Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạo lực học đường ngày càng đáng sợ

Đâm chết bạn học chỉ từ xích mích nhỏ, hung thủ có thể là học sinh hay sinh viên, thậm chí có em mới học lớp 6. Bạo lực học đường diễn ra liên tục với tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Bạo lực học đường ngày càng đáng sợ

Đâm chết bạn học chỉ từ xích mích nhỏ, hung thủ có thể là học sinh hay sinh viên, thậm chí có em mới học lớp 6. Bạo lực học đường diễn ra liên tục với tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng bạo lực học đường không chỉ xuất phát từ bản thân học sinh mà còn bao gồm các yếu tố khác như gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất chính là việc trẻ không được đón nhận và yêu thương đúng cách.

Hở tí là đâm, chém

Án mạng mới nhất xảy ra vào ngày 25/2 khiến em Trần Xuân Dung  (SN 1998, học sinh lớp 9 một trường THCS ở  huyện Krông Púk - Đắk Lắk) tử vong ngay trước cửa lớp. Theo thông tin ban đầu, do đã có mâu thuẫn và từng đánh nhau nên khi Dung hỏi mượn sách, Nguyễn Thành Đạt không cho. Hai bên xảy ra cãi vã rồi Đạt rút dao đâm trúng tim của Dung.

Do mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội Facebook, Lại Đức Thiện (học sinh lớp 9) và Phạm Đình Xuân (lớp 11), cùng ngụ tại TP Hạ Long - Quảng Ninh, đã gọi thêm bạn đến để “giải quyết” sau giờ tan học ngày 22/2. Thiện bị Bùi Đức Nam (bạn Xuân) đâm một nhát vào lưng. Nguyễn Khắc Chung (bạn Xuân)  bị nhóm Thiện dùng tuýp sắt vót nhọn và dao đâm chém trọng thương.

Bênh bạn, bị cáo P.Q.N (SN 1996, học sinh lớp 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận) vừa bị TAND TP.HCM xét xử ngày 27/2 tuyên phạt 7 năm tù về tội giết người.

Trước đó, vào tháng 9/2012, chỉ vì chen lấn trong lúc tan trường, một học sinh lớp 6 ở huyện Tịnh Biên - An Giang cũng đã lấy dao xếp đâm bạn học nhiều nhát... 

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, có nhiều nguyên nhân khiến bạo lực học đường ngày càng gia tăng nhưng tựu trung có 2 lý do chính. Về nguyên nhân khách quan, dưới sự tác động tiêu cực của internet và những hành vi bạo lực xảy ra thường xuyên trên phim ảnh, trong xã hội, ở trường học, thậm chí ở chính gia đình mà các em chứng kiến hằng ngày, điều này đã dần trở nên bình thường.

Về nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ tâm lý của lứa tuổi mới lớn nên các em dễ bị kích động, lôi kéo, thích thể hiện… Trong khi đó, gia đình thì buông lỏng quản lý và vai trò giáo dục đạo đức trong nhà trường còn hạn chế. Những điều này đã đẩy hành động của một số học sinh vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật.

TS Hoàng Mai Khanh phân tích: “Trong gia đình, nếu không được lắng nghe, mọi ý kiến đều không được chấp nhận hay không được yêu thương, quan tâm, trẻ sẽ cảm thấy mình không được đón nhận. Từ đó, trẻ sẽ làm điều gì đó để được người khác chú ý. Từ việc muốn gây chú ý, trẻ sẽ mang hành vi đó đến lớp học và vô tình được xếp vào dạng “cá biệt”. Dần dần, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình không được đón nhận ở bất cứ đâu hay môi trường nào nên dễ nảy sinh những hành vi không đúng”.

Trong khi đó, ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, băn khoăn: “Gần đây, kể cả thầy cô cũng có những hành vi bạo lực đối với các em. Hành vi đó không chỉ thể hiện qua roi vọt mà còn ở thái độ. Đôi khi thái độ lạnh lùng cũng có thể khiến các em khủng hoảng, từ đó dẫn đến những chuyện manh động khác. Một số trường hợp học sinh tự tử chính là ví dụ cho thực trạng này”.

Cần ngăn chặn trước

Theo luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TP.HCM, để bớt đi những vụ án đau lòng từ học đường, cần có sự quan tâm và giải quyết ở cả 3 phía: xã hội - nhà trường - gia đình.

Về phía xã hội, cần tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em phát triển thể chất và tư duy. Đối với ngành giáo dục, ngoài việc tổ chức lại chương trình học một cách  khoa học và thiết thực, cần tập trung đẩy mạnh việc dạy làm người cho học sinh. Đặc biệt, cần sớm đưa vào giảng dạy môn pháp luật để các em ý thức được hành vi nào là vi phạm pháp luật để tránh. Nhà trường cần phối hợp với các cơ quan tố tụng cho các em tham dự những buổi xử án có bị cáo vị thành niên, các vụ án xét xử lưu động để biết ghê sợ hành vi phạm tội và kiểm soát tốt hơn hành vi của bản thân. Về phía gia đình, đừng khoán trắng việc dạy dỗ con cái cho nhà trường và xã hội; cần quan tâm đến tâm sinh lý, tạo điều kiện cho các em được tham gia sinh hoạt tập thể, phong trào thể thao, văn nghệ...; hướng cho các em biết sống vì cộng đồng và có trách nhiệm với bản thân.

TS Hoàng Mai Khanh cho rằng biện pháp tốt nhất để không xảy ra bạo lực học đường chính là phải ngăn chặn trước khi sự việc xảy ra. Điều này phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống của trẻ, trước tiên là gia đình. Cha mẹ phải làm sao để trẻ cảm thấy được đón nhận, được đóng góp hay được tham gia vào nơi mình đang sống. Bên cạnh đó, môi trường nhà trường cũng quan trọng không kém. Không nên xếp riêng trẻ có hành vi tiêu cực vào một nhóm được đặt tên là “cá biệt”, bởi điều này sẽ đẩy các em đi xa hơn nữa với những hành vi lệch lạc vì cảm thấy mình bị tách riêng, không được chấp nhận.

Nhiều giáo viên THCS và THPT đã rất thành công trong việc cảm hóa các em bằng cách trao công việc, chức vụ trong lớp. Khi đó, các em sẽ cảm thấy được tin tưởng, có thể thể hiện mình ở một vị trí nhất định và dần dần thay đổi. Ngoài ra, theo TS Khanh, giáo viên cần quan tâm nhiều hơn đến hoàn cảnh của từng học sinh thay vì áp dụng những hình thức xử phạt. Đặc biệt, đuổi học là hình thức “phản giáo dục”, bởi học sinh “cá biệt” cần được giáo dục và yêu thương nhiều hơn chứ không phải bị từ chối giáo dục.

Đừng xem thường “chuyện nhỏ”

Trước thông tin về tình trạng bạo lực học đường, nhiều bạn đọc cho rằng chính từ  những mâu thuẫn nhỏ nhưng không được thầy cô và gia đình quan tâm đã dẫn đến hậu quả nặng nề. Bạn đọc Trần Thanh viết: “Đừng chủ quan bỏ qua những xích mích nhỏ của thiếu niên mà phải tìm cách giải quyết rốt ráo để các em không mắc sai lầm mà đôi khi chính các em cũng không hiểu vì sao mình như thế”.

Bạn đọc Người Dân băn khoăn: “Những vụ bạo lực học đường gần đây có vẻ nhiều hơn mà không có hướng giải quyết dứt điểm. Khi các cháu có mâu thuẫn trong trường hay ở lớp, giáo viên và phụ huynh phải tích cực giải quyết, họp lại, tìm ra trái phải, hòa giải... Nếu liên quan đến bên ngoài thì phải mời công an vào cuộc. Không nên coi thường, bởi người bắt nạt được thì bắt nạt mãi thành lưu manh; người bị bắt nạt hoài thì chán chường, bỏ học..., đến một lúc nào đó dùng hung khí đánh trả thì hậu quả nặng nề...”.

Trong khi đó, bạn đọc Phan Nguyễn trăn trở: “Nếu như thay đổi Bộ Luật Hình sự mà vấn đề giáo dục vẫn bỏ ngỏ thì cũng bằng không. Bởi lẽ, với lứa tuổi này, các em muốn khẳng định mình là chính, còn luật pháp chỉ... là phụ (vì thiếu hiểu biết). Vấn đề là cần xây dựng nền tảng giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội thật tốt thì mới mong những chuyện đau lòng không tiếp diễn”.

Tranh cãi độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Ngô Đình Hoàng, hiện Bộ Luật Hình sự nước ta quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự tối thiểu là 14. Thời điểm ban hành luật cách đây đã gần 15 năm (và còn dựa trên Bộ Luật Hình sự ban hành năm 1985). Hiện nay, kinh tế - xã hội, nhất là thể chất, tâm sinh lý của trẻ đều phát triển hơn trước rất nhiều. Luật hình sự của các nước quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ rất sớm (Mỹ: từ 7 tuổi, Anh: từ 8 tuổi, Pháp: từ 13 tuổi...).

Luật sư Hoàng cho rằng các nhà khoa học hình sự Việt Nam cần nghiên cứu toàn diện về việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em ở các lứa tuổi, từ đó kiến nghị Quốc hội sửa Bộ Luật Hình sự, giảm độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự xuống thấp hơn hiện nay (có thể từ 12 thay vì từ 14 tuổi); tăng khung hình phạt cao hơn (từ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội phạm nghiêm trọng thay vì rất nghiêm trọng như hiện nay, từ 16-18 tuổi có thể chịu khung hình phạt cao nhất đến chung thân chứ không phải tối đa 18 năm tù như hiện nay). Tất nhiên, song song đó là chế độ thực hiện án tù riêng và quy định về miễn giảm án tù cũng như đặc xá riêng cho những án vị thành niên để các em sớm hòa nhập xã hội nếu cải tạo tốt.

Ngược lại, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nhìn nhận muốn đấu tranh phòng chống tội phạm chưa thành niên một cách hiệu quả, phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh loại tội phạm này, từ đó có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa. Cũng như thầy thuốc, muốn chữa hết bệnh cho bệnh nhân thì phải tìm được đúng bệnh và áp dụng đúng phác đồ điều trị. Việc tăng mức hình phạt hay giảm tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên không phải là giải pháp khả thi và hiệu quả, đôi khi còn phản tác dụng.

Theo Người Lao Động

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm