Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Báo động trẻ hóa ung thư cổ tử cung

Nhiều bệnh viện điều trị ung thư lớn tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận độ tuổi bị ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ, hy hữu có cả ca mới 14 tuổi.

Ung thư cổ tử cung (CTC) là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ. Năm 2018, Việt Nam ghi nhận gần 4.200 ca mắc mới và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.

Chưa quan hệ tình dục cũng ung thư cổ tử cung

Mới đây, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 14 tuổi, bị ung thư CTC giai đoạn cuối. Đó là bệnh nhi N.T.B. (ngụ tỉnh Kiên Giang), được chuyển đến từ BV Từ Dũ trong tình trạng đang có kinh nguyệt lần đầu tiên và kéo dài 2 tuần, da xanh xao, đau bụng nhiều.

Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1 BV Ung Bướu TP.HCM - y văn Việt Nam chưa từng ghi nhận trường hợp ung thư CTC dưới 16 tuổi.

Khi nhập viện, khối bướu lớn trong CTC của bệnh nhi đã ăn lên thân tử cung, xâm lấn lan ra ngoài những cơ quan vùng chậu, xâm lấn trực tràng, hậu môn, niệu quản, thận ứ nước, nhiều khối hạch dọc theo diễn tiến đường đi của ung thư CTC. Do vậy, các BS không thể phẫu thuật vì những khối u đang lan ra nhiều cơ quan.

Sau từ 4-6 đợt hóa trị, xạ trị kết hợp, các BS sẽ đánh giá lại có khả năng phẫu thuật hay không. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đẩy một liều tia xạ và hóa chất vào cơ thể đang độ tuổi dậy thì rất khó khăn.

tre hoa ung thu co tu cung anh 1
Bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TP HCM thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Trịnh Thiệp.

Tại BV K trung ương, BS Chu Hoàng Hạnh, khoa Khám bệnh, từng điều trị cho một nữ sinh viên 19 tuổi. Khi phát hiện bị ung thư CTC, bệnh nhân sốc vô cùng vì cô chưa từng quan hệ tình dục và cũng chưa bao giờ đi khám phụ khoa. Trong một lần kiểm tra vùng kín vì viêm nhiễm, BS cho cô làm thêm các xét nghiệm thì bất ngờ phát hiện bệnh.

"Mặc dù phát hiện bệnh không muộn nhưng do thể bệnh của ung thư CTC ở bệnh nhân là ung thư mô tuyến, bệnh không đáp ứng với tia xạ nên cô gái trẻ này đã tử vong sau hơn 1 năm chiến đấu với bệnh tật", bác sĩ Hạnh nói.

Hiện mỗi tuần, khoa Ngoại I BV Ung Bướu TP.HCM tiếp nhận từ 60-70 ca ung thư phụ khoa, trong đó ung thư buồng trứng và ung thư CTC mỗi tuần chiếm khoảng 20 ca.

Theo BS Nguyễn Văn Tiến, ung thư CTC ở người trẻ tuổi có xu hướng tăng nhanh. Trong một tuần, BV tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân dưới 20 tuổi, 5 trường hợp bệnh nhân dưới 25 tuổi. Đáng chú ý, hầu hết trường hợp trên đều phát hiện và điều trị khi quá trễ.

Tầm soát, khám phụ khoa định kỳ

BS Phạm Thành Luân - Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị ung bướu, BV Quân y 175 - cũng nhận định độ tuổi mắc ung thư CTC ở nữ giới ngày càng trẻ. Trước đây, phụ nữ mắc ung thư CTC khoảng 55 tuổi thì nay chưa quá 20 tuổi đã bị ung thư CTC giai đoạn nặng.

Sai lầm của nhiều bệnh nhân ở chỗ cứ nghĩ mình còn trẻ, không thể mắc bệnh ung thư nên khi xuất hiện triệu chứng bệnh, họ cho rằng chỉ mắc bệnh lý thông thường và tự ý mua thuốc uống. Đến khi bệnh trở nặng nhập viện thì đã muộn.

BS Tiến cho biết các chuyên gia y tế đã tìm ra nguyên nhân trên 95% ca ung thư CTC do nhiễm virus HPV (HPV chủ yếu lây truyền do quan hệ tình dục không an toàn).

Một số trường hợp chưa quan hệ tình dục nhưng vẫn bị phơi nhiễm HPV do tiếp xúc với virus hoặc lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ, đột biến gien hoặc không xác định được nguyên nhân.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, giống như các bệnh ung thư, ung thư CTC nếu phát hiện kịp thời và điều trị sớm, hơn 90% người có thể được chữa khỏi. Nhưng vì bệnh ít dấu hiệu nên người bệnh phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Lúc này, bệnh nhân đã có các dấu hiệu như: ra khí hư âm đạo có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu, ra máu âm đạo bất thường; ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục, đau tức vùng bụng dưới, đi tiểu, đi ngoài ra máu…

BS Hạnh khuyến cáo phụ nữ đã quan hệ tình dục nên chủ động tầm soát, phát hiện sớm ung thư CTC. Với trường hợp sàng lọc, bệnh nhân sẽ được chỉ định khám phụ khoa; soi CTC, thực hiện xét nghiệm tế bào (Pap smear) và HPV. Chi phí sàng lọc vào khoảng 2 triệu đồng. Nếu không có tổn thương hoặc HPV thì có thể 2-3 năm bệnh nhân mới cần xét nghiệm lại.

Hiện nay, tiêm vắc-xin HPV là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh nhưng vắc-xin cũng chỉ ngừa được 4 chủng virus, trong đó có 2 chủng virus cực độc là chủng 16 và 18.

Nếu nhiễm 2 chủng này, nguy cơ bị ung thư CTC sẽ rất lớn. Cũng cần lưu ý, kể cả khi đã tiêm vắc-xin vẫn cần khám, tầm soát ung thư định kỳ sau khi đã có quan hệ tình dục.

Ung thư có thật sự đáng sợ?

Ung thư ảnh hưởng mọi người, là gánh nặng lớn cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.


https://nld.com.vn/suc-khoe/bao-dong-tre-hoa-ung-thu-co-tu-cung-20190508231015987.htm

Theo Trịnh Thiệp - Ngọc Dung/ Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm