Tháng 7/2017, Webometrics công bố bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Trong đợt đánh giá này, top 10 trường Việt Nam có sự thay đổi đáng kể.
ĐH Bách khoa Hà Nội soán ngôi
Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội xếp thứ nhất và vươn lên xếp thứ 1.099 trên thế giới. Như vậy, không chỉ cải thiện vị trí so với các trường trong nước, trường lên 665 hạng (từ 1.764 lên 1.099) trên bảng xếp hạng thế giới so với tháng một năm nay.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội tụt từ vị trí thứ nhất xuống thứ hai song vẫn lên hạng trên thế giới, từ 1.580 lên 1.505. ĐH Sư phạm Hà Nội vươn lên đứng thứ ba trong nước và lên thứ 2.361 trên thế giới.
Trong khi đó, ĐH Cần Thơ giữ nguyên thứ hạng trong nước so với hồi đầu năm nhưng lại tụt từ vị trí thứ 2.281 xuống vị trí 2.578 trên thế giới.
Vị trí của ĐH Quốc gia TP.HCM không xê dịch nhiều, từ thứ 6 lên thứ 5. Trường này cũng lên hạng đáng kể trên bảng xếp hạng thế giới, tăng 84 hạng.
Theo bảng xếp hạng Webometrics đưa ra hồi tháng một, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 3 ở nước ta. Song sau 6 tháng, trường tụt xuống vị trí thứ 6. Thứ hạng trên thế giới cũng giảm mạnh từ 2.070 xuống 2.678.
Đứng vị trí thứ 7 là ĐH Mỏ - Địa chất. So với các đại học trong nước, trường không thay đổi thứ hạng. Nhưng so với thế giới, trường rơi từ vị trí thứ 3.159 xuống vị trí 3.480.
Tương tự, ĐH Thái Nguyên giữ nguyên vị trí trong nước và tụt 321 hạng ở bảng xếp hạng thế giới.
Trong khi đó, ĐH Đà Nẵng và ĐH Y Hà Nội thay thế ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Nông Lâm TP.HCM, lần lượt xếp thứ 9, 10 trên bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam.
ĐH Đà Nẵng xếp thứ 3.643, ĐH Y Hà Nội xếp thứ 3.777 trên toàn thế giới.
ĐH Bách khoa TP.HCM rời top 10 đồng thời tụt từ thứ 3.550 xuống 4.132. Thứ hạng của ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng giảm mạnh từ thứ 3.576 xuống vị trí 4.083.
Sự thay đổi vị trí của 10 trường top đầu Việt Nam theo bảng xếp hạng của Webometrics. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Trong khối đại học ngoài công lập, ĐH Văn Lang vươn lên đứng thứ 1 (23 Việt Nam và 5524 thế giới), so với thứ 74 Việt Nam, 11.990 thế giới ở lần xếp hạng trước. Trong khi đó, ĐH FPT vẫn đứng thứ 2 trong khối trường ĐH ngoài công lập, tuy vậy ĐH này bị tụt nhẹ từ thứ 25 Việt Nam, 5335 thế giới xuống thứ 28 Việt Nam, 5982 thế giới.
Cơ hội cho trường top dưới
Như vậy, với bảng xếp hạng công bố đầu năm nay, thứ hạng của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng đáng kể. Sự thay đổi nhanh chóng này khiến một số người nghi ngờ tính chính xác trong việc đánh giá xếp hạng các trường ở nước ta.
Lý giải điều này, ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc), cho hay Webometrics vừa thay đổi một chút về trọng số, “có lẽ điều này dẫn đến việc Bách khoa tăng hạng”.
Cụ thể, trọng số của mức độ hiện diện (presence) giảm từ 10% xuống 5%, trong khi trọng số của kết quả nghiên cứu xuất sắc (excellence) tăng từ 30% lên 35%.
Theo ông Hiệp, việc tăng trọng số nghiên cứu khoa học giúp ĐH Bách khoa và một số trường khác “hưởng lợi” nhưng việc tang này cũng hợp lý vì chất lượng nghiên cứu rõ ràng cần được ưu tiên.
Ngoài ra, chỉ số Impact của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tăng đáng kể, từ vị trí 3.458 lên 540. Chỉ số này chiếm 50%, góp phần quan trọng giúp Bách khoa lên hạng trong bảng xếp hạng tháng 7/2017.
Ông nói thêm bảng xếp hạng Webometrics vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia nước ta, một số người không đánh giá cao và cho rằng nó chỉ căn cứ vào số lượng website của trường. Tuy nhiên, sau khoảng 10 năm quan sát, ông Hiệp nhận thấy xếp hạng Webometrics có một số điểm hay và đáng chú ý.
Thứ nhất, bảng xếp hạng này có độ phủ lớn, lên tới hơn hơn 20.000 trường đại học, phản ánh đúng xu hướng đại chúng hoá giáo dục đại học trong thời đại ngày nay, thay vì chỉ tập trung vài trăm trường đại học tinh hoa. Riêng với Việt Nam, Webometrics xếp hạng khoảng hơn 120 trường ở nước ta. Đây là điều không thể tìm được ở các bảng xếp hạng khác.
Thứ hai, họ chủ yếu dựa vào dữ liệu online và kết quả nghiên cứu của trường. Nhưng họ cũng thay đổi liên tục, cải tiến liên tục để thang đo tốt hơn; đồng thời không chịu ảnh hưởng của yếu tố thương mại, chính trị như một số bảng xếp hạng khác.
Ông Hiệp cho rằng các trường đại học ở nước ta nên quan tâm đến Webometrics. Đây là công cụ tốt để các trường, đặc biệt là các trường thuộc top dưới của Việt Nam có thể hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, hai tiêu chí về mức độ hiện diện và mức độ ảnh hưởng cũng thúc đẩy các trường minh bạch và số hóa dữ liệu. Đây là việc hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung trong thời đại Cách mạng 4.0.
Webometrics là bảng xếp hạng học thuật các trường đại học lớn nhất thế giới được thực hiện bởi một đơn vị nghiên cứu cấp quốc gia của Tây Ban Nha từ năm 2004.
Mỗi năm 2 lần (tháng một và tháng 7), Webometrics đưa ra kết quả xếp hạng cho các trường đại học trên khắp thế giới dựa trên 4 chỉ số đánh giá các thông số của trang web của các cơ sở giáo dục: Mức độ xuất hiện (số lượng các website con tương ứng với website chủ của một trường), mức độ ảnh hưởng (số lượng backlink từ các website khác trở về website của trường đang xem xét), mức độ mở (số lượng trích dẫn các công trình khoa học trên nguồn dữ liệu Google Scholar) và sự xuất sắc (công trình khoa học công bố trên tạp chí thuộc danh mục Scopus).
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng bảng xếp hạng của Webometrics dựa trên những tiêu chí này chỉ mang tính chất tham khảo chứ không nói lên chất lượng đào tạo của các trường đại học.