“Nhận lời chúc mừng từ sinh viên dù mới chỉ là giảng viên tập sự, tôi rất cảm động và hạnh phúc”, cô Nguyễn Việt Hoa, 27 tuổi, chia sẻ về ngày 20/11 đầu tiên trong nghề giáo của mình.
Cô giáo trẻ, thường được sinh viên gọi là "cô Bông", bắt đầu công tác tại khoa Kinh tế quốc tế, ĐH Ngoại thương (Hà Nội), từ tháng 3 năm nay nhưng ước mơ đứng trên bục giảng lại nhen nhóm từ những ngày đầu vào trường.
Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa hiện là giảng viên tập sự tại khoa Kinh tế quốc tế, ĐH Ngoại thương. |
Cố gắng làm “người chọn nghề” suốt 7 năm
Cô Nguyễn Việt Hoa trúng tuyển ĐH Ngoại thương năm 2013. Cô giáo trẻ tâm sự thời phổ thông, cô không xác định mình thích làm công việc gì.
Đến khi vào trường, ngay từ tiết học Kinh tế vi mô đầu tiên, cô khát khao được đứng trên bục giảng, chia sẻ kiến thức, truyền cảm hứng và tình yêu môn học cho sinh viên giống như những gì các thầy cô đã làm.
Năm 2017, "cô Bông" tốt nghiệp loại xuất sắc với GPA đạt 3,83/4, thành tích đứng thứ 7 trong số 548 sinh viên cùng khóa chuyên ngành Kinh tế đối ngoại.
Tuy nhiên, thay vì chọn du học, cô Việt Hoa quyết định theo học chương trình thạc sĩ Kinh tế quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh (MIE) của ĐH Ngoại thương vì trường có chính sách tạo điều kiện cho học viên tốt nghiệp xuất sắc từ chương trình MIE tham gia xét tuyển làm giảng viên, trợ giảng khi các bộ môn thuộc khoa, học viện có nhu cầu tuyển dụng.
Với mong muốn công tác tại chính khoa mình theo học, Nguyễn Việt Hoa nỗ lực nhiều. Cô trở thành thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra chương trình MIE khóa đó.
“Thực ra, tôi từng đi thực tập ở một vài công ty bên ngoài nhưng thấy công việc đó không phù hợp với mình. Trong suy nghĩ của tôi lúc nào cũng chỉ có mong ước làm cô giáo”, thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa chia sẻ.
Với Việt Hoa, sinh viên khóa dưới luôn mang lại cho cô niềm cảm hứng và niềm yêu nghề vô tận. Bên cạnh đó, những thầy cô đi trước cũng là động lực để cô vững tâm theo đuổi niềm đam mê.
Việt Hoa nhớ hồi còn học thạc sĩ, một thầy giáo cô rất yêu quý, kính trọng từng nói: “Để có thể theo nghề giáo, quan trọng nhất là niềm đam mê, lòng yêu nghề. Và thầy thấy được ở em điều đó”.
Nhờ những lời động viên khích lệ ấy, cô gái trẻ càng có thêm động lực để nỗ lực vì khát vọng ấp ủ từ khi còn là sinh viên năm nhất, cố gắng làm “người chọn nghề” trong suốt hơn 7 năm “dành cả thanh xuân để theo đuổi ước mơ”.
Xác định chắc chắn con đường của mình, Nguyễn Việt Hoa quay trở lại ngôi trường từng theo học 4 năm đại học và 2 năm thạc sĩ để làm việc, cống hiến cho trường, khoa như một cách để trả ơn những thầy cô đã giúp cô có được ngày hôm nay.
Với quyết tâm theo đuổi nghề giáo, "cô Bông" trân trọng cơ hội tập sự tại ngôi trường mình từng theo học. |
Là giảng viên tập sự, "cô Bông" chủ yếu trực khoa, tham gia vào công việc chung của khoa và hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, cô soạn bài, làm trợ giảng online cho giáo sư nước ngoài ở lớp chương trình tiên tiến.
“Lần đầu tiên làm trợ giảng, dù chưa được đứng lớp giảng dạy, tôi học hỏi rất nhiều điều từ các thầy cô. Công việc khiến tôi hạnh phúc, thấy mình chọn đúng đường. Mỗi ngày đi làm đều là một ngày vui, không hề mệt mỏi”, cô giáo trẻ tâm sự.
Một ngày làm việc thường bắt đầu lúc 8h, kết thúc lúc 17h nhưng Nguyễn Việt Hoa thích nán lại đến hơn 18h vì cảm thấy tập trung làm việc hơn khi ở văn phòng.
Ngoài công việc chuyên môn của giảng viên tập sự, cô còn tham gia các hoạt động khác của trường như làm mentor cho chương trình We, the icebreakers đợt 2 năm 2021 hay tham gia tiết mục trình diễn thời trang công sở trong buổi meeting chào mừng ngày 20/11 của trường.
Ước muốn trở thành cô giáo tốt
Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa tự đánh giá cô đang trong thời gian chuyển giao giữa hai giai đoạn lớn trên hành trình theo đuổi ước mơ - trong cánh gà và trên sân khấu. Mỗi giai đoạn đều cần có sự rèn luyện nghiêm khắc cùng những điều kiện khác nhau để phát triển, thể hiện năng lực.
Trong 9 tháng làm giảng viên tập sự, cô Việt Hoa luôn trau dồi chuyên môn để sẵn sàng đứng trên bục giảng của trường. Cô cũng xác định cho mình tinh thần không ngừng học hỏi, chỉ chờ ngày được bước lên “sân khấu”, thử thách bản thân ở vị trí mới và tiếp tục nỗ lực hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.
Cô Việt Hoa mong muốn trở thành cô giáo tốt, có tâm, có tầm. |
Qua 9 tháng, cô Việt Hoa trân trọng cơ hội tập sự tại khoa Kinh tế quốc tế - môi trường văn minh mà ở đó, mọi người được nói lên ý kiến của mình và các thầy cô, đồng nghiệp đi trước sẵn sàng động viên, chia sẻ.
“Trong quá trình tập sự, tôi còn nhiều điều sơ suất nhưng mọi người luôn động viên yếu tố chính của giảng viên là năng lực chuyên môn, thái độ làm việc nghiêm túc, đam mê với nghề. Vì vậy, tôi hy vọng có cơ hội tiếp tục gắn bó dài lâu với nơi này”, nữ giảng viên tập sự chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ, niềm tự hào khi công tác tại khoa Kinh tế quốc tế.
Dù chưa trực tiếp đứng lớp, "cô Bông" cũng suy ngẫm về mối quan hệ với sinh viên. Cô mong đợi vào sự tôn trọng đến từ hai phía.
Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa cho rằng sinh viên là lứa tuổi bắt đầu thành niên và trưởng thành, vừa tươi mới, muốn phá bỏ khuôn khổ nhưng cũng yếu đuối, mới chân ướt chân ráo từ cấp 3 bước chân vào đại học nên rất cần người chỉ dẫn tốt.
Do đó, cô quan niệm thay vì áp đặt, khắt khe, giảng viên có thể trở thành người chỉ dẫn, đồng hành tốt nhất để sinh viên vừa học kiến thức vừa tự tin vận dụng vào thực tế theo cách của riêng mình.
Cô cho rằng nếu có thể tạo bầu không khí bình đẳng, tự do, đủ tôn trọng nhau giữa giảng viên và sinh viên, việc dạy - học sẽ rất thoải mái mà vẫn có tình thầy trò trong đó.
“Mục đích ban đầu của mình khi thi vào ĐH Ngoại thương không phải là để trở thành giáo viên, nhưng sau 4 năm học ở đây, mình nhận ra rằng nếu sau này mình có cơ hội tiếp bước các thầy cô, mình nhất định sẽ cố gắng làm một cô giáo vừa có tâm, vừa có tầm, một cô giáo tốt”, Nguyễn Việt Hoa từng viết vào năm 2017, thời điểm cô đứng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp đại học.
Sau hơn 4 năm, suy nghĩ, mục tiêu đó vẫn không thay đổi dù Việt Hoa thừa nhận mới tập sự 9 tháng, cô chưa biết bản thân đạt được mấy phần trong dự định ấy. Sắp tới, cô sẽ tham gia khóa học về nghiệp vụ sư phạm của nhà trường như một phần để chuẩn bị trở thành cô giáo thực thụ.