Trong phiên chất vấn sáng 11/11, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận thời gian qua, việc học online, qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây ra hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực cho cả học sinh, giáo viên, phụ huynh, xã hội với những câu chuyện bi hài, đau lòng.
Dạy học trực tuyến cũng là một trong 3 vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn sáng nay, bên cạnh câu chuyện dạy thêm - học thêm và chất lượng sách giáo khoa (SGK).
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn sáng 11/11. Ảnh: Hồng Phong. |
Nhiều lo lắng khi trẻ học online thời gian dài
Trước thực tế học sinh học online lâu ngày, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu lo ngại của cử tri khi trẻ em không được đến trường nhưng lại thiếu thiết bị để học trực tuyến.
Với câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hơn 1,8 triệu học sinh (không phải 1,5 triệu như thống kê đầu năm học) không có thiết bị học trực tuyến. Nhiều gia đình có 2, 3 anh chị em nhưng chỉ có một điện thoại để học.
“Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị trong tay, đang dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất”, bộ trưởng nói.
Ông Sơn nói thêm điều đáng mừng, ở những nơi khó khăn, trong đó có các tỉnh phía Bắc, học sinh được học trực tiếp. Bộ cũng đang tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nêu vấn đề giáo dục kỹ năng cho học sinh bị xem nhẹ khi học online dù với yêu cầu đổi mới, ngành giáo dục cần chuyển biến mạnh mẽ trong việc rèn luyện kỹ năng, giao tiếp và xử lý tình huống.
Trước lo lắng của đại biểu, ông Sơn thừa nhận việc dạy học trực tuyến ảnh hưởng các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng hình thành qua tương tác trực quan. Việc này chưa thể cải thiện qua học trực tuyến. Thời gian tới, học sinh quay lại trường sẽ cần tăng cường, củng cố, trang bị kỹ năng.
Liên quan câu chuyện dạy học online, đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ) cho rằng nhiều giáo viên vẫn dạy theo chương trình trực tiếp. Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định bộ đã ban hành văn bản để xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để dạy trực tuyến và qua truyền hình.
Các địa phương đang dạy trực tiếp, sẽ dạy trước chương trình cốt lõi, nếu còn thời gian thì quay lại củng cố, bổ sung. Những nơi dạy trực tuyến sẽ bám theo chương trình cốt lõi, đáp ứng yêu cầu dạy học trong dịch bệnh, không bê nguyên chương trình trực tiếp lên trực tuyến.
Ngoài những lo lắng về chất lượng học online, không ít người đặt ra câu hỏi bao giờ học sinh được đến trường. Truyền đạt lại câu hỏi của cử tri, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết sau thời gian dài trẻ tạm dừng đến lớp để phòng dịch, nhiều cha mẹ muốn cho con đi học lại. Tuy nhiên, một số phụ huynh tiểu học chưa thật sự yên tâm khi con chưa được tiêm vaccine.
Với vấn đề này, ông Nguyễn Kim Sơn cho hay ngành đã lên kế hoạch, thúc đẩy học sinh đến trường an toàn. Bộ có hướng dẫn về chuyên môn và định hướng. Xã, phường vùng xanh, an toàn nên cho trẻ đi học. Hiện nay, các địa phương đang xử lý đến cấp quận, huyện.
“Bộ Y tế đã nhắc đến việc tiêm vaccine cho học sinh 3-12 tuổi nhưng đó là câu chuyện tương lai. Trước mắt, học sinh đến trường có các biện pháp an toàn phòng, chống dịch”, ông Sơn khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái nêu thực trạng dạy thêm trực tuyến tràn lan thời gian qua. Ảnh: Hồng Phong. |
Học sinh bị ép học thêm trực tuyến
Trong khi học sinh đang vất vả học trực tuyến, chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe thể chất, tinh thần, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết có tình trạng dạy thêm online, thậm chí học sinh bị ép học thêm.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định giáo viên không được dạy thêm, học thêm, trong dịch bệnh càng cấm.
Đồng tình với việc cấm dạy thêm online song hai đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) và Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng cần xem xét thêm vấn đề này vì đây cũng là nhu cầu của giáo viên, học sinh, phụ huynh.
Ông Long cho rằng ngành giáo dục chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề khi tiếp cận chuyện dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội, xử lý theo cách cấm. Một số địa phương tổ chức mật phục, bắt quả tang giáo viên dạy thêm rồi xử lý, phạt, đưa lên báo chí là chưa phù hợp.
Ông Long kiến nghị cách quản lý không nên theo tư duy cũ, cái gì không quản được thì cấm. Thay vào đó, ngành giáo dục nên đánh giá tác dụng, ý nghĩa của nó trong đời sống giáo dục.
“Học thêm là nhu cầu thực tiễn của học sinh, phụ huynh. Tôi thú thực con em của chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm cũng nhờ học thêm”, ông nói.
Ông Nguyễn Công Long nói thêm trong phiên chất vấn hôm 10/11, một đại biểu ở Cà Mau ví von ngành y tế và giáo dục, đặt câu hỏi tại sao giáo dục cấm mà y tế không cấm. Như vậy, trong phiên chất vấn bộ trưởng GD&ĐT, cử tri cũng có thể đưa ra vấn đề ngược lại.
Theo ông Long, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ vấn đề lương của giáo viên quá thấp. Nhiều người coi dạy thêm như một cách mưu sinh. Vì vậy, ông mong ngành giáo dục cần thẳng thắn để có giải pháp căn cơ vì qua 2 năm dịch bệnh, giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.
Cùng dẫn so sánh giữa ngành giáo dục và y tế, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết bộ trưởng Y tế trả lời bác sĩ công lập mở phòng tư sẽ nâng cao tay nghề, tăng thu nhập, không ảnh hưởng công việc chung.
Ông cho rằng giáo viên dạy thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi cũng là cách giúp nhà giáo nâng cao tay nghề, tăng thu nhập. Qua đó, ông đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu giải pháp để đáp ứng nhu cầu thực tế của phụ huynh, học sinh.
Trước tranh luận của hai đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trước đây, Bộ GD&ĐT có thông tư quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng sau đó, hết hiệu lực do Luật đầu tư năm 2016. Bộ đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục này.
Ngoài ra, các tỉnh đã có văn bản riêng về việc dạy thêm, học thêm. Sắp tới bộ sẽ rà soát thêm nội dung này để xử lý phù hợp hơn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi về SGK mới. Ảnh: Hồng Phong. |
SGK mới còn "sạn"
Cũng trong phiên chất vấn sáng 11/11, nhiều đại biểu đặt câu hỏi liên quan SGK mới. Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nêu tình trạng SGK Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên của NXB Giáo dục việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hội đồng chuyên môn, bộ đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in, chuyển đến học sinh. Về lâu dài, bộ điều chỉnh các quy trình, điều kiện, đảm bảo SGK thời gian tới có chất lượng cao hơn.
Chưa hài lòng với phần giải đáp của tư lệnh ngành giáo dục, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) đề nghị bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề sách giáo khoa khi nhiều cử tri cho rằng sách giáo khoa vẫn còn nhiều lỗi, sạn.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đánh giá câu trả lời của bộ trưởng chưa thuyết phục. Bà nói học sinh đã mua, học SGK chứ không phải sách được chỉnh sửa trước khi xuất bản. Do đó, dư luận trông chờ bộ giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch, có câu trả lời trước công luận càng sớm càng tốt.
Trước ý kiến của đại biểu, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết để có bộ SGK chất lượng cần nhiều yếu tố. Bộ đang sửa đổi thông tư quy định về biên soạn, thẩm định và xuất bản SGK.
Bộ chủ trương giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu, không đợi nhóm tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến bộ thẩm định, không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản, nhóm tác giả.
Ngoài ra, bộ sẽ nâng yêu cầu, tiêu chuẩn đối với người tham gia soạn sách, thành viên trong hội đồng thẩm định.
Khi được đề nghị đánh giá ưu điểm, hạn chế của chương trình giáo dục theo SGK mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6, ông Sơn đặt câu hỏi liệu có công bằng không khi cứ có một viên sỏi, sạn đăng trên mạng, nhiều người biết nhưng sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học đưa vào sách lại ít ai nói đến.
Bộ trưởng cho biết khi tổng kết, đánh giá một năm triển khai SGK mới, giáo viên nhận xét họ hứng thú hơn trong dạy học. Học sinh cũng chủ động, khả năng đọc viết tốt hơn.
Ông cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chủ trương của chương trình 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh là hướng đi đúng.
Tranh luận với khẳng định trên của bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nêu vấn đề SGK mới chỉ được thực nghiệm 10%.
“Liệu chúng ta có cần một quy trình bất di, bất dịch? Bộ có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai sách giáo khoa mới trong thời gian qua chưa?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn, bộ trưởng nhấn mạnh SGK hiện được coi là học liệu nhưng bất cứ học liệu nào được đưa vào nhà trường đều phải chuẩn mực và có chất lượng tốt nhất.