Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều này sẽ xảy ra khi bạn ngừng ăn đường 30 ngày

Bạn muốn giảm cân và có làn da đẹp hơn? Hãy thử thực hiện chế độ ăn kiêng không đường trong 30 ngày để xem điều kỳ diệu có xảy ra không.

Đường và các đồ ăn ngọt có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Ảnh minh họa: Adobestock.

Đường được coi là kẻ thù của sức khỏe. Ăn quá nhiều đồ ngọt cũng có thể làm hỏng răng và khiến bạn tăng cân.

Theo nghiên cứu vào tháng 2/2023 được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, ăn quá nhiều đường làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và rối loạn chuyển hóa.

Vì vậy, tránh xa bánh quy, bánh ngọt, kem, bánh rán và kẹo bơ cứng là điều nên làm. Thậm chí, nhiều loại trà và đồ uống chứa nhiều đường cũng cần hạn chế.

Việc cắt giảm đường khỏi chế độ ăn uống có thể tạo nên sự thay đổi đáng kể về sức khỏe tổng thể của bạn. Sự thay đổi quan trọng này không chỉ là việc từ bỏ sở thích ăn ngọt mà còn là cuộc đại tu toàn diện, giúp trẻ hóa cơ thể và tâm trí của bạn.

Lợi ích khi kiêng đường trong 30 ngày

Chia sẻ với Healthshots, tiến sĩ Ekta Singhwal, chuyên gia dinh dưỡng, Nhóm bệnh viện Ujala Cygnus, Uttar Pradesh (Ấn Độ), cho biết đường cung cấp calo nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Ăn các thực phẩm này có thể dẫn đến hấp thụ quá nhiều đường, thiếu vitamin và khoáng chất quan trọng.

Dưới đây là một số lợi ích của việc không ăn đường trong một tháng:

- Giảm cân: Giảm lượng đường hoặc không ăn đường trong một tháng có thể giúp bạn giảm cân vì nó loại bỏ lượng calo rỗng và giảm khả năng ăn quá nhiều.

- Cải thiện lượng đường trong máu: Cắt đường trong 30 ngày có thể giúp ổn định lượng đường trong máu, giảm nguy cơ kháng insulin và tiểu đường type 2.

- Tăng cường năng lượng: Nếu lượng đường trong máu không tăng vọt và giảm đột ngột, mức năng lượng có xu hướng trở nên ổn định hơn suốt cả ngày.

- Bảo vệ sức khỏe răng miệng: Tránh đường có thể giúp cải thiện sức khỏe răng miệng, giảm nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng.

- Giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính: Việc giảm lượng đường có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính như bệnh tim.

- Da sạch hơn: Một số người có thể nhận thấy sự cải thiện về sức khỏe làn da của mình vì lượng đường cao có liên quan đến mụn trứng cá và các vấn đề về da khác.

- Cải thiện tâm trạng và tinh thần minh mẫn: Lượng đường trong máu ổn định có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, làm giảm sự thay đổi tâm trạng và cải thiện tinh thần minh mẫn.

- Đường ruột khỏe hơn: Lượng đường cao có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, giảm lượng đường có thể giúp thúc đẩy môi trường đường ruột khỏe mạnh hơn.

Dung an duong mot thang anh 1

Dừng ăn đường trong thời gian dài có thể giúp bạn cải thiện làn da và sức khỏe tổng thể. Ảnh minh họa: Pexels.

Cách loại đường khỏi bữa ăn trong 30 ngày

Một số loại trái cây như xoài, dứa và dâu tây khá ngọt. Tiến sĩ Singhwal cho biết không cần phải loại bỏ hoàn toàn trái cây khỏi chế độ ăn không đường của bạn. Trong khi trái cây chứa đường tự nhiên, chúng cũng cung cấp các vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa thiết yếu có lợi cho sức khỏe.

Việc tiêu thụ trái cây vừa phải thường được khuyến khích. Lượng đường có trong trái cây nguyên quả đều là tự nhiên và hàm lượng chất xơ trong chúng giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Điều này lần lượt làm giảm tác động lên lượng đường trong máu.

Ngoài ra, các chất dinh dưỡng trong trái cây còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tiêu hóa. Tuy nhiên, hãy chú ý đến khẩu phần ăn, tránh uống quá nhiều nước ép trái cây và trái cây sấy khô. Đây là những nguồn đường đậm đặc mà không có hàm lượng chất xơ như trong trái cây nguyên quả.

Dưới đây là cách để giảm lượng đường hàng ngày:

  • Đọc nhãn: Kiểm tra nhãn thực phẩm và tránh các sản phẩm có ghi "đường bổ sung".
  • Chọn thực phẩm nguyên chất: Hãy tập trung vào thực phẩm nguyên hạt và chưa qua chế biến như rau, trái cây, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
  • Tránh đồ uống có đường: Cắt bỏ đồ uống có đường như soda, nước ép trái cây và trà hoặc cà phê có đường. Thay vào đó, hãy chọn nước lọc, trà thảo mộc hoặc cà phê nguyên chất.
  • Nấu ăn tại nhà: Chuẩn bị bữa ăn ở nhà để bạn có thể kiểm soát các thành phần và có thể tránh được lượng đường ẩn.
  • Ăn nhẹ khôn ngoan: Chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn như các loại hạt, sữa chua hoặc trái cây tươi thay vì đồ ăn nhẹ có đường.

Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...

Người bị tiểu đường thai kỳ nên và không nên ăn gì?

Để có thai kỳ khỏe mạnh, điều quan trọng là phải ăn uống đúng cách. Nếu bị tiểu đường thai kỳ, phụ nữ cần cẩn thận hơn trong chế độ ăn uống.

Mai Phương

Bạn có thể quan tâm