Trong nhiều thập kỷ, hộ chiếu đóng vai trò là phương tiện định danh du khách khi đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, với cuốn hộ chiếu truyền thống, tội phạm có thể sao chép, đánh cắp danh tính để xuất nhập cảnh trái phép.
Nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng hộ chiếu điện tử gắn chip để khắc phục lỗ hổng này. Bằng cách sử dụng vi mạch RFID, hình mờ và các tính năng in ấn phức tạp, sản phẩm được đánh giá hiệu quả và an toàn hơn nhiều.
Hộ chiếu điện tử là gì?
Hộ chiếu điện tử, hoặc hộ chiếu sinh trắc học, là giấy thông hành quốc tế với các chi tiết nhận dạng như số hộ chiếu, họ tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh kèm theo một chip vi xử lý điện tử chứa dữ liệu số hóa.
Tùy thuộc vào quốc gia, chip RFID nhỏ bé này có thể chứa một lượng lớn thông tin. Một số thông tin sinh trắc học phổ biến nhất được lưu trong hộ chiếu điện tử có thể kể đến khuôn mặt, dấu vân tay, mống mắt…
Dữ liệu trong con chip này chỉ đọc được khi quét bằng máy chuyên dụng.
Đặc điểm nhận dạng của hộ chiếu điện tử là có logo màu vàng hình camera ở bìa ngoài. Ảnh: Passport Legacy. |
Vi mạch điện tử được gắn trong hộ chiếu sử dụng công nghệ RFID. Đây là công nghệ giao tiếp được ứng dụng trong nhiều loại thẻ.
Những quốc gia nào đang sử dụng hộ chiếu điện tử?
Việc số hóa thông tin trên hộ chiếu điện tử mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên, du khách thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh nhanh gọn hơn. Ở một số nước, cửa khẩu có lối đi nhập cảnh tự động, ưu tiên cho công dân có hộ chiếu gắn chip làm thủ tục, không cần xếp hàng trình diện nhân viên hải quan.
Bên cạnh đó, hộ chiếu điện tử còn lưu trữ thông tin với độ bảo mật cao, giảm nguy cơ làm giả, sao chép bất hợp pháp.
Malaysia là quốc gia đầu tiên ra mắt hộ chiếu điện tử vào năm 1998, trước khi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICAO) thông qua kế hoạch toàn cầu hóa việc tích hợp sinh trắc học vào hộ chiếu.
Tháng 2/2010, Malaysia mới bắt đầu cấp hộ chiếu sinh trắc học theo tiêu chuẩn quốc tế được ban hành bởi ICAO. Ảnh: Jabatan Imigresen Malaysia. |
Tiếp đó, năm 2004, Bỉ ban hành hộ chiếu đầu tiên trên thế giới tuân thủ các tiêu chuẩn của ICAO.
Năm 2006, Mỹ ứng dụng hộ chiếu điện tử. Đến năm 2013, có khoảng 100 quốc gia phát hành, với gần 400 triệu hộ chiếu dạng này được lưu hành trên toàn thế giới. Con số tăng lên hơn 150 quốc gia vào giữa năm 2019.
Trong phạm vi ASEAN, đã có 8 nước chính thức phát hành hộ chiếu điện tử gồm Malaysia, Thái Lan, Singapore, Brunei, Philippines, Indonesia, Campuchia và Lào.