Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạn trẻ Mỹ đến miền Tây học biến đổi khí hậu

20 sinh viên Trường ĐH Montana (Mỹ) đã có ba tuần học tập về khí hậu, thiên nhiên và cuộc sống của người dân miền Tây.

Chương trình do ĐH Montana tổ chức dành cho những sinh viên học chuyên ngành về môi trường có hứng thú tìm hiểu, nghiên cứu về đời sống sinh hoạt, thiên nhiên của người dân châu Á.

Ông Dan Spencer, giáo sư khoa nghiên cứu môi trường ĐH Montana, cho biết sở dĩ ông chọn miền Tây Việt Nam làm điểm đến cho sinh viên học tập vì nơi đây hội tụ đủ những điều kiện về con người, thiên nhiên.

Các sinh viên trong buổi học thực tế ngoài trời tại miền Tây - Ảnh: X.Quyên

“Miền Tây có rất nhiều giống cá, sinh vật côn trùng để sinh viên tận mắt thấy, trải nghiệm và nghiên cứu sâu hơn cho ngành học của mình” - ông Dan nói. Ông Dan cũng cho biết thêm đây là năm thứ tư trường đưa sinh viên sang Việt Nam học tập nghiên cứu về môi trường, đời sống người dân miền Tây Nam bộ.

Trong những ngày rong ruổi qua các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang... các bạn sinh viên không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt được thấy, chạm vào những loài vật mà trước nay chỉ được xem qua sách vở.

Có người bất ngờ khi thấy rất nhiều ốc bươu vàng trong mương, ruộng của người dân, và sẵn sàng xắn tay cùng nhau bắt ốc mang đi tiêu hủy. Có bạn cảm thấy phấn khích khi được người dân hướng dẫn giăng lưới, bắt cá hoặc những việc tưởng chừng bình thường như mắc mùng ngủ tránh muỗi cũng là một trải nghiệm thú vị.

Ngoài ra, những sinh viên này còn được tham quan các mô hình canh tác của nông dân như trồng lúa nuôi tôm, vườn ao chuồng, đến những vùng đất bị xói mòn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hay tìm hiểu về cây tràm, cây đước ở vùng U Minh Thượng, những động vật bị xâm hại...

Dịp này, các bạn đã được các chuyên gia Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra mà miền Tây là một trong những nơi đang chịu ảnh hưởng. Điển hình là năm nay lũ không về, lượng mưa ít hơn mọi năm, một số loài cá số lượng không còn nhiều như trước nữa...

Sinh viên Ransome Probert, ngành sinh thái học, côn trùng, nói: “Chuyện biến đổi khí hậu cũng do một phần thói quen sinh hoạt, giữ gìn của người dân chưa được quan tâm đúng mức. Sau khi về nước, tôi và các bạn sẽ cùng lên kế hoạch để trở lại nơi đây vào một ngày gần nhất, trước mắt sẽ làm tình nguyện viên hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường”.

Giáo sư Dan Spencer tâm sự: “Chúng tôi sẽ có kế hoạch phối hợp cùng các trường ĐH ở đồng bằng sông Cửu Long có những chương trình hỗ trợ người dân miền Tây cùng nhau ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách đảm bảo thu nhập cho người dân mà không phải săn bắt, xâm hại môi trường”.

Sinh viên Antonio Morsette, học ngành nghiên cứu môi trường, chia sẻ: “Người miền Tây hiếu khách, chân thành. Tôi ấn tượng về cách tổ chức đám giỗ tưởng nhớ người đã khuất của người dân nơi đây. Vì dân tộc Chippewa-Cree nơi tôi sinh sống cũng có lễ tưởng nhớ người đã khuất như vậy. Giá trị văn hóa ấy tôi nghĩ lớp trẻ chúng ta cần giữ gìn, quý trọng”.


http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160121/ban-tre-my-den-mien-tay-hoc-bien-doi-khi-hau/1041700.html

Theo Thùy Trang/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm