Chiều 6/9, buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam lần đầu tiên diễn ra, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Trước đó, một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cách đây ba năm với nhiều bước, từ xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu nhỏ, thu thập, xử lý dữ liệu.
Nghiên cứu độc lập
TS Lưu Quang Hưng - thành viên của nhóm nghiên cứu - cùng các đồng nghiệp đã tập hợp số liệu từ hơn 100 trường đại học, sau đó tiến hành xếp loại 49 cơ sở giáo dục đại học có số liệu đầy đủ nhất.
Trong đó, 49 cơ sở giáo dục đại học gồm 5 đại học cấp quốc gia và cấp vùng, 5 học viện, 39 trường đại học công lập và tư thục.
Theo danh sách này, top 10 trường theo thứ tự là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Duy Tân, Đại học Sư phạm Hà Nội.
TS Hưng cho hay nhóm không đưa vào danh sách các cơ sở giáo dục thuộc khối an ninh, quân đội, chính trị cũng như các cơ sở giáo dục đại học mới thành lập, một số trường liên kết với nước ngoài và một số cơ sở giáo dục đại học địa phương vì thiếu số liệu công khai.
Bên cạnh đó, nhóm chưa xếp hạng các trường cao đẳng hoặc tương đương. Các tiêu chí quyết định thứ hạng gồm nghiên cứu khoa học, đào tạo và cơ sở vật chất.
Tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và trọng số (%) tương ứng. |
Cụ thể, về tiêu chí nghiên cứu khoa học, nhóm cho rằng năng lực nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học có quan hệ mật thiết với số ấn phẩm khoa học của trường.
Ở đây, nhóm lấy số lượng công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế, chuyên ngành và có phản biện làm thước đo đánh giá. Thước đo này đều được các bảng xếp hạng như THE của tạp chí Times, ARWU của Đại học Giao thông Thượng Hải và WUR của tổ chức QS sử dụng.
Về giáo dục và đào tạo, nhóm nghiên cứu đánh giá chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ và năng lực đội ngũ giảng viên, năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành nhà trường, chất lượng khung chương trình giảng dạy, không gian lớp học…
Nhóm dùng số lượng cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có trình độ tiến sĩ trở lên được dùng làm thước đo về chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên theo học và chất lượng đầu vào của học viên cũng được đánh giá.
Về cơ sở vật chất và quản trị, chất lượng học tập, giảng dạy và nghiên cứu cần đi liền với cơ sở vật chất tốt. Những cơ sở giáo dục đại học có cơ sở vật chất tốt phải có môi trường sư phạm rộng rãi, thư viện chất lượng. Không gian lớp học chật hẹp sẽ bị đánh giá kém.
Ngoài ra, nguồn thông tin tham khảo trong thư viện đóng vai trò rất quan trọng. Nhóm đo chất lượng thư viện bằng tỷ lệ đầu sách trên sinh viên. Như vậy, trường càng có nhiều sách phục vụ nghiên cứu học tập, sinh viên càng có nhiều cơ hội tiếp cận để nâng cao chất lượng học tập.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu giải đáp thắc mắc trong buổi tọa đàm công bố xếp hạng trường đại học Việt Nam chiều 6/9. Ảnh: Kim Ngân. |
Đại diện nhiều trường chưa đồng tình
Ngay trong buổi công bố, bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Đại diện một số trường chưa đồng tình với xếp hạng này. Nhiều ý kiến tranh luận được nêu ra.
Một số trường đại học xếp thứ hạng khá cao như Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 2), Đại học Duy Tân (hạng 9). Trong khi đó, các trường kinh tế trước nay vốn được đánh giá cao như Đại học Ngoại Thương (hạng 23) và Học viện Ngân hàng (hạng 47) lại có thứ hạng khá khiêm tốn.
Lý giải nguyên nhân, TS Hưng cho biết các trường này có xếp hạng thấp do quy mô đào tạo lớn song số lượng giáo viên ít. Bên cạnh đó, các trường thuộc khối kinh tế cũng ít công bố nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế.
Ngoài ra, một số ý kiến nhận định nếu dựa trên những tiêu chí nhóm nghiên cứu đã nêu, Đại học Bách Khoa Hà Nội phải giữ thứ hạng cao hơn, không phải hạng 7 như công bố.
Nhóm nghiên cứu giải thích họ coi mỗi đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM) là cơ sở giáo dục đào tạo thống nhất, các trường đại học thành viên là một bộ phận. Do vậy, nhóm không xếp hạng các trường đại học thành viên mà chỉ xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học quốc gia.
Cơ sở này tương tự với các đại học vùng. Do đó, trừ Đại học Tôn Đức Thắng, 5 trường đại học xếp trên Đại học Bách Khoa Hà Nội đều có ưu thế hơn.
Bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến phản biện, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: "Thứ hạng này không đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng sinh viên".
Theo TS Hưng, nhóm tiến hành nghiên cứu này là do nhận thấy các trường đại học ở Việt Nam yếu về tính cạnh tranh, thiếu động lực trong việc minh bạch thông tin, hội nhập quốc tế.
Ông chia sẻ quá trình nghiên cứu và đánh giá để xếp hạng gặp nhiều khó khăn như mô hình đại học không thống nhất, thiếu số liệu, số liệu không đồng nhất do sai số nhiều khi tra cứu ở các kênh khác nhau, nhiều số liệu không đáng tin cậy. Điều này dẫn đến công việc của nhóm bị kéo dài, đặc biệt ở việc tìm kiếm, sàng lọc số liệu.
TS Hưng hy vọng bảng xếp hạng sẽ tạo động lực cho các trường đại học ở Việt Nam thực hiện cải cách. Hơn nữa, ông hy vọng sang năm, nhóm nghiên cứu có thể tiến hành đánh giá trên từng lĩnh vực một cách cụ thể hơn.
Cơ sởgiáo dụcđại học | Điểmxếp hạng tổng thế | Vị trí xếp hạng | |||
Tổng thể | Nghiên cứu khoa học | Giáo dục và đào tạo | Cơ sở vật chất và quản trị | ||
ĐH Quốc gia Hà Nội | 85.3 | 1 | 2 | 1 | 1 |
ĐH Tôn Đức Thắng | 72.0 | 2 | 1 | 5 | 24 |
Học viện Nông nghiệp Việt Nam | 70.6 | 3 | 4 | 8 | 6 |
ĐH Đà Nẵng | 68.7 | 4 | 6 | 4 | 18 |
ĐH Quốc gia TP.HCM | 67.8 | 5 | 5 | 2 | 39 |
ĐH Cần Thơ | 64.6 | 6 | 12 | 6 | 3 |
ĐH Bách khoa Hà Nội | 64.1 | 7 | 7 | 11 | 25 |
ĐH Huế | 62.2 | 8 | 14 | 3 | 15 |
ĐH Duy Tân | 61.1 | 9 | 3 | 16 | 46 |
ĐH Sư phạm Hà Nội | 60.4 | 10 | 9 | 13 | 20 |
ĐH Quy Nhơn | 59.6 | 11 | 8 | 22 | 22 |
ĐH Mỏ - Địa chất | 57.8 | 12 | 15 | 10 | 26 |
ĐH Sư phạm Hà Nội 2 | 56.9 | 13 | 10 | 34 | 4 |
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM | 56.7 | 14 | 13 | 25 | 10 |
ĐH Lâm nghiệp | 56.4 | 15 | 17 | 17 | 9 |
ĐH Thủy lợi | 56.4 | 16 | 16 | 18 | 11 |
ĐH Thái Nguyên | 54.2 | 17 | 20 | 7 | 34 |
ĐH Y - Dược TP.HCM | 53.3 | 18 | 18 | 40 | 2 |
ĐH Xây dựng | 52.9 | 19 | 27 | 9 | 23 |
ĐH Y Hà Nội | 51.2 | 20 | 11 | 44 | 19 |
ĐH Vinh | 50.4 | 21 | 24 | 15 | 30 |
ĐH Công nghiệp Hà Nội | 50.2 | 22 | 19 | 23 | 37 |
ĐH Ngoại thương | 47.3 | 23 | 25 | 35 | 17 |
ĐH Công nghiệp TP.HCM | 46.1 | 24 | 21 | 20 | 48 |
ĐH Đà Lạt | 45.9 | 25 | 28 | 37 | 12 |
ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội | 45.7 | 26 | 26 | 12 | 49 |
ĐH Hàng hải | 45.1 | 27 | 37 | 24 | 7 |
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông | 44.1 | 28 | 23 | 28 | 45 |
ĐH Thương mại | 43.4 | 29 | 41 | 14 | 5 |
ĐH Kinh tế Quốc dân | 43.3 | 30 | 29 | 19 | 43 |
ĐH Kiến trúc TP.HCM | 41.4 | 31 | 33 | 43 | 13 |
Trường ĐH Luật TP.HCM | 41.3 | 32 | 34 | 45 | 8 |
ĐH Tây Nguyên | 40.6 | 33 | 32 | 29 | 36 |
ĐH Kiến trúc Hà Nội | 39.7 | 34 | 35 | 26 | 40 |
ĐH Dược Hà Nội | 39.6 | 35 | 22 | 48 | 27 |
ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM | 39.5 | 36 | 36 | 31 | 33 |
ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên | 39.0 | 37 | 31 | 32 | 42 |
ĐH Hoa Sen | 37.3 | 38 | 30 | 36 | 47 |
ĐH Hà Nội | 36.6 | 39 | 40 | 41 | 16 |
Học viện Tài chính | 36.0 | 40 | 44 | 27 | 14 |
ĐH Sư phạm TP.HCM | 35.8 | 41 | 38 | 38 | 32 |
ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội | 35.5 | 42 | 39 | 33 | 29 |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền | 29.7 | 43 | 49 | 21 | 31 |
ĐH Y - Dược Thái Bình | 27.4 | 44 | 48 | 30 | 28 |
Học viện Ngoại giao | 26.3 | 45 | 43 | 47 | 21 |
ĐH Luật Hà Nội | 24.4 | 46 | 46 | 39 | 44 |
Học viện Ngân hàng | 24.2 | 47 | 47 | 42 | 38 |
ĐH Văn hóa | 23.7 | 48 | 45 | 46 | 35 |
ĐH Y - Dược Hải Phòng | 23.2 | 49 | 42 | 49 | 41 |