![]() |
Tỷ phú Bernard Arnault đối mặt với khó khăn khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế mới. Ảnh: WWD. |
Bernard Arnault, tỷ phú giàu nhất nước Pháp, người điều hành tập đoàn hàng xa xỉ LVMH, bước vào năm 2025 với nhiều tín hiệu tích cực. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người bạn thân thiết của ông, đã đích thân mời ông tới dự lễ nhậm chức vào ngày 20/1. Người tiêu dùng Mỹ, một trong những thị trường lớn nhất của LVMH, tích cực mua sắm váy Dior, trang sức Tiffany & Co.
Tuy nhiên, không lâu sau, chính quyền ông Trump áp dụng chính sách thuế mới, khiến giá cổ phiếu tập đoàn lao dốc mạnh.
“Cho đến cuối tháng 2, mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ. Rồi chúng tôi phải đối mặt với tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu đảo lộn vì chính sách thuế quan”, ông Arnault phát biểu trước cổ đông tại Đại hội đồng thường niên của LVMH tổ chức ở bảo tàng Louvre, Paris (Pháp), The New York Times đưa tin.
LVMH chịu ảnh hưởng từ thuế quan
Tỷ phú này cho rằng trách nhiệm giải quyết chiến tranh thương mại hiện nằm trong tay các nhà lãnh đạo châu Âu. Nếu thất bại, LVMH có thể phải mở rộng sản xuất sang Mỹ và “tránh xa châu Âu”.
Lặp lại đề xuất từng được Elon Musk đưa ra, ông Arnault kêu gọi các chính trị gia châu Âu thúc đẩy việc thiết lập khu vực thương mại tự do với Mỹ.
LVMH không phải tập đoàn toàn cầu duy nhất chịu ảnh hưởng từ nỗ lực tái cấu trúc thương mại của ông Trump. Tuy nhiên, với tư cách là công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, sở hữu 75 thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Christian Dior, Tiffany và rượu sâm panh Dom Pérignon, LVMH trở thành tập đoàn dẫn đầu toàn ngành, chịu tác động lớn.
![]() |
"Ông trùm hàng hiệu" Bernard Arnault chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế của Mỹ. Ảnh: Ludovjc Marin. |
Cổ phiếu LVMH, mở đầu năm với giá trên 700 EUR, đã giảm 35% kể từ thông báo thuế quan đầu tiên hồi tháng 2. Thứ Ba vừa qua, sau khi LVMH công bố doanh thu quý I giảm 3% do chính sách thuế làm chậm tăng trưởng tại Mỹ và Trung Quốc, cổ phiếu công ty tiếp tục giảm thêm 8%, kéo cả nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ lao dốc.
Diễn biến này khiến LVMH mất vị trí công ty có vốn hóa lớn nhất theo chỉ số CAC 40 của Pháp. Trong khi đó, danh hiệu tập đoàn xa xỉ giá trị nhất thế giới chuyển sang tay đối thủ Hermès.
Đối mặt với tình thế chưa từng có, ông Arnault cho biết LVMH có thể cân nhắc tăng giá bán tại Mỹ để bù đắp chi phí thuế quan.
Bên cạnh giới siêu giàu - những người không quá bận tâm tới vài nghìn USD chênh lệch - tập đoàn cũng phục vụ lượng lớn người tiêu dùng xa xỉ tầm trung. Họ là những khách hàng “khao khát” xa xỉ phẩm thông qua các mặt hàng giá mềm như nước hoa hay móc chìa khóa.
Theo ông Arnault, chính sách thuế mới có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao, khiến nhóm khách hàng này giảm chi tiêu.
Mối quan hệ giữa tỷ phú Pháp và Tổng thống Mỹ
Khi được hỏi liệu có trực tiếp trao đổi với ông Trump hay không, ông Arnault từ chối trả lời. Tuy vậy, giới quan sát tại Pháp không ngừng đồn đoán về mối quan hệ gần gũi giữa 2 người, đặc biệt sau khi ông cùng vợ và 2 con ngồi ngay sau cựu Tổng thống Barack Obama và Joe Biden tại lễ nhậm chức.
Một trong các con trai ông, Alexandre Arnault, từng điều hành Tiffany & Co. tại New York (Mỹ), bao gồm cửa hàng chủ lực đặt tại Trump Tower. Anh cũng xây dựng mối quan hệ thân thiết với Ivanka Trump và Jared Kushner - con gái và con rể ông Trump.
Hai người đã tới Paris trước lễ nhậm chức để đặt may váy Dior và vest Givenchy. Ông Trump từng đón tiếp Alexandre tại Mar-a-Lago, gọi anh là “chàng trai trẻ đang trên đà tiến xa”.
![]() |
Ông Arnault và ông Trump được cho là sở hữu mối quan hệ thân thiết. Ảnh: WWD. |
Dù vậy, tại Louvre, ông Arnault chia sẻ rằng bản thân dành nhiều giờ đồng hồ làm việc với ban lãnh đạo LVMH, bao gồm cả 5 người con giữ các vị trí chủ chốt, để vạch ra chiến lược ứng phó với chính sách thuế quan.
Tập đoàn hiện có quỹ dự phòng 10,5 tỷ EUR tiền mặt. Gần đây, công ty bắt đầu tích trữ rượu sâm panh, rượu vang và các loại đồ uống chuẩn bị xuất sang Mỹ.
LVMH hiện vận hành 3 nhà máy Louis Vuitton tại Mỹ, trong đó có một cơ sở được khai trương tại Texas vào năm 2017 - sự kiện ông Arnault tham dự cùng ông Trump. Ngoài ra, các xưởng Tiffany & Co. ở Mỹ cũng có thể tăng sản lượng nếu thuế quan kéo dài. Ông cho biết không loại trừ khả năng mở thêm nhà máy nếu cần thiết.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất với LVMH lúc này là: Nên mở rộng dải sản phẩm để phục vụ nhóm khách hàng “khao khát” hàng hiệu hay tiếp tục theo đuổi phân khúc xa xỉ thuần túy?
Cuối cùng, ông Arnault cho biết LVMH không hạ thấp đẳng cấp thương hiệu. “Mục tiêu của chúng tôi là mang đến chất lượng tốt nhất,” ông nói.
“Có thể trong ngắn hạn, mức tăng trưởng sẽ chậm lại đôi chút. Nhưng điều đó không khiến tôi lo lắng,” ông kết luận.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.