Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo đảm bằng tiền để tại ngoại khác bảo lĩnh để tại ngoại thế nào?

Đọc báo gần đây tôi biết về 2 khái niệm: Đặt tiền bảo đảm để không bị tạm giam và bảo lĩnh để không bị tạm giam. Luật sư phân tích giúp 2 khái niệm này, nó khác nhau thế nào?

Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty Luật TNHH Hoàng Sa (Đoàn luật sư Hà Nội) trả lời độc giả Hồng Khánh (ở Hưng Yên) như sau:

Theo Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự: Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Theo Điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự: Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

Bao dam bang tien de tai ngoai anh 1
Luật sư Hoàng Trọng Giáp . Ảnh: Quang Anh.

- Điểm khác nhau cơ bản giữa bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm:

Bảo lĩnh và đặt tiền được quy định khá cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự. Riêng biện pháp đặt tiền để bảo đảm còn được hướng dẫn tại thông tư liên tịch năm 2013 về Hướng dẫn về việc đặt tiền để bảo đảm theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Tuy nhiên, việc đặt tiền để bảo đảm gần như chưa được áp dụng trong thực tiễn tố tụng cho đến nay.

Giữa bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm có sự khác nhau cơ bản:

- Bảo lĩnh là trường hợp do cá nhân, cơ quan, tổ chức khác thực hiện việc bảo lĩnh để cho bị can, bị cáo được tại ngoại. Còn đặt tiền là có thể do chính bị can, bị cáo đó bỏ tiền ra để đặt, hoặc người thân thích thứ ba nào đó bỏ tiền ra để đặt nhằm bảo đảm cho việc tại ngoại của bị can, bị cáo.

- Bảo lĩnh là sử dụng đến uy tín, nhân thân của cá nhân, cơ quan tổ chức đứng ra bảo lĩnh, còn đối với đặt tiền thì đây là biện pháp mang tính chất đánh vào vật chất của người đặt tiền, không mang nhiều tính chất uy tín, hay nhân thân quá nhiều.

Bộ Công an đang xin ý kiến góp ý của người dân liên quan đến "Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015". Dự thảo TTLT này khi được ban hành có hiệu lực sẽ thay thế TTLT ngày 14/11/2013.

Trong đó, Điều 5 của dự thảo quy định về “Mức tiền đặt để bảo đảm”, không có nhiều thay đổi so với thông tư cũ. Theo đó, mức tiền này không dưới:

- Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

- Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;

- Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.

Dự thảo mức đặt tiền bảo đảm để không bị tạm giam

Bị can, bị cáo phạm tội tùy mức độ có thể được các cơ quan chức năng xem xét cho đặt tiền bảo đảm để thay thế tạm giam, theo quy định tại điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.


Luật sư Hoàng Trọng Giáp

Bạn có thể quan tâm