Zing trích dịch bài đăng Japan Times, đề cập đến những định kiến, trở ngại của người trông trẻ là nam giới trong xã hội Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, tư tưởng "đàn ông đi làm, đàn bà trông con" và quan điểm nam giới không đáng tin trong chuyện chăm trẻ khiến các bảo mẫu nam phải đối diện với ánh nhìn kiêng dè, kỳ thị của xã hội.
Naoya Miyatake (30 tuổi) có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành chăm sóc trẻ em. Anh từng là một trong những người trông trẻ được tìm kiếm nhiều nhất Nhật Bản thông qua ứng dụng môi giới bảo mẫu trực tuyến Kidsline.
Chia sẻ với Japan Times, Miyatake cho biết bản thân gặp không ít khó khăn khi mới lập nghiệp. Nhiều bậc cha mẹ từ chối để anh đảm nhận công việc chăm trẻ vì không muốn để một người ông lạ mặt tắm rửa, thay tã cho con họ.
Bảo mẫu kỳ cựu Naoya Miyatake từng gặp nhiều định kiến khi bắt đầu công việc trông trẻ. Ảnh: Tomohiro Osaki. |
Dù vậy, Miyatake không hề nản lòng, tiếp tục công tác và thách thức định kiến giới trong ngành chăm sóc trẻ em. "Phụ nữ đã can đảm dấn thân vào các lĩnh vực vốn do nam giới thống trị. Tôi muốn chứng minh rằng đàn ông cũng có thể làm những công việc vốn được định hướng cho nữ giới".
Thế nhưng, vụ việc hai bảo mẫu nam thuộc công ty Kidsline bị bắt giữ vì tấn công tình dục trẻ em vào đầu năm nay lại làm gia tăng sự kỳ thị đối với nam giới làm nghề giữ trẻ. "Tôi cảm thấy tức giận khi những nỗ lực của mình đổ bể chỉ vì những cá nhân như vậy", Miyatake bày tỏ.
Đàn ông trở thành "người thừa" trong ngành
Tháng 4 vừa qua, Akinori Hashimoto (28 tuổi) bị bắt giữ vì hành vi quấy rối tình dục nhiều bé trai. Đáng nói, kẻ thủ ác lại là một nhân viên trông trẻ được cấp giấy phép hành nghề hợp pháp.
Vài tháng sau, NHK News đưa tin bảo mẫu nam Ken Arai (30 tuổi) phải hầu tòa với tội danh "xâm hại tình dục" đối với bé gái do mình chăm sóc. Tòa án Tokyo nhận định hành vi của Arai là "tội ác tàn độc, đáng khinh và có nguy cơ làm xói mòn niềm tin vào các doanh nghiệp trông trẻ".
Hai đối tượng trên đều là nhân viên của Kidsline - công ty môi giới nhân viên trông trẻ trực tuyến nổi tiếng Nhật Bản. Sau sự việc trên, công ty này nhận về làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của người dân xứ hoa anh đào, buộc phải tuyên bố tạm đình chỉ hoạt động của 200 bảo mẫu nam trên ứng dụng.
"Các chuyên gia cho rằng tội phạm tấn công tình dục trẻ em thường là nam giới", phía Kidsline giải thích về 2 vụ việc trong thông báo đưa ra hồi tháng 6.
2 vụ xâm hại trẻ em của nhân viên Kidsline khiến định kiến xã hội dành cho bảo mẫu nam càng thêm sâu sắc, củng cố quan điểm chỉ phụ nữ mới phù hợp với việc chăm sóc trẻ em. Ảnh: Savvy Tokyo. |
Đồng thời, công ty cũng tuyên bố tăng cường biện pháp sàng lọc để tìm ra những nhân viên có khả năng là tội phạm tình dục bằng biện pháp phỏng vấn, đào tạo, kiểm tra tính cách và yêu cầu nhân viên tuyên thệ trước khi ký hợp đồng lao động.
Kazuki Shibata (30 tuổi), một người giữ trẻ ở Nagoya, lo ngại rằng vụ việc của Kidsline sẽ khiến xã hội thêm kỳ thị đàn ông làm việc trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em.
Shibata chia sẻ một phụ huynh từng nghi ngờ anh là kẻ ấu dâm ẩn mình như Akinori Hashimoto và Ken Arai. Tuy nhiên, nghi hoặc của họ nhanh chóng tan biến khi chứng kiến thái độ thẳng thắn, chuyên nghiệp của anh trong công việc.
Dẫu vậy, hành động đình chỉ công tác của các nhân viên nam dưới trướng Kidsline khiến Shibata và nhiều bảo mẫu nam khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần. "Tôi cảm thấy ngành này chỉ cần bàn tay người phụ nữ, còn đàn ông chúng tôi là người thừa", anh nói.
Siết chặt luật pháp để xóa bỏ kỳ thị
Vì tính chất tiện lợi và chi phí phải chăng, các website và ứng dụng môi giới người trông trẻ mọc lên với tốc độ chóng mặt, lấn át hoạt động của các công ty truyền thống.
Người dân xứ hoa anh đào ví dịch vụ này như "Uber dành cho bảo mẫu", nơi các bậc cha mẹ có thể tiếp cận, lựa chọn người giữ trẻ họ muốn chỉ với vài thao tác đơn giản.
Dù tiện lợi, nhanh chóng và hiện đại, những nền tảng này lại không hoàn toàn đảm bảo lý lịch và trình độ chuyên môn của các ứng viên.
Trước vụ việc Kidsline, dư luận Nhật Bản từng rúng động trước vụ lạm dụng tình dục và giết hại một bé trai 2 tuổi ở Saitama. Hung thủ là Yuji Motte (26 tuổi), một bảo mẫu nam được giới thiệu qua website môi giới người trông trẻ.
Bà Aki Fukoin, người đứng đầu nhóm vận động phụ huynh về vấn đề giáo dục trẻ em mẫu giáo, nhận định các công ty môi giới thường không chịu trách nhiệm quản lý, giám sát người trông trẻ.
"Thủ tục đăng ký dễ dàng khiến bất cứ ai cũng có thể trở thành bảo mẫu và dễ dàng thu hút khách hàng tiềm năng", bà Fukoin nói.
Nhanh chóng, tiện lợi, chi phí rẻ, song những website và ứng dụng môi giới bảo mẫu trực tuyến lại không đảm bảo lý lịch và chuyên môn của nhân viên. Ảnh: Asahi. |
Trước tình trạng này, Bộ Y tế Nhật Bản dự định xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cá nhân có tiền sử phạm tội tình dục. Sáng kiến này được dựa trên hoạt động của Dịch vụ Tra cứu Án tích Anh quốc (DBS), ngăn chặn đối tượng tiềm ẩn nguy cơ hoạt động trong các ngành nghề liên quan đến trẻ em.
"Có một hệ thống tương tự DBS giúp tôi thêm tự tin trong công việc, không còn e sợ những ánh nhìn nghi hoặc của các bậc phụ huynh nữa", bảo mẫu kỳ cựu Miyatake nói.
Anh Shibata, người trông trẻ ở thành phố Nagoya cũng bày tỏ ý kiến tương tự. "Tôi thấy đau lòng khi sự việc ở Kidsline khiến định kiến về bảo mẫu nam thêm hằn sâu. Nhưng tôi hy vọng mọi người đừng quên rằng nhiều người như tôi vẫn luôn tận tụy với công việc và thực sự yêu quý lũ trẻ".