Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạn thân kéo nhau ra tòa vì 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt

Cho rằng mình mua vé số rồi bạn lấy bỏ túi, khi trúng giải đặc biệt thì anh Tường kiện anh Phúc ra tòa để đòi chia quyền sở hữu. Hai cấp tòa đã không cùng quan điểm xử lý vụ này.

Trao đổi với phóng viên Zing.vn chiều 25/12, ông Trần Trọng Hữu - Phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau cho biết, gần 10 năm trước ở huyện Thới Bình xảy ra vụ tranh chấp hi hữu liên quan đến 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt. Vụ này kéo dài gần một năm khiến hai thanh niên cùng ấp Xóm Sở (xã Hồ Thị Kỷ) mất đi tình bạn thân.

Tình bạn mất vì 223 triệu đồng

Theo hồ sơ tố tụng, anh Nguyễn Minh Tường (32 tuổi) và anh Lê Minh Tiệp (40 tuổi, cùng xã Hồ Thị Kỷ) cho rằng, ngày 29/8/2006, họ cùng bạn thân là Trần Thanh Phúc (42 tuổi) và người lái đò tên Võ Tấn Lực đi uống cà phê ở ấp Câu Khô. Tại đây, Tường thấy người bán vé số đi ngang, anh kêu lại mua 2 tờ cùng số 823025 do Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu phát hành, mệnh giá 5.000 đồng/tờ.

Sau khi Tường trả tiền, anh Phúc lấy vé số cầm xem rồi bỏ vô túi mình. Hai anh Tường, Tiệp nghĩ chỗ bạn bè nên không lấy lại. Sau đó, anh Tường nói với anh Phúc: "Mày giữ thì giữ, chiều trúng chia nhau xài".

1
Bản án của TAND tỉnh Cà Mau gần 10 năm trước đã bác đơn của 2 thanh niên đòi bạn 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt. Ảnh: Việt Tường.

Hôm sau, mọi người hay tin hai tờ vé số trong túi anh Phúc trúng giải đặc biệt, mỗi tờ 125 triệu đồng. Cho rằng bị bạn cố tình chiếm hết tiền trúng số, anh Tường và Tiệp làm đơn kiện anh Phúc ra tòa để yêu cầu chia 3 số tiền 223 triệu đồng (đã trừ thuế).

Trái ngược với trình bày của nguyên đơn, Phúc cho rằng, khi uống cà phê anh là người mua vé số và trực tiếp trả tiền 2 tờ 10.000 đồng. Vì vậy, anh là người sở hữu toàn bộ số tiền trúng giải nhưng là chỗ bạn bè nên thanh niên này cho Tường, Tiệp mỗi người 5 triệu đồng.

Ngày 26/12/2006, TAND huyện Thới Bình áp dụng Điều 163, 164 của Bộ Luật dân sự (quy định về Tài sản và Quyền sở hữu) với các điều, luật có liên quan để xử buộc anh Phúc giao cho anh Tường trên 73,3 triệu đồng và người đi cùng là anh Tiệp 10 triệu đồng. Sau đó, anh Phúc kháng cáo, không đồng ý chia tiền cho hai người bạn.

Kiện đòi 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt 3 tỷ ở miền Tây

Tuấn cho rằng đưa Vui 5 tờ vé số giữ dùm để "lấy hên", đến chiều 2 tờ trúng giải đặc biệt nên thanh niên này đòi bạn nhậu 3 tỷ đồng nhưng bất thành.

Ngày 25/5/2007, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm, ông Nguyễn Xuân Văn làm chủ tọa. HĐXX xét thấy, anh Tường và Phúc đều khẳng định mình là người trả tiền mua vé số nên có quyền hưởng 223 triệu đồng. Trong khi đó, 4 nhân chứng chứng gồm anh bán vé số, người lái đò và hai người bạn uống cà phê cùng bàn với các đương sự lại khai không khớp nhau.

HĐXX đánh giá vụ án này có sự không thống nhất, thiếu khách quan trong lời tường thuật từ những người làm chứng. Lời khai của nguyên đơn có lúc thì "mua xong trả tiền, sau đó đưa Phúc giữ", khi thì khai "Phúc cầm xem và giữ luôn".

Từ đó, cấp phúc thẩm cho rằng, không có căn cứ khẳng định ai là người mua và trả tiền. Vì vậy, HĐXX chỉ có thể xác định người đang quản lý 2 vé trúng giải đặc biệt mang số 823025 chính là chủ sở hữu 223 triệu đồng.

"Theo quy định tại Khoản 8 Điều 170 Bộ Luật dân sự (Căn cứ xác lập quyền sở hữu) thì số tiền trúng thưởng sau khi trừ chi phí thuộc sở hữu của anh Phúc. Cấp sơ thẩm đánh giá chưa toàn diện các tài liệu do đương sự xuất trình", bản án nêu.

Từ đó, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo của anh Phúc, bác yêu cầu của anh Tường và Tiệp về việc kiện đòi anh Phúc chia 3 số tiền trúng thưởng của 2 tờ vé số.

Anh Tuấn ở Bạc Liêu có đòi được 2 tờ vé số trúng 3 tỷ?

Trở lại trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Tuấn (26 tuổi, ngụ thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) đòi bạn là Lâm Văn Vui (28 tuổi) trả lại 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt, Phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau - ông Trần Trọng Hữu nói: "Nên xử lý theo cách của chủ tọa Nguyễn Xuân Văn trong vụ án của anh Phúc, Tường và Tiệp".

1

Thẩm phán Huỳnh Văn Út nói: "Anh Tuấn và anh Vui nên chia nhau mỗi người một tờ vé số trúng giải đặc biệt". Ảnh: Việt Tường

Nếu áp dụng "án lệ" từng xảy ra ở miền Tây, anh Vui có khả năng sẽ được tòa án giao quyền sở hữu 2 tờ vé số trúng thưởng 3 tỷ đồng.

Theo anh Tuấn, sau khi nhận 200 triệu đồng của anh Vui, thanh niên này cho mẹ là bà Trần Thị Diệu 100 triệu đồng để trả nợ ngân hàng. 100 triệu còn lại Tuấn cho bạn bè, chi xài cá nhân nên không còn đồng nào.

Hiện, anh Tuấn và cha làm thuê cho một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở TP HCM, lương mỗi người trên 3 triệu đồng/tháng. Nếu tòa án thụ lý vụ anh đòi 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt 3 tỷ đồng, thanh niên này ngại nhất là không có số tiền lớn để đóng tạm ứng án phí.

Trong từng câu chuyện Tuấn kể với phóng viên về mối quan hệ thân thiết với anh Vui, người đòi bạn 2 tờ vé số cho rằng, trước khi xảy ra vụ việc hai ngày, Tuấn hết tiền xài nên Vui cho mượn 15 triệu với dây chuyền 1,8 chỉ, nhẫn hơn 2 chỉ vàng 18K. Tuy nhiên, Tuấn lại nói ra điều mâu thuẫn với vấn đề này là: "Lúc đó Vui đang hên vì mấy ngày trước trúng số đề, thắng độ đá gà nên tôi nhờ giữ dùm vé số".

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên hỏi Vui thì thanh niên này khẳng định, anh không nợ tiền Tuấn và chẳng mượn bất cứ tài sản gì của người bạn này. Từ đó, Vui cho rằng đã bị Tuấn vu khống, bịa chuyện nói xấu mình.

"Sau khi tôi với Tuấn đi Cà Mau ăn mừng, ngày 8/10, Tuấn còn nhậu với tôi ở nhiều quán với các bạn. Đến ngày thứ 3 sau khi trúng số, tôi với Tuấn tiếp tục vô Kênh Tây nhậu. Ngày thứ tư, Tuấn đến nhà tôi chơi và đến ngày thứ 5 thì phát đơn kiện. Sau đó, công an thị xã và tỉnh mời tôi làm việc ngày 14, 16/10", anh Vui trình bày.

Theo Vui, anh đã gửi đơn đến  UBND và Công an xã Tân Phong để yêu cầu nơi đây làm rõ hành vi bịa đặt của Tuấn khiến Vui mất uy tín, ảnh hưởng xấu đến danh dự và việc kinh doanh. 

Trước nhiều ý kiến cho rằng, anh Vui với Tuấn cần chia nhau mỗi người 50% giá trị của tổng giải thưởng, ông Huỳnh Văn Út - Thẩm phán TAND TP Cà Mau ủng hộ quan điểm này. Theo ông Út, giá trị nhân văn trong câu chuyện vé số trúng thưởng, mọi người cần soi rọi lại mình khi nghĩ đến chị Phạm Thị Lành bán vé số ở Long An.

Chị này không vì lòng tham mà đánh mất thân tình với anh chạy xe ba gác nghèo trúng 4 tờ đặc biệt. "Chỉ là lời dặn qua điện thoại, chị bán vé số uy tín giữ lại vé số cho anh chạy xe ba gác. Anh này chưa trả tiền nhưng khi trúng thưởng thì chị Lành chủ động thông báo đưa cho người chủ sở hữu của nó. Giá trị của hành động nhân văn này là anh chạy xe cho chị Lành 1 tờ vé trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng", ông Út nói.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm