Bạo lực học đường: Thấy ghét thì đánh
Trong số 200 học sinh ở Hà Nội, 96,7% em cho biết ở trường có nữ sinh đánh nhau. Lý do thì vô vàn, từ trả thù tình tới thấy ghét thì đánh, thậm chí còn không vì cái gì.
>>Quảng Ninh 'đầu bảng' về bạo lực học đường
>>Clip nữ sinh đánh nhau bằng mũ bảo hiểm
Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối |
Đã có một cuộc khảo sát được tiến hành tại hai trường THPT ở Hà Nội, với sự tham gia của 200 học sinh về tình trạng bạo lực nữ sinh. 96,7% em được hỏi cho biết ở trường các em có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau.
Đáng lo ngại là có đến 45% số được hỏi cho rằng điều đó là bình thường, 30% cho rằng có thể chấp nhận được. Khảo sát cũng cho thấy những lí do rất trời ơi nhưng lại là cái cớ để các nữ sinh đánh nhau như: thấy ghét thì đánh, dám nhìn đểu nên đánh, trả thù tình, người khác nhờ đánh, thậm chí chẳng có lí do gì cũng đánh.
Cổng trường không yên tĩnh
Vào đầu năm học, chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới” khá phổ biến. “Đón chào” học sinh mới của các đàn anh, đàn chị bằng việc bắt học sinh mới: lau sàn, vệ sinh riêng chỗ ngồi của các “đại ca”, búng tai...
Tình trạng bạo lực diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà phổ biến tại tất cả các tỉnh thành. Theo Sở GD & ĐT Quảng Nam, phần lớn học sinh bị xếp loại hạnh kiểm yếu là do đánh nhau, hút thuốc, bỏ học dài ngày, trả thù thầy cô giáo vì bị phạt….
Tại Hà Tĩnh, học sinh không được thi tốt nghiệp dọa hành hung thầy giáo. Tại Thanh Hóa, học sinh chém cô giáo vì không được thi lại. Tại Cần Thơ, một sinh viên chém trọng thương năm thầy cô.
Thời gian gần đây còn nổi lên vấn đề bạo lực trong các nữ sinh. Tuy không phải là quá phổ biến nhưng đây cũng là lời cảnh báo về những lệch lạc trong sự phát triển nhân cách và những bất ổn trong tâm lý của một bộ phận nữ sinh hiện nay.
TS Phan Mai Hương, thuộc Viện Tâm lý học Việt Nam cho biết, những em gây bạo lực cho người khác thường là những người có bức bối ở trong lòng, hoặc khi gặp vấn đề thì các em không được dạy cách giải quyết nào khác ngoại trừ việc dùng đến bạo lực. Chưa có những nghiên cứu đủ rộng và sâu để khẳng định tình trạng nữ sinh đánh nhau tăng lên. Tuy nhiên, ngày nay, với sự xuất hiện của các phương tiện hiện đại như điện thoại di động và Internet, những hình ảnh đáng sợ này được phơi bày ngày càng nhiều trước công luận. Việc quay và đưa clip lên mạng được các em coi như một cách để khẳng định đẳng cấp của mình và để hạ nhục đối phương.
Tham vấn tâm lý xa lạ trong nhà trường
Thực tế, tới thời điểm này, tại các trường từ phổ thông lên đến đại học hầu như chưa có phòng tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên.
Nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả Lê Thị Kim Dung, Lã Thị Bưởi, Đinh Đăng Hoè cho thấy gần 100% học sinh phải học thêm, trong đó 17% học sinh phải học thêm trên 5 h/ngày; 85% số học sinh luôn căng thẳng tâm thần do áp lực của việc học tập; 61% trẻ luôn căng thẳng do áp lực của các kỳ thi, kiểm tra quá nhiều; 65% học sinh luôn gặp khó khăn trong học tập do khối lượng nội dung quá lớn của các môn học.
Nghiên cứu tại trường chuyên Quảng Bình (Quảng Bình) cũng cho thấy, có tới 95% số học sinh rối loạn lo âu nói rằng các em rất cần ai đó để chia sẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học đường lắng nghe để các em nói lên nỗi lòng mình.
Nhóm nghiên cứu của thạc sĩ Lê Minh Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội tiến hành khảo sát 288 cặp cha mẹ có con đang ở tuổi thiếu niên tại trường THCS Lý Tự Trọng, TP Thanh Hoá và trường THCS Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội vào năm học 2006-2007 cho thấy hơn 40% bậc cha mẹ cho rằng tham vấn là cần thiết hoặc rất cần thiết.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Có 3 nhóm vấn đề mà học sinh cần được tham vấn là nhóm liên quan đến học tập và thầy cô; nhóm gia đình và bạn bè - giới tính".
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, trường ĐH KHXH &NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, những rối nhiễu tâm lý ở học sinh chủ yếu xuất phát từ áp lực học tập. Sự học ở Việt Nam được xã hội đề cao. Trong khi đó, mỗi năm chỉ có khoảng 30% học sinh có thể “vượt vũ môn” vào ĐH, CĐ. Điều này đã tạo áp lực đối với học sinh phổ thông ngày nay.
Có thể thấy, thời gian gần đây, cùng với nhiều trào lưu như tự tử, bạo lực học đường, nghiện sex… chúng ta nói nhiều tới sự thiếu hụt kĩ năng sống trong học sinh, sinh viên. Một phần từ chương trình học quá nặng nề, giáo viên mải chạy theo thời lượng cho kịp chương trình mà quên đi giáo dục nhân cách.
Tại các nhà trường, giáo viên tham vấn chưa được coi trọng và chưa được xem là môn học chính. Cùng với đó, nhiều thầy cô cũng lệch chuẩn. Đơn cử như bạo lực học đường không chỉ ở học sinh mà còn ở giáo viên, liên quan tới những hành xử bạo lực giữa thầy và trò.
Mới đây, tại một trường học của tỉnh Gia Lai, giáo viên đã phạt những học sinh gây mất trật tự bằng cách gọi từng học sinh lên để đánh. Kết quả, có gần 20 em bị đánh, trong đó có 2 trường hợp phải vào trạm xá băng bó.
Nếu như không có những thầy cô dễ dàng cho học sinh, sinh viên của mình qua môn này, môn kia thì chuyện một chậu axit với hành động côn đồ ngoài sức tưởng tượng của một sinh viên với người thầy đã không xảy ra.
Theo Người Đưa tin