến một chu kỳ thèm ăn và tiêu thụ quá mức do lượng đường trong máu tăng đột biến.

Gây lo lắng, trầm cảm

Việc tiêu thụ quá nhiều đường gây ra những tác động tiêu cực đến tâm trạng và sức khỏe tâm thần. Lượng đường trong máu dao động và nồng độ cortisol tăng cao khiến bạn sụt giảm năng lượng, cáu kỉnh, mệt mỏi, hoặc thậm chí buồn bã.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường, đặc biệt là soda, còn làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...

Điều này sẽ xảy ra khi bạn ngừng ăn đường 30 ngày

Bạn muốn giảm cân và có làn da đẹp hơn? Hãy thử thực hiện chế độ ăn kiêng không đường trong 30 ngày để xem điều kỳ diệu có xảy ra không.

Mai Phương

Bạn có thể quan tâm