Buổi tọa đàm là dịp để những người làm công tác tuyên giáo trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về những vấn đề của ngành. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết việc chọn ngành giáo dục vì đây là ngành nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm.
Buổi tọa đàm nhận được 10 ý kiến đề cập đến nhiều vấn đề nóng của GD&ĐT trong thời gian qua, đặc biệt là vấn đề đạo đức nhà giáo.
Cán bộ tuyên giáo của tỉnh Đồng Nai, khi phát biểu, đã thốt lên rằng: "Đạo đức nhà giáo đang xuống cấp một cách đáng báo động".
Dẫn ra những vụ bạo hành, ấu dâm hay những tiêu cực khác diễn ra trong thời gian gần đây, vị này đề nghị Bộ GD&ĐT cần có ngay giải pháp để chấn chỉnh, xây dựng đội ngũ nhà giáo đầy đủ năng lực chuyên môn và đạo đức, lối sống.
Cũng về đội ngũ nhà giáo, một đại diện khác nêu thực trạng sinh viên sư phạm ra trường không tìm được việc làm dẫn đến lãng phí nguồn lực. Vị này cho rằng chính tình trạng đào tạo sư phạm tràn lan không gắn với nhu cầu thực của ngành là nguyên nhân.
Vụ việc thầy giáo nhắn tin gạ tình nữ sinh ở trường THPT chuyên Thái Bình gây bức xúc dư luận thời gian qua. |
Nhiều đại biểu khác đặt vấn đề về an toàn thực phẩm trong trường học mà mới đây nhất là vụ hàng trăm học sinh mầm non ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn; vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, tình trạng thất nghiệp của sinh viên sau khi ra trường; chương trình - sách giáo khoa; tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và giải pháp cho kỳ thi 2019; chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0…
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng GD&ĐT, đã trao đổi về những vấn đề được tuyên giáo các tỉnh nêu.
Về kỳ thi THPT quốc gia 2019, ông cho biết năm nay, bộ tăng cường các khâu coi thi, giám sát chấm thi trắc nghiệm, tăng cường vai trò của các trường ĐH… là những giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong thi cử.
Đại diện tuyên giáo của tỉnh Vĩnh Long cho biết là cán bộ tuyên giáo nhưng nói con không nghe bởi cháu "nhất nhất" cô giáo mới đúng tuyệt đối. Nói điều đó ra để ông cho rằng vai trò của giáo viên là cực kỳ quan trọng, giáo viên chuẩn sẽ tốt cho nền giáo dục nhưng không chuẩn sẽ làm hỏng cả một thế hệ. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT cần phải xây dựng đội ngũ nhà giáo có chất lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết chuẩn nhà giáo cũng đã được bộ ban hành. Chuẩn đào tạo đã quy định nhưng đó chỉ là vấn đề bằng cấp, nghĩa là chuẩn trong con mắt của người dân; chuẩn nghề nghiệp mới là quan trọng vì đó là chuẩn trong lòng mọi người. Những vụ vi phạm đạo đức nhà giáo gần đây chỉ là số ít trong số hàng triệu giáo viên, không phản ánh tất cả nhưng đó là chuyện đau lòng mà ngành giáo dục cũng như xã hội không mong muốn.
Thứ trưởng Độ cũng thông tin Bộ GD&ĐT đang quy hoạch lại trường sư phạm và đào tạo theo nhu cầu của địa phương, chất lượng của đội ngũ từng bước được nâng cao hơn. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng cơ chế và chính sách tốt để ngành giáo dục thu hút được nhân tài.
Liên quan vấn đề chương trình phổ thông và việc thí điểm sách thực nghiệm hay VNEN, ông Độ khẳng định chương trình giáo dục phổ thông quy định chuẩn đầu ra của từng bậc học.
Sách thực nghiệm, sách VNEN hay tới đây là thêm nhiều bộ sách thì suy cho cùng cũng chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo.
Khi thực hiện chương trình mới, các bộ sách phải được thẩm định, đạt yêu cầu mới được đưa ra làm tài liệu giảng dạy.