Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trẻ được tiêm vaccine, phụ huynh mong con sớm được đến trường

Không chỉ học sinh mong đến trường, phụ huynh cũng hy vọng con sớm ngày tới lớp, được giáo viên tận tình chỉ bảo, chăm lo về cả kiến thức, sức khỏe thể chất và tinh thần.

6h30 ngày 23/11, cô Ngô Thị Thành, Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), cùng giáo viên, nhân viên có mặt ở trường để chuẩn bị cho buổi tiêm vaccine đầu tiên của học sinh. Mỗi người được phân công nhiệm vụ cụ thể.

“Tôi vừa được gặp lại học trò sau thời gian dài. Đây là điều mong mỏi từ lâu của tất cả thầy cô. Chúng tôi rất mừng, mong muốn các con được tiêm để trở lại lớp”, cô Thành chia sẻ.

Tre duoc tiem vaccine anh 1

Sáng 23/11, Hà Nội bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 15-17 tuổi. Ảnh: N.S.

Mong trẻ tiêm xong sẽ được đến trường

Sau khi kiểm tra thân nhiệt tại cổng, học sinh và phụ huynh di chuyển theo hướng dẫn để đến phòng, điền thông tin cá nhân. Theo quy định, tất cả trẻ em phải có người lớn đi cùng.

Khánh Linh (lớp 12) cho biết em không sợ và mong đợi được tiêm vaccine phòng Covid-19. Dù tự đánh giá việc học online của bản thân đảm bảo, nữ sinh vẫn mong sớm đến lớp, đặc biệt đây lại là năm cuối em học ở trường.

Trong khi đó, tâm trạng của Mỹ Anh (lớp 12) có phần phức tạp hơn. Em vừa lo lắng cho việc tiêm chủng, vừa mong ngóng được gặp bạn bè, “trò chuyện trên trời dưới biển”, bù lại thời gian dài chỉ thấy nhau qua màn hình.

Nữ sinh cho hay mấy tháng qua, nhờ thầy cô tận tâm, em hiểu bài song việc học online cũng có khó khăn khi đường truyền kém, gây gián đoạn. Bên cạnh đó, với phương thức trực tuyến, giáo viên không thể giảng giải tất cả bài khó mà học sinh chưa hiểu. Vì vậy, nữ sinh mong sớm đến trường để có thể hỏi, nhờ cô giảng thêm vào cuối giờ học.

“Em còn bị đau lưng, mỏi mắt vì học từ sáng đến chiều, thời gian ngồi trước máy tính lớn. Thỉnh thoảng, em thấy buồn vì nhớ bạn bè quá, chỉ có thể nhắn tin gọi điện. Em muốn ôm bạn bè, trò chuyện, cà phê cũng khó vì dịch bệnh”, Mỹ Anh tâm sự.

Sáng 23/11, cô Bùi Hồng Tuyến cùng con trai Lê Việt Anh (lớp 11) đến tiêm phòng với tâm trạng phấn khởi. Cô Tuyến cho hay khi mới nhận thông tin sẽ tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, gia đình cô lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều, người bảo tiêm được, người lại nói không đảm bảo đối với trẻ dưới 18 tuổi.

“Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin, chúng tôi yên tâm hơn. Gia đình hỏi ý kiến con, con bảo tiêm thôi để còn đến trường. Con cũng mong ngóng ngày trở lại lớp”, cô Tuyến nói.

Theo cô, thời gian qua, trường THPT Phan Huy Chú thực hiện tốt việc dạy học online, thầy cô đưa ra điều chỉnh để phù hợp tình hình. Con phần nào đảm bảo kiến thức. Dù vậy, mẹ con cô cho rằng đến trường vẫn tốt hơn vì con được gặp gỡ bạn bè, thầy cô, tận tình chỉ bảo, có thêm hoạt động ngoài trời để đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần.

Cô quan niệm cần xác định tâm lý sống chung với dịch. Việc tiêm chủng đã được triển khai trên toàn quốc. Hà Nội gần như phủ hết mũi 2 cho người trong độ tuổi quy định. Đến nay, trẻ 12-17 tuổi cũng được tiêm vaccine. Do đó, gia đình cô kỳ vọng và sẵn sàng cho con đi học.

Tre duoc tiem vaccine anh 2

Khánh Linh mong sau khi tiêm, tình hình dịch ổn định, em sớm được đến trường. Ảnh: N.S.

Giao con cho giáo viên, phụ huynh yên tâm hơn

Đây cũng là mong muốn của ông Trịnh Xuân Liền (phụ huynh em Trịnh Hải Yến, học sinh lớp 12), đặc biệt khi con lớn học cuối cấp còn con nhỏ mới lên lớp 6, ý thức tự giác học chưa tốt. Ông đánh giá chất lượng học trực tuyến chưa tốt.

Ông cho hay học online, con không chủ động như khi học với cô. Không có bố mẹ quản lý, trẻ tự do, dẫn đến nhiều việc phát sinh. Ở trường, con sinh hoạt theo giờ giấc. Nhưng ở nhà, con tùy tiện hơn, nếu không có ý thức, con tìm mọi lý do như đi vệ sinh, tìm đồ ăn uống, ảnh hưởng đến việc học.

Tiếp đó, thiếu sự giám sát của giáo viên, trẻ lơ là bài nghe giảng, nội dung giáo viên giảng, con không kịp chép bài là bỏ qua luôn.

Bên cạnh đó, trong thời gian học trực tuyến, con gần như ngồi trong phòng riêng, ở yên một chỗ, không vận động dẫn đến sức ì lớn, tăng cân.

Ông Liền kể thời gian đầu con mới học trực tuyến rất gian nan khi không có người lớn chăm lo nhiều.

Do tính chất công việc, mấy tháng trời không về nhà, mọi công việc gia đình đổ dồn lên vợ ông trong khi bà cũng phải công tác. Gia đình không có ông bà hỗ trợ. Hai chị em phải tự lo nên việc đảm bảo ăn uống khó khăn khi gần 12h, con mới học xong buổi sáng, buổi chiều lại vào học từ 13h30. Đến nay, công việc của hai vợ chồng đỡ hơn mới giúp được con phần nào.

Không chỉ chịu ảnh hưởng thể chất, việc học tại nhà cũng tác động đến tâm lý trẻ. Theo ông Trịnh Xuân Liền, con không được tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè, khiến giảm hoặc mất đi sự linh hoạt của tuổi trẻ, tư tưởng bị gò bó, khả năng giao tiếp chịu hạn chế.

Chưa kể đến, giao máy tính, điện thoại cho con mà người lớn không ở bên, ông Liền còn lo lắng con sử dụng không đúng mục đích. Vợ chồng ông đã chặn hết các trang không phục vụ việc học, mạng xã hội chỉ có Zalo để con trao đổi bài với bạn.

Tuy nhiên, con vẫn mở cửa sổ chat, nói chuyện riêng trong giờ học. Ông còn lo nếu ai đó gửi hình ảnh không tốt cho con, phụ huynh cũng không kiểm soát được.

Vì thế, ông mong ngóng sau khi thành phố tiêm vaccine cho trẻ, con sẽ được đến trường học trực tiếp.

“Giao con cho giáo viên, chúng tôi yên tâm hơn. Con thường nghe lời cô hơn bố mẹ. Giáo viên lại có nghiệp vụ, biện pháp, thường xuyên tiếp xúc học trò nhiều lứa tuổi, nắm rõ tâm lý các con. Bố mẹ kèm từ lớp 1 đến 12, khó thay đổi tư tưởng khiến con cảm thấy bị áp đặt. Khả năng giải thích cho con hiểu của phụ huynh lại không bằng thầy cô”, ông Liền phân tích.

Ông cũng tin tưởng khi trẻ đã tiêm vaccine, chỉ cần con có ý thức phòng, chống dịch cùng với việc nhà trường, gia đình phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn cho trẻ, học sinh có thể đến lớp học.

