Trong tháng bảy, một cô gái tự xưng là giáo viên nổi lên sau một đêm nhờ livestream giảng bài môn Vật lý thu hút 1,8 triệu lượt xem. Tuy nhiên, ngay sau đó, người này bị cho là chưa tốt nghiệp đại học và có những hành vi chưa phù hợp trên mạng.
Sau đó, cô gái viết tâm thư xin lỗi và rút lại danh xưng “cô giáo”. Tuy nhiên, đây không phải trường hợp “giáo viên” duy nhất nổi tiếng trên mạng.
Nhiều người tự xưng là thầy, cô trên mạng, sau đó vướng vào các vụ lùm xùm. Ảnh minh họa: Getty Images. |
Góc nhìn thiếu toàn diện
Trong tham luận gửi Hội thảo Giáo dục 2021, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết với các tính năng vượt trội của Internet, sức thu hút của khóa học trực tuyến, nhiều diễn giả, người nổi tiếng, người huấn luyện và cả giáo viên các cấp trở thành giáo viên trên mạng.
Với sức ép của người học ảo mà thật, thật mà ảo, không ít khóa học đã khai thác hình ảnh giáo viên trên mạng phải độc đáo, mới lạ, cá tính, dẫn đến hành vi, cử chỉ, cách nói năng và cả những hệ lụy nảy sinh. Ông Sơn khẳng định để có thể nổi danh hay thu hút học sinh, nhiều giáo viên mạng có khả năng, đầu tư giảng dạy. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít người tự xưng danh thầy, cô.
“Những hành vi, cử chỉ, cách nói năng, lời giảng, ứng xử đang thực sự có vấn đề. Điều làm chúng tôi trăn trở, nhất là có những người chưa kinh qua công tác đào tạo, chứa có chứng chỉ liên quan đã xưng danh thầy, cô và mặc định mình có quyền tác động, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học trò trên mạng”, GS Huỳnh Văn Sơn nói trong hội thảo.
Sự thiếu cẩn trọng đó ảnh hưởng đến người học từ phẩm chất, năng lực để tạo thành văn hóa.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn còn nêu thêm hiện tượng sử dụng bối cảnh, hình tượng giáo viên phục vụ mục đích giải trí thiếu cân nhắc. Khi xã hội phát triển, hình ảnh thầy, cô giáo cũng phát triển theo. Đương nhiên, hình ảnh này không thể quá sức mô phạm hay mẫu mực hoàn hảo theo những mong đợi lý tưởng.
“Thế nhưng, với sự lựa chọn của hoạt động giải trí, có hình ảnh của thầy, cô được quan tâm bởi một số tác giả, đạo diễn và biên kịch đã tạo nên những lát cắt xám màu về hình ảnh thầy, cô”, ông Sơn trăn trở.
Điều này khiến học sinh có cái nhìn mới, tiêu cực khi hình ảnh của “thầy cô” có biểu hiện thái quá, cường điệu. Ông nêu trong một số MV của ca sĩ trẻ, phim ảnh có khai thác hình ảnh này. “Giáo viên” có hành vi, cử chỉ, cách nói năng “dị biệt”, thậm chí kệch cỡm, đáng trách...
Ngoài ra, mạng xã hội còn xuất hiện series của diễn viên hài, người mẫu xây dựng hình ảnh cô giáo từ góc nhìn giải trí mà theo ông “để hút phải lạ, để lôi cuốn phải độc, để ấn tượng phải quái”. Tình trạng này khiến dấu ấn về văn hóa học đường dựa trên sự tương tác giữa thầy - trò được phủ mới bằng cái nhìn quá ảm đạm.
Ông đánh giá việc sử dụng hình ảnh giáo viên vào giải trí ít nhiều làm cái nhìn về thầy, cô khác đi, theo cách thiếu công bằng, khách quan mà chính người tạo ra chúng cũng chưa thật sự ý thức được.
Ảnh hưởng văn hóa học đường
Ngày nay, cùng sự phát triển của Internet, giáo viên hiện diện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, các diễn đàn tự phát hoặc chưa kiểm soát liên quan nghề giáo đang phần nào ảnh hưởng văn hóa học đường.
Ông nêu thực tế bên cạnh các diễn đàn trao đổi, chia sẻ, tương tác thông tin tích cực, nhiều nơi nói xấu về nghề, đồng nghiệp, học sinh, dần tạo ra những cái nhìn tiêu cực. Ngoài ra, không ít diễn đàn còn gây ra cái nhìn méo mó về nghề giáo, những đánh giá chủ quan để lan truyền các quan điểm có vấn đề về học đường.
Ông nhấn mạnh tình trạng mua bán giáo án, kế hoạch bài dạy, sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo tổng kết hay các bài làm sau khóa tập huấn được quảng bá, giao dịch bởi chính người làm nghề giáo.
“Xây dựng văn hóa học đường là nỗi buồn bởi học sinh, phụ huynh và nhiều người khác đều nhìn thấy, biết rõ…”, hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM trăn trở về hành vi giáo viên trên các diễn đàn.
Thạc sĩ Đào Ngọc Quỳnh Thanh (Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Nghiệp vụ và Ngoại ngữ, Học viện Cán bộ TP.HCM) chia sẻ nỗi lo đến từ tình trạng giáo viên có hành vi bất cẩn, khiếm nhã trên mạng xã hội.
Bà nêu thực tế nhiều vụ việc đã xảy ra như thầy giáo ở ĐH Văn hóa TP.HCM đăng tải những lời lẽ thiếu văn hóa, giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM mắng học trò là “óc trâu”, cô giáo ở Quảng Trị xúc phạm, lăng nhục học trò trong giờ học trực tuyến hay sự việc cô giáo để lộ hình ảnh nhạy cảm khi đang tham gia tập huấn giảng online ở Sơn La…
“Thậm chí, có giáo viên đã tập hợp các nhóm học sinh để nói xấu, chê bai ngoại hình, hoàn cảnh gia đình… chính học trò mình đã giảng dạy nhiều năm liền. Những hành vi đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của học sinh, sinh viên, giáo viên, tác động xấu đến quá trình xây dựng văn hóa học đường trong từng trường học”, thạc sĩ Quỳnh Thanh cho biết.
Cần xem xét bằng cấp người xưng giáo viên trên mạng
Trước ảnh hưởng của mạng xã hội lên văn hóa học đường, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng cần phổ biến bằng nhiều hình thức và đánh giá hiệu quả việc phổ biến này để đảm bảo việc tuân thủ Luật An ninh mạng (2018), Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (2021).
Ông cho rằng cần chú ý việc bồi dưỡng cho giáo viên một cách căn bản, có tầm nhìn về việc sử dụng Internet, nhất là kỹ năng chuyển đổi số và phát triển các giá trị văn hóa học đường trên không gian mạng. Qua khảo sát, nhiều giáo viên quan tâm vấn đề danh xưng giáo viên trên không gian mạng. Chuyên đề này cũng nhận sự chú ý từ học sinh.
Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM dẫn lời một số thầy, cô về tình trạng “giáo viên” mạng. Một thầy giáo đánh giá dạy học trên mạng thực sự để lại dấu ấn quan trọng đến học sinh, góp phần hình thành tính cách và văn hóa của các em.
“Thế nhưng, khi chưa hiểu điều này một cách sâu sắc cũng như chưa đảm bảo các yêu cầu cơ bản về hình ảnh văn hóa của mình khi dạy trực tuyến, sao có thể không ảnh hưởng xấu đến các em. Thực sự, chúng tôi rất buồn khi một số đồng nghiệp không cẩn trọng làm cho hình ảnh giáo viên và văn hóa học đường khi dạy học trực tuyến bị nhìn nhận méo mó...”, thầy giáo này chia sẻ.
Một cô giáo khác cho rằng cần xem xét vấn đề nghề nghiệp, bằng cấp, nhất là danh xưng thầy, cô của một số cá nhân ấy để tránh chủ quan, phải có sự điều chỉnh, kiểm tra, giám sát chứ không thể chỉ là phản ánh hay phê bình.
Thạc sĩ Đào Ngọc Quỳnh Thanh nhấn mạnh trong mọi hoàn cảnh, thầy, cô phải luôn giữ vị thế, hình ảnh chuẩn mực của người thầy, cần ứng xử đúng mực với học trò và đồng nghiệp.
Theo bà, nhà trường cũng cần cởi mở và thích nghi với việc sử dụng mạng xã hội của giáo viên, không quá khắt khe nhưng phải có biện pháp giám sát, kiểm tra bằng những quy định mang tính nhắc nhở, răn đe, kết nối và hỗ trợ để định hướng, khuyến khích giáo viên sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin lành mạnh, bổ ích.