Cụ thể, so với kỳ xếp hạng tháng 7/2016, 8 đại học từng lọt top 100 khu vực Đông Nam Á đều xuất hiện ở những vị trí thấp hơn rất nhiều.
Nhiều trường tụt hạng
Tuy vẫn dẫn đầu các trường đại học trong nước, ĐH Quốc gia Hà Nội tụt tới 411 hạng trong khu vực Đông Nam Á (từ 29 xuống 440) và 233 bậc tại bảng xếp hạng thế giới.
ĐH Bách Khoa Hà Nội vẫn bảo toàn vị trí thứ 2 tại Việt Nam, song từ hạng 49 tụt xuống vị trí 526 khu vực trong bảng xếp hạng mới. Tuy vậy, trường này tăng 74 thứ hạng thế giới.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã “soán ngôi” ĐH Cần Thơ, vươn lên vị trí thứ 3 trong nước. Ngôi trường này cũng tăng tới 444 bậc trên xếp hạng thế giới.
Vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng Việt Nam gọi tên ĐH Sư phạm Hà Nội. Trước đó, ĐH Mỏ địa chất (hiện tụt xuống bậc 7) giữ vị trí này.
Các cơ sở đào tạo như ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn có mặt trong top 10 trường đại học Việt Nam song vị trí xếp hạng thế giới đều giảm.
Ví dụ, ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ giảm một bậc ở Việt Nam, song đã tụt 54 bậc thế giới, ĐH Thái Nguyên cũng tụt 2 bậc trong nước và 7 bậc thế giới.
Đồ họa: Thu Thảo. |
Về phía các trường đại học tư thục, top 3 cả nước là ĐH Duy Tân, ĐH FPT và ĐH RMIT Việt Nam. Trong khi 2 trường còn lại đều tụt hạng thế giới, ĐH FPT (Hà Nội) tăng 1.440 bậc, cũng như 9 thứ hạng trong nước.
'Giậm chân tại chỗ' là rớt hạng
Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc), cho rằng việc các trường đại học của Việt Nam chưa tiếp cận chuẩn dữ liệu như Google Scholar - nơi lưu dữ liệu các bài báo, luận văn luận án, ấn phẩm khoa học, cùng các trích dẫn - đã dẫn đến sự tụt giảm này.
Bởi lẽ, Webometrics sử dụng dữ liệu từ công cụ này đối với chỉ số Mức độ mở (Openess). Tiêu chí đó được tính 10% trong cơ cấu điểm xếp hạng.
Ông Phạm Hiệp nhận định thêm: “Nhìn chung, các trường đại học có xu hướng đổi mới trong năm qua đã tăng hạng cả trong nước lẫn thế giới. Ngược lại, những cơ sở giáo dục đại học 'giậm chân tại chỗ’ hay đổi mới không nhiều có xu hướng tụt hạng so với kỳ tháng 7/2016”.
Đánh giá chung về bảng xếp hạng Webometrics, TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện đào tạo Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), từng cho rằng thứ hạng tại Webometrics chỉ cho thấy trang web của trường nào được nhiều lượt truy cập hơn chứ không liên quan trực tiếp chất lượng và uy tín của trường đại học đó. Do vậy, chúng ta không nên quá lo lắng về sự tụt hạng này.
Tuy nhiên, trong bài báo Webometrics: Từ xếp hạng website đến xếp hạng đại học, ông Phạm Hiệp từng nêu quan điểm ngược lại. Theo đó, mặc dù có mục đích ban đầu chỉ là bảng xếp hạng website đại học, qua thời gian, Webometrics cho thấy nó đã và đang hướng tới một bảng xếp hạng đại học thực thụ.
“Webometrics có một đặc điểm đậm chất giáo dục là độ phủ lên tới hơn 10.000 trường đại học, phản ánh đúng xu hướng đại chúng hoá giáo dục đại học trong thời đại ngày nay, thay vì chỉ tập trung vài trăm trường đại học tinh hoa. Đây là điều hầu hết bảng xếp hạng toàn cầu khác không làm được.
Bên cạnh đó, Webometrics luôn chủ trương theo đuổi mục tiêu công khai thông tin, trong đó bao gồm cả các tài liệu học thuật trên mạng để mọi người có thể truy cập dễ dàng.
Cuối cùng, không thể không kể đến việc liên tục cập nhật, cải tiến các chỉ số, quy trình đo lường, nguồn lấy dữ liệu của những người thực hiện Webometrics nhằm cung cấp một bảng xếp hạng tin cậy hơn, chính xác hơn”, ông Hiệp lập luận.
Top 10 trường đại học Việt Nam tại bảng xếp hạng Webometrics đợt một năm 2017. |
Webometrics là bảng xếp hạng học thuật các trường đại học lớn nhất thế giới được thực hiện bởi một đơn vị nghiên cứu cấp quốc gia của Tây Ban Nha từ năm 2004.
Mỗi năm 2 lần (tháng một và tháng 7), Webometrics đưa ra kết quả xếp hạng cho các trường đại học trên khắp thế giới dựa trên 4 chỉ số đánh giá các thông số của trang web của các cơ sở giáo dục.
(1) Mức độ xuất hiện (Presence): Số lượng các website con tương ứng với website chủ của một trường.
(2) Mức độ ảnh hưởng (Impact): Số lượng backlink từ các website khác trở về website của trường đang xem xét.
(3) Mức độ mở (Openess): Số lượng trích dẫn các công trình khoa học trên nguồn dữ liệu Google Scholar.
(4) Sự xuất sắc (Excellence): Dựa trên công trình khoa học công bố trên tạp chí thuộc danh mục Scopus.