Ông mong trường sẽ thực hiện biện pháp đồng bộ vì nếu có 1, 2 ca nhiễm hoặc liên quan người mắc Covid-19 lại đóng cửa tất cả trường sẽ rất bất cập.

“Tôi ủng hộ phương án khoanh vùng hẹp thay vì cho học sinh toàn trường nghỉ học. Chúng ta cần sống chung với dịch. Dịch bệnh không ai mong muốn nhưng nếu cứ khoanh hết, giãn cách, mọi thứ sẽ trì trệ, đặc biệt với những con đứng trước kỳ thi lớn”, phụ huynh này nêu quan điểm.

Tre duoc tiem vaccine anh 3

Việc tiêm chủng cho học sinh diễn ra trước sự chứng kiến của phụ huynh. Ảnh: N.S.

Nhà trường sẵn sàng đón học sinh

Không chỉ phụ huynh, học sinh mong mỏi ngày trường học mở cửa trở lại, các nhà giáo dục cũng hy vọng sớm được đón học trò tới lớp, đảm bảo cho các con môi trường học tập tốt hơn so với học online.

Nhà giáo Ngô Thị Thành cho hay việc học trực tuyến tại trường THPT Phan Huy Chú đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, cô thừa nhận phương thức này vẫn không thể hiệu quả như học trực tiếp.

Hơn nữa, việc học online gặp khó khăn hơn trong truyền tải kiến thức, đặc biệt là môi trường giáo dục khi thiếu sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò với nhau.

Vì thế, ngay từ khi có hướng dẫn, trường THPT đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động trong suốt thời gian qua chứ không phải chỉ khi chuẩn bị đón học sinh tới trường.

Phó hiệu trưởng Ngô Thị Thành thông tin trường thực hiện khử khuẩn hàng tuần, dọn vệ sinh phòng học hàng ngày, thường xuyên tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế tới học sinh. Khi học trò trở lại, trường chắc chắn sẽ tuân thủ hướng dẫn của ngành giáo dục và y tế.

Về kế hoạch dạy học, giáo viên sẽ tiếp nối công việc hiện tại trường đang thực hiện. Cô Thành cho hay việc học online không bằng trực tiếp nhưng trường tiếp cận với hệ thống công nghệ thông tin và có hệ thống quản lý học online từ lâu nên tạo được hệ sinh thái công nghệ giữa giáo viên và học sinh. Nhờ đó, các con không mất thời gian làm quen phương thức học này.

Trong quá trình học, giáo viên, nhà trường thực hiện khảo sát, kiểm tra thường xuyên và nhận thấy chỉ một bộ phận nhỏ học sinh cần hỗ trợ để bắt kịp tiến độ chung.

“Chắc chắn, nhà trường sẽ có kế hoạch kiểm tra bài vở, hệ thống kiến thức cho các con ở giai đoạn đầu mới trở lại trường. Nếu các con cần, giáo viên sẽ giúp con bổ sung phần kiến thức còn hổng”, cô Ngô Thị Thành nói.

Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, thông tin trong đợt tiêm chủng này, 888 trên tổng số 1.000 học sinh của trường đăng ký. Những em còn lại rơi vào trường không có bệnh nền, bác sĩ chỉ định không tiêm, do gia đình không đồng ý hoặc đã tiêm đợt trước hay học sinh ở quê học trực tuyến, không lên kịp.

Sau khi hoàn thành việc tiêm, nhà trường sẽ chuẩn bị phương án tổ chức dạy học cụ thể, theo đúng hướng dẫn của ngành giáo dục, y tế và thành phố.

Trẻ vào web đen, bị người lạ dụ chat sex

Một số trẻ học trực tuyến quá lâu, tự do sử dụng điện thoại, máy tính mà không có sự giám sát của người lớn, dẫn đến tiếp xúc người xấu, nội dung thiếu lành mạnh trên Internet.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm