"Không bao giờ đánh con, tại sao bị cáo lại có hành vi tàn nhẫn như vậy?"
Trong suốt buổi xét xử, bị cáo Hồ Ngọc Nhờ luôn khoanh tay trước ngực và không ngừng khóc lóc. Điều này khiến vị thẩm phán - chủ tọa phiên tòa nhiều lần cất lời nhắc nhở: "Bị cáo đừng khóc nữa, người khóc phải là người khác chứ không phải bị cáo". Tuy nhiên, lời nói của vị chủ tọa không ngăn được những dòng nước mắt ăn năn, hối hận của Nhờ.
Theo lời khai nhận tại phiên tòa, sau khi sinh con, Nhờ ở nhà, mở điểm trông trẻ tự phát tại phòng trọ trong khu phố 6 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức). Khoảng tháng 7/2013, chị Võ Thị Huyền (25 tuổi, ngụ Nghệ An, thuê phòng trọ tại tổ 9, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) liên hệ gửi con là cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi). Nhờ nhận lời và thỏa thuận tiền công là 1,5 triệu đồng/tháng.
Khoảng 7h ngày 16/11/2013, chị Huyền đưa con trai đến gửi. Cho bé trai ăn sáng xong thấy Long khóc ngặt nghẽo, Nhờ dỗ không được đã tức giận tóm chân tay nâng người cháu lên cách mặt đất khoảng 80 cm, nạt nộ. Bảo mẫu này bất ngờ tuột tay làm cháu Long rơi xuống đất, nằm ngửa trên nền nhà. Thấy bé trai gào khóc, Nhờ liền dùng chân đạp vào ngực, bụng của cháu rồi đóng cửa phòng bỏ đi vệ sinh. Lúc này Long vẫn kêu gào.
Khoảng 20 phút sau, Nhờ quay lại thì thấy Long nằm bất động nên dùng tay đè ấn lên ngực làm động tác hô hấp cấp cứu, nhưng cháu không có dấu hiệu hồi phục. Hoảng sợ, bảo mẫu này hô hoán, ôm cháu Long chạy ra ngoài cùng hàng xóm chở đi bệnh viện cấp cứu nhưng do chấn thương quá nặng, bé trai đã tử vong. Nhờ bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.
Sau lời khai nhận của Nhờ, tòa hỏi: "Với thương tổn kinh khủng của cháu Long như vậy, chắc chắn bị cáo phải đạp rất mạnh. Bị cáo cũng là mẹ, cháu Long cùng lứa tuổi với con bị cáo, lẽ ra bị cáo phải yêu thương, chăm sóc như con mình. Tại sao bị cáo lại có thể tàn nhẫn, thô bạo như vậy? Bị cáo có đánh con mình không?". Nhờ nức nở trả lời: "Dạ không". "Không bao giờ đánh con mình, tại sao bị cáo lại có hành vi tàn nhẫn với cháu Long như vậy?", chủ tọa hỏi. Nhờ cúi mặt im lặng và khóc nức nở...
"Bị cáo không qua trường lớp, không biết cách chăm sóc trẻ mà vẫn cố nhận giữ trẻ. Bị cáo đã nhận thức thấp kém, thiếu tình thương mà tính tình còn thô bạo. Đứa trẻ chưa đầy 20 tháng tuổi, khi bị rớt xuống nền nhà, đáng lẽ bị cáo phải xem cháu có bị gì không, đằng này bị cáo lại dùng chân đạp.
Bị cáo có biết hành vi của bị cáo đã gây sự phẫn nộ trong nhân dân đến mức độ nào không?", tòa tiếp tục truy hỏi. Đáp lại, Nhờ chỉ biết cúi đầu, khóc nghẹn.
Bị cáo Nhờ gần như khóc suốt phiên xử. |
Tại phiên tòa, những câu trả lời HĐXX của bà Hồ Ngọc Anh (63 tuổi), là mẹ của bị cáo Nhờ, cũng khiến nhiều người không hiểu nổi. Người đàn bà này liên tục lau nước mắt, bảo mình không biết gì, không nhớ gì khi được tòa hỏi. Ngay như chi tiết con gái mình sinh năm nào, bà cũng không nhớ được.
Bản án lương tâm sẽ đeo bám từng giây từng phút
Hoàn cảnh của gia đình bà Anh thuộc diện khó khăn, chồng mắc bệnh tâm thần, bản thân bà mù chữ. Hai vợ chồng già dù chung sống với nhau bao năm, có nhiều con nhưng không đăng ký kết hôn. Khi sinh con, vợ chồng bà cũng hiếm khi làm khai sinh ngay. Do hoàn cảnh nghèo khó nên đa số các con không được đến trường, sống trong điều kiện vất vả, nghèo túng.
Hình ảnh bị cáo khóc cố quay lại nhìn người thân. |
Cùng hoàn cảnh nghèo khó như gia đình vợ, anh Phan Thanh Sơn (23 tuổi), người chồng không hôn thú của Nhờ, chia sẻ, gia cảnh nhà anh cũng rất khó khăn. Bố anh mất đã mấy năm nay, từ năm 2001, ba mẹ con anh lên quận Thủ Đức làm thuê mưu sinh. Vì hoàn cảnh mà anh Sơn bỏ học từ sớm.
Hỏi về khoản tiền bồi thường dân sự sẽ phải trả cho gia đình nạn nhân theo phán quyết của tòa án, anh này vò đầu: "Nếu phải bồi thường như vậy (tại tòa, số tiền gia đình nạn nhân yêu cầu phải bồi thường là 100 triệu đồng - PV) thì không biết chúng tôi sẽ lấy tiền ở đâu ra nữa. Giờ cả nhà còn thiếu cái ăn mà nói chi có đâu mà bỏ ra số tiền như vậy. Thực sự chúng tôi không biết tính sao nữa".Bà Hồ Ngọc Anh, mẹ bị cáo Nhờ nước mắt lưng tròng trước giờ xét xử. |
Về phía cha mẹ cháu Long, trong phần trả lời thẩm vấn, vị chủ tọa phiên tòa chia sẻ tình cảnh của gia đình và cha mẹ cháu, nhưng ông cũng nhấn mạnh vụ việc này cho thấy sự thiếu sót của cha mẹ cháu khi đã không chọn gửi con vào những nhà trẻ có giấy phép, chứng nhận của địa phương. Đây là bài học cay đắng cho các bậc phụ huynh.
Nghe điều này, cha mẹ cháu Long tỏ ra rất đau buồn và bật khóc. Trong suốt phiên tòa, dù được nhiều phóng viên hỏi thăm, nhưng cha mẹ cháu Long gần như không muốn nói gì, có lẽ sự đau khổ, mất mát quá lớn đã khiến họ không muốn chia sẻ thêm điều gì nữa.
Khi được yêu cầu nêu nguyện vọng của mình, chị Võ Thị Huyền - mẹ cháu Long chỉ xin xử đúng pháp luật và đề nghị bị cáo và gia đình bồi thường 100 triệu đồng tiền chi phí các loại.
Bào chữa miễn phí cho bị cáo Nhờ, luật sư Vũ Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu ra nhiều tình tiết liên quan đến hoàn cảnh gia đình nghèo khó của bị cáo. Theo đó, từ ngày vụ án xảy ra, đứa con nhỏ của Nhờ trở nên bơ vơ vì thiếu mẹ, còn cha phải lo mưu sinh với cuộc sống hằng ngày. Nghe nhắc đến tình cảnh của đứa con nhỏ của mình, tiếng khóc của bị cáo Nhờ như càng lớn hơn.
Khi được nói lời sau cùng, Nhờ nghẹn ngào quay về phía cha mẹ cháu Long cúi đầu và nói: "Em đã sai, em thật sự xin lỗi anh chị vì đã gây ra cái chết cho cháu Long. Giờ em cũng không biết nói gì hơn, ngàn lần xin lỗi anh chị, xin anh chị tha thứ cho em".