Hai năm trở lại đây, thu nhập của Phụng Nguyễn (25 tuổi, làm việc trong ngành truyền thông) gói gọn trong hai chữ “bấp bênh”. Không tìm được việc mới cố định trong thời gian dịch bệnh, nguồn thu nhập chính của Phụng đến từ các công việc freelancer.
“Tháng nào 'đói job' hoặc khách hàng thanh toán trễ, thu nhập của mình có khi bằng 0, phải lấy tiền dự phòng của những tháng khác bù vào để chi tiêu”, Phụng kể với Zing.
Sinh hoạt phí hàng tháng của Phụng rơi vào khoảng 6 triệu đồng, chiếm 60-70% thu nhập cá nhân. Giống nhiều người thuê nhà ở Hà Nội, tiền nhà trọ và tiền ăn uống tốn nhiều nhất trong các khoản.
“Ở một mình trên thành phố lớn, mọi nhu cầu sinh hoạt nhỏ nhất như mua nước rửa bát, giấy vệ sinh đều do tự mình chi trả, khác với ở nhà có bố mẹ lo cho tiền ăn uống, điện nước”.
Tương tự cô gái 25 tuổi, nhiều người trẻ đang sống và làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khó cân đối chi tiêu khi giá cả đồng loạt lên cao.
Chi phí tăng nhưng thu nhập không đổi, họ phải cắt giảm nhu cầu cá nhân và gần như không thể có khoản tiết kiệm. Không ít người cảm thấy áp lực khi không còn có tiền để gửi về quê, hỗ trợ gia đình trong thời bão giá.
Giá xăng và hàng loạt mặt hàng tăng cao khiến nhiều người sống ở TP.HCM càng khó khăn. Ảnh: Chí Hùng. |
Áp lực cạn tiền, vay nợ
Với số tiền kiếm được, Phụng cho biết chỉ đủ tiêu xài cho bản thân, không đủ gửi về hỗ trợ cho gia đình dưới quê.
"Nếu ‘thắt lưng buộc bụng’ hết mức, không đi chơi ngoài, mỗi tháng mình có thể để ra 1-2 triệu đồng phòng hờ những lúc cần kíp. Nhưng vốn tính quảng giao, mình thích tụ tập bạn bè, chưa kể không thể từ chối đi chơi với người yêu".
Tháng 3 vừa qua là thời điểm bí tiền nhất, trong người P. còn đúng 800.000 đồng.
Phụng Nguyễn nhiễm Covid-19 đúng thời điểm khó khăn vì cạn tiền. Ảnh: NVCC. |
“Khi số tiền tiết kiệm cạn dần, mình buộc phải tìm kiếm công việc mới có mức lương ổn định hàng tháng rồi tiến tới cân bằng chi tiêu. Nhưng mới đi làm 2 tuần, mình lại không may dính Covid-19, phải chuyển qua làm việc tại nhà. Một lần nữa, mình lo ngại thu nhập lại ảnh hưởng theo vì sức khỏe yếu”, cô nói.
Để có tiền mua thuốc và kit test, Phụng phải vay bạn bè và bố mẹ mỗi người một ít. Trước đó, cô vẫn còn một khoản nợ gần 10 triệu đồng tiền mua điện thoại mới vào năm ngoái và vẫn đang trả dần.
“Đợi khỏi bệnh, chắc chắn mình lại lao vào làm việc, nếu không sẽ không có tiền trả nợ mất”, Phụng bày tỏ.
Thời gian qua là những tháng khó khăn nhất trong gần 7 năm Phụng lên thành phố sinh sống, khi cô phải tiêu đến những đồng tiền cuối cùng.
"Song, mình lại là đứa khá lạc quan, dù không tránh khỏi những lúc stress. Hai năm vừa rồi đã giúp mình học cách xoay xở khi ví tiền eo hẹp. Ngoài ra, mình cũng cố làm thêm vài công việc bên lề khác, dù thu nhập không nhiều”, cô nói thêm.
Tương tự, T.N.D. (25 tuổi, tư vấn tuyển sinh cho công ty công nghệ) cho biết mức thu nhập rơi vào khoảng 10-12 triệu mỗi tháng chỉ đủ sống và chi tiêu những chi phí cơ bản ở thành phố lớn như Hà Nội.
“Mình ít khi dành được tiền gửi về cho bố mẹ, chỉ Tết mới có”, D. kể.
Với mức thu nhập không đổi trong khi giá cả ngày càng tăng, nhiều người không thể có khoản tiết kiệm. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo D., lý do cô khó dành dụm nằm ở thói quen chi tiêu khá thoáng, đồng thời thu nhập chỉ ở mức trung bình.
“Sống ở thành phố lớn, mình thấy có quá nhiều thứ cần chi tiêu. Ngoài những khoản mặc định hàng tháng như tiền thuê nhà, xăng xe, tiền đi chợ, chi phí cho đời sống tinh thần như gặp gỡ bạn bè, shopping quần áo cho bản thân cũng không thể cắt bỏ, chưa kể những khoản phát sinh như cưới hỏi”, D. giải thích.
Theo D., tâm trạng dễ bị ảnh hưởng theo tình trạng của ví tiền. Thỉnh thoảng, cô phải vay tạm bạn bè, người thân trong thời gian ngắn để chi trả.
“Khi tiền nong ít ỏi, không thể chi tiêu thoải mái, mình dễ cáu gắt, có những suy nghĩ tiêu cực. Bản thân cũng từng trải qua thời gian bị khủng hoảng, cảm thấy nặng nề khi không có tiền trong tay lúc chuyển việc mới, cộng với áp lực đồng trang lứa từ những người xung quanh”, D. chia sẻ.
Những tháng vừa qua, khi vật giá liên tục leo thang, D. phải cắt bớt những khoản không thiết yếu.
Những buổi ăn liên hoan ngoài hàng vơi dần. Hết giờ làm về nhà tự nấu nướng. Hạn chế mua sắm online trên sàn thương mại điện tử. Đi tập thể dục cho đỡ tốn kém và đầu óc thư thái.
“Đồng lương không đổi, mình buộc phải cân đo đong đếm lại và chỉ chi tiêu cho những thứ thật sự cần thiết. Dịch bệnh kéo dài, mình có ý thức hơn về việc có khoản dự trù để dành cho sức khỏe hoặc khi có việc đột xuất. Tuy nhiên, hiện tại các chi phí xăng gas, thực phẩm đều tăng, việc tiết kiệm vì vậy cũng khó khăn hơn”.
Cắt nhu cầu, bỏ bớt thói quen
Trịnh Nguyễn Quang Vũ (25 tuổi, sản xuất nội dung và tin tức) đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM. Vì tính chất công việc nên anh buộc phải chuyển ra ở một mình.
Ban đầu, Vũ thuê trọ ở khu vực quận vùng ven là quận Gò Vấp, cách quận 1 nơi anh làm việc khoảng 10 km. Giá thuê vừa phải, trong khả năng chi trả của anh.
Sống xa nơi làm mất khá nhiều thời gian đi lại và phí xăng xe, nên cuối cùng anh chọn chuyển ra gần trung tâm ở quận Bình Thạnh, chấp nhận thuê giá cao nhưng đỡ tiền xăng.
Quang Vũ phải cắt giảm nhiều nhu cầu, bớt mua sắm để tiết kiệm tiền. Ảnh: NVCC. |
“Tuy nhiên, giá xăng tăng chóng mặt thời gian gần đây khiến mình chẳng thể bù qua sớt lại được đồng nào cho hai khoản là tiền trọ và tiền đi lại, ngược lại còn phải bù thêm. Điều này khiến mình rất bối rối và đang mất cân bằng trong chi tiêu hàng ngày. Muốn tìm nhà trọ giá rẻ hơn để giảm bớt chi phí nhưng lại sợ bỏ nhà đang ở sẽ không kiếm được nhà mới tốt hơn”, Vũ nói với Zing.
Trung bình tiền sinh hoạt hàng tháng của anh chàng 25 tuổi rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng, trong đó chi phí thuê trọ chiếm nhiều nhất.
“Mỗi tháng mình đều tiết kiệm ra một khoản nhỏ để đợi tới lúc về quê sẽ mang về cho bố mẹ. Dù bố mẹ không tạo áp lực, mình tự cảm thấy đã đến lúc bản thân phải có trách nhiệm chuyện này, sau khi đã đi làm một thời gian. Với tình hình hiện tại, muốn tiết kiệm sẽ khó khăn hơn”.
Vũ tự nhận bản thân là người không có kế hoạch chi tiêu rõ ràng song cũng không quá phung phí vào các mục đích không quan trọng. Anh đã tự cắt giảm một số nhu cầu cá nhân mới có thể cân đối chi tiêu và có khoản tiết kiệm.
“Chẳng hạn, trước đây mình chọn cách đặt đồ ăn trên app giao đồ ăn cho tiện, nhưng hiện tại mình chọn tự nấu ăn. Bây giờ các app đã có chính sách điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng đi lên vì xăng tăng, giá đồ ăn cũng tăng”.
Hoàng Long giữ mức chi tiêu phù hợp với thu nhập để không rơi vào cảnh vay nợ. Ảnh: NVCC. |
Công việc cho phép anh linh động không gian làm việc. Nếu trước đây Vũ thường ra quán cà phê thì nay anh chọn ngồi ở nhà, tự pha cà phê để đỡ tốn kém.
“Trước đây, mình đi cà phê 7 ngày/tuần, một ngày sẽ gọi 2 ly nước. Bây giờ mình cắt giảm xuống còn 2 ngày/tuần, 1 ly/ngày. Mình cũng hạn chế đi shopping, chủ động xóa các app mua sắm để bỏ tật đặt hàng tùy hứng”.
Hoàng Long (24 tuổi) là nhân viên quán cà phê tại quận 2, TP.HCM và sống tại quận Phú Nhuận cùng 3 chị em gái.
Với mức thu nhập khá và có cách chi tiêu tiết kiệm nên Long không gặp nhiều khó khăn khi vật giá leo thang.
“Chỗ làm không quá xa nên mình đỡ tiền xăng xe. Một tháng, tiền sinh hoạt của mình là khoảng 5 triệu đồng. Mức thu nhập luôn cao hơn mức chi tiêu. Mình đã bắt đầu thói quen tiết kiệm trong 2 năm qua, mỗi tháng để ra 1 triệu đồng, dùng trong trường hợp đặc biệt”.
Hiện tại, Long không áp lực nhiều vì chỉ cần lo cho bản thân và không cần xin tiền từ bố mẹ nữa. Ít khi tiêu tiền tùy hứng, luôn biết mình cần gì và nhìn vào hầu bao để chi tiêu nên Long không vay mượn từ người khác.