Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạo lực học đường, chuyện ngày càng lớn

Bạo lực học đường ngày càng trở thành chuyện lớn, khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.

Một báo cáo gần đây của Bộ GD&ĐT cho thấy trong 1 năm học, trên toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường (khoảng 5 vụ/ngày).

Đáng lo ngại hơn, bạo lực học đường ngày nay có thể xảy ra ở cả học sinh nữ. Lý do thì "thiên hình vạn trạng", từ chuyện rất vu vơ như "nhìn đểu" cho đến hiểu lầm, ganh tị, mâu thuẫn tình cảm, thậm chí thích thì đánh.

Liên tiếp những hồi chuông

Cuối tháng 1 vừa qua, dư luận không khỏi sửng sốt khi Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bé gái 13 tuổi uống thuốc trừ sâu tự tử do bị bạn học trêu ghẹo, bắt nạt và ghép đôi với bạn khác giới. Cô bé may mắn được cứu sống nhưng việc điều trị những chấn thương tâm lý về sau là hết sức vất vả. Cũng trong những ngày đầu năm, một nam sinh lớp 11 trường THPT huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa bị bạn học dùng gậy sắt vụt vào đầu đến mức vỡ sọ não, thương tật đến 49%.

bao luc hoc duong anh 1

Thông qua các hoạt động sinh hoạt tập thể được tổ chức thường xuyên, thầy và trò Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) càng thêm gắn kết, truyền thêm nhiều cảm hứng tích cực trong cuộc sống và học tập. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Trung tuần tháng 3, đoạn clip quay cảnh nữ sinh lớp 8 ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) bị 4 bạn học đánh tới tấp bằng mũ bảo hiểm, bị xé áo rồi tung lên mạng xã hội, gây nhiều bức xúc. Kế đó, một clip dài hơn 6 phút ghi lại cảnh HS đánh nhau dã man trong lớp học tiếp tục làm dư luận dậy sóng.

Sự việc xảy ra tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP HCM, 2 nữ sinh liên tiếp tát, giật tóc, dùng chân (vẫn đang đi giày) đá vào mặt bạn học. Những HS xung quanh chứng kiến không vào ngăn cản, thậm chí còn đứng bên ngoài cổ vũ, bình luận rôm rả như đang xem phim hành động.

Đó chỉ là vài trong số rất nhiều vụ việc bạo lực học đường đã và đang gây nhức nhối cho nhà trường, gia đình và xã hội. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận định những vụ bạo lực học đường gần đây có tính chất càng tàn bạo, phản ánh một số vấn đề đáng lo ngại.

Thứ nhất, tình trạng "sống ảo", anh hùng bàn phím; muốn chứng tỏ mình thông qua những clip bạo lực. Thứ hai, là sự vô cảm, thiếu tình thương, của giới trẻ; khi biết thương yêu đoàn kết thì các em không thể hành xử cay nghiệt, gây thương tích cho bạn hoặc thờ ơ trước sự việc. Thứ ba, đây là hồi chuông báo động để ngành giáo dục cần nhìn lại giáo trình giảng dạy trong suốt thời gian dài đã luôn tập trung vào việc dạy chữ mà thiếu dạy làm người, hay nói cách khác là dạy kỹ năng sống cho các em.

"Chương trình học có nội dung quá nặng, thầy cô luôn trong áp lực sợ "cháy" giáo án nên khó sâu sát hoàn cảnh của từng HS. Theo đó, không kịp thời uốn nắn, định hướng và thường chỉ biết khi sự việc đã muộn màng" - thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Tương tự, chuyên gia giáo dục, ThS Bùi Khánh Nguyên đánh giá cùng với việc bắt nạt truyền thống, số lượng các vụ việc bắt nạt trực tuyến có xu hướng tăng trong thanh thiếu niên hiện nay. Theo ông Bùi Khánh Nguyên, những bình luận, dòng trạng thái, hình ảnh được chia sẻ để nhục mạ, đàn áp làm tổn thương, được các em dùng làm vũ khí bắt nạt, uy hiếp người khác cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Hãy giáo dục bằng tình thương, sự tỉnh táo

"Ngăn chặn và hạn chế bạo lực học đường không thể là việc làm một sớm một chiều của riêng lẻ một ai, mà phải là sự bắt tay triệt để, tận tâm từ nhiều phía" - ThS Bùi Khánh Nguyên khẳng định.

Ông đề xuất lồng ghép các chuyên đề về bạo lực học đường trong các tiết học. ThS Bùi Khánh Nguyên cho biết một số trường tư thục đã mạnh dạn tổ chức những hoạt động để truyền thông về bạo lực học đường, hướng dẫn các em kỹ năng sống một cách chủ động ở cả hai phía. Đó là, khi là nạn nhân thì có thể tìm đến ai, có số đường dây nóng hỗ trợ và hướng dẫn các quy tắc ứng xử, răn đe về các hậu quả nếu các em là người tấn công, có hành vi bạo lực cho người khác; nên hành xử ra sao khi chứng kiến vụ việc. Trong đó, giáo viên khéo léo dùng chính những tư liệu, hình ảnh về các vụ việc để cho các em thẳng thắn trao đổi, nhận diện cái đúng, cái sai, không né tránh.

Trường THPT Nguyễn Du là một trong những trường luôn đạt các thành tích đáng tự hào về mặt học tập lẫn phong trào và tạo được nếp văn hóa ứng xử đẹp trong môi trường học đường.

Thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ một số kinh nghiệm quý giá và khẳng định quan điểm, với bạo lực học đường, không thể chỉ mãi lo giải quyết sự vụ khi đã xảy ra mà phải xây để chống. Xây để chống ở đây chính là tạo nền tảng nhân cách, giáo dục các giá trị tinh thần, hướng đến các chuẩn mực đạo đức đúng đắn, bồi dưỡng tình yêu thương cho các em, giải quyết sớm những mâu thuẫn, bức bối ngay khi mới manh nha. Theo đó, nhà trường cần phải tổ chức các hoạt động sự kiện vui chơi, sinh hoạt tập thể hàng tuần cho các em để thu hút các em vào những điều lành mạnh, hình thành kỹ năng sống, thêm yêu trường mến lớp, để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Thầy Huỳnh Thanh Phú khởi xướng rất nhiều hoạt động và đặt ra hàng loạt yêu cầu trong việc thay đổi phương pháp dạy và học, chú trọng việc truyền cảm hứng sống cho học sinh và đội ngũ giáo viên để mỗi người cảm thấy tích cực, gắn kết với nhau. Thầy cũng bày tỏ mong muốn các phụ huynh dành thời gian lắng nghe con, thấu hiểu nội tâm và suy nghĩ của con thay vì chỉ thuần túy bênh vực hay áp đặt khi xảy ra sự cố.

Thêm những cảnh báo

ThS Bùi Khánh Nguyên cho rằng áp lực học tập căng thẳng khiến trẻ dễ mất cân bằng, bị stress hoặc trầm cảm mà không được phát hiện, phát sinh hành xử bạo lực. Ngoài ra, không thể phủ nhận truyền thông xã hội càng khiến trẻ dễ tiếp xúc, tiêm nhiễm các hình ảnh tiêu cực, bạo lực, chẳng hạn các vụ đánh ghen ầm ĩ, các phim ảnh bạo lực... lan tràn trên Facebook, YouTube. Khi có mâu thuẫn, trẻ dễ bắt chước dùng bạo lực như một cách giải quyết vấn đề theo những gì đã quan sát từ sự bạo lực của người lớn.

https://nld.com.vn/ban-doc/bao-luc-hoc-duong-chuyen-ngay-cang-lon-2021040721210006.htm

Hồ Xuân Huy / Người lao động

Bạn có thể quan tâm