Nhiều tháng nay, dù cơ quan đã có “lệnh” làm việc trực tiếp nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hoài (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) vẫn chưa gửi được con để đi làm. Cả gia đình chị Hoài sinh hoạt trong căn nhà chưa đến 30 mét vuông nằm sâu trong ngõ, con không có không gian chơi. Do đó, buổi sáng con thường ngủ đến 8-9 giờ mới dậy, uể oải ăn sáng rồi xem TV.
Phải ở nhà quá nhiều ngày, hạn chế tiếp xúc sẽ ảnh hưởng sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. Ảnh: Tiền Phong. |
Mệt mỏi cả mẹ lẫn con
Chị Hoài quy định mỗi ngày con chỉ được xem 1 giờ, nhưng do không có bạn chơi, xem hết giờ con lại mè nheo, khóc lóc để được xem tiếp. Chị từng định gửi con đến nhóm trông trẻ gần nhà nhưng khi đến thấy nhà cửa bừa bộn, lại có cầu thang không an toàn nên đành cho con ở nhà.
“Căng thẳng, mệt mỏi cả mẹ lẫn con. Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, chỉ mong trường mở cửa để con đi học”, chị Hoài nói.
Nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào tình cảnh phải xoay xở đủ đường để đi làm, khi con vẫn chưa được đến trường. Một số phụ huynh cho biết, họ đành gửi con cho hàng xóm hoặc “nhốt” trong nhà.
Anh Nguyễn Minh Quốc (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh sáng đi làm, nấu cơm để sẵn cho hai con, một 7 tuổi, một 5 tuổi, tự trông nhau. Thỉnh thoảng, anh chị thay nhau về giờ trưa ăn cơm với con.
“Mỗi lần về nhà đều thấy hai chị em mở TV xem. Dù biết không tốt nhưng đành để con xem vì nếu không con buồn chán lại nghịch trò khác nguy hiểm”, anh Quốc nói.
Trong khi đó, một số phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm, thời gian này, nhiều giáo viên trường mầm non tư thục mất việc, sẵn sàng đến nhà dạy trẻ theo giờ hoặc làm việc toàn thời gian.
“Dù không được tiếp xúc với bạn bè nhưng từ ngày có giáo viên đến nhà, con được dạy đọc thơ, dạy vẽ, dạy hát múa, chơi trò chơi…, con hào hứng, vui tươi và giảm thời gian xem TV”, chị Trần Thị Thu Huyền (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Chưa có phương án cho trẻ tới trường
Bà Vũ Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng trường Mầm non Linh Đàm (Hà Nội), cho biết trẻ mầm non nghỉ học từ cuối tháng 4 đến nay, nhà trường rất sốt ruột, chờ đợi ngày được đón trẻ tựu trường, nhưng phải chờ quyết định của thành phố.
Theo bà Ánh, trẻ trong độ tuổi phát triển rất cần sự giao lưu, tương tác để phát triển ngôn ngữ, nhận biết thế giới xung quanh. Nhiều tháng nay nghỉ dịch, trẻ bị bó hẹp trong không gian của gia đình, hạn chế tiếp xúc nên khó phát triển toàn diện. Chưa kể, nhiều gia đình đi làm, để con làm bạn với TV, iPad, điện thoại… ảnh hưởng đến mắt và trẻ dễ thu mình, ngại giao tiếp.
Về phía nhà trường, hàng tuần giáo viên vẫn gửi kế hoạch hoạt động, mỗi tuần một lần cô trò gặp nhau qua ứng dụng Zoom để trò không quên cô, quên bạn, nhưng không phải 100% trẻ tương tác.
Ngày 2/12, Sở GD&ĐT TP.HCM có hướng dẫn mở cửa các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy học trực tiếp đối các địa phương có dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; dạy trực tuyến đối với vùng có mức độ dịch cấp độ 3, cấp độ 4. Thành phố cho 100% trẻ mầm non tới trường nhưng không tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường; không tổ chức dịch vụ ăn sáng; hạn chế một số hoạt động ngoại khóa như bơi, vẽ, võ, thể dục nhịp điệu…
Bà Ánh cho biết nhà trường cũng có những cuộc họp đẫm nước mắt để bàn về chuyện đi hay ở của giáo viên trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Trường thuộc mô hình tự chủ, các chính sách hỗ trợ không “chạm” đến ngoài bảo hiểm thất nghiệp. Không có nguồn thu, nhiều tháng, nhà trường vẫn cố gắng trả lương cơ bản cho giáo viên nhưng đến nay đã cạn kiệt nguồn lực.
“Mình rất muốn giữ người nhưng không có tiền. Hiệu trưởng chấp nhận giảm tối đa lương để có thêm đồng nào chi cho giáo viên hay đồng đó”, bà Ánh nói.
Bà Hoàng Thị Phương Thu, Hiệu trưởng trường Mầm non Trăng Sáng Linh Đàm (Hà Nội), nói rằng từ ngày trẻ không được tới trường, các trường mầm non tư thục mất nguồn thu, giáo viên không có lương. Nhiều giáo viên viết đơn xin nghỉ việc để về quê làm công việc khác, nhiều người đi làm đủ nghề như giao hàng, giúp việc…
Trẻ ở nhà lâu ngày, bị hạn chế hoạt động cũng như giao tiếp nên sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Bố mẹ đi làm, không có nhiều thời gian quan tâm, tương tác nên đây là thiệt thòi rất lớn cho các con”, bà Thu nói.
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết Hà Nội chưa có kế hoạch cho trẻ tới trường. Trước mắt, Hà Nội ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT, THCS để các em được tới trường.
“Riêng mầm non, ngành chưa có kiến nghị về việc cho trẻ đi học vì trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay vẫn phải ưu tiên đảm bảo sự an toàn”, bà Hương nói.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng thông tin sau thời gian học trực tuyến, thành phố có kế hoạch cho học sinh THPT, THCS tới trường trước rồi mới đến bậc tiểu học và mầm non.
“Dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, giáo dục chịu ảnh hưởng rất nặng nề và nghiêm trọng. Quan điểm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng là đặt an toàn của học sinh lên hàng đầu, giáo dục có thể sẽ chậm lại một chút, khi trẻ được đến trường sẽ có các giải pháp bù đắp kiến thức, hoạt động cho các em”, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng nói.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đã có cách làm linh hoạt để khi học sinh, trẻ mầm non đều được tới trường như Phú Thọ, Quảng Nam, Hà Tĩnh…
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, tỉnh trải qua hai đợt dịch, học sinh đang kết hợp học trực tuyến và trực tiếp.
Tuy nhiên, quan điểm của ngành là vừa phải đảm bảo an toàn vừa linh hoạt dạy học đến từng trường, kể cả bậc mầm non; nơi nào có F0, học sinh toàn trường nghỉ học, nơi nào an toàn, thầy trò dạy học bình thường.
“Do đó, hiện nay đa số các trường từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT của địa phương đang học trực tiếp. Tinh thần linh hoạt đến từng trường là thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”, ông Quốc Anh nói.