Khởi đầu, nhà Bảo sanh Chợ Lớn có 60 giường, chủ yếu dùng cho sinh thường và làm Trường nữ hộ sinh bản xứ để đào tạo các lớp nữ hộ sinh.
Đến năm 1940, khi xây cất xong Bảo sanh viện Từ Dũ, nhà Bảo sanh Chợ Lớn này được sử dụng một phần làm Viện dưỡng nhi nuôi trẻ mồ côi.
Đến 1947, khi Nhật xâm chiếm Việt Nam, khu này được sử dụng một phần làm khu doanh trại của quân Nhật.
Đến 1952, thực dân Pháp dùng làm đồn công an gọi là trại công an Polo Chợ lớn chuyên bắt giam và tra tấn tù chính trị.
Ngày 27/11/1957, Bảo sanh viện được chính thức giao cho Bộ Y tế Việt Nam Cộng hòa quản lý, lúc này vẫn giữ 60 giường, chủ yếu đẻ thường, không nhận chữa trị phụ khoa. Sau đó được cho xây dựng sửa chữa lại và chính thức khánh thành ngày 23/3/1958 với tên Bảo sanh viện Hùng Vương, với qui mô 180 giường, được xếp Bảo sanh viện hạng II.
Trước 30/4/1975, Bảo sanh viện được nâng lên 375 giường được xếp Bảo sanh viện hạng 1 – có 321 công chức do bác sĩ Phạm Tu Chính làm giám đốc, địa bàn hoạt động chủ yếu là phục vụ dân chúng cư ngụ khu vực Chợ Lớn và các tỉnh lân cận – Bảo sanh viện đơn thuần tập trung cho việc sinh đẻ, còn về phụ khoa chủ yếu là giải quyết những bệnh thông thường.
Bảo sanh viện tự trị hoạt động theo lối doanh thu lợi nhuận, mọi cấu trúc về tổ chức, nhân sự, phòng ốc đều mang đầy đủ tính chất lợi nhuận, các trại phòng được phân hạng theo giá tiền, không theo tính chất bệnh – có 1 trại là trại H gọi là trại “thí” giành cho sản phụ nghèo.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bảo sanh viện Hùng Vương được tiếp quản một cách trọn vẹn bởi Ban quân quản gồm 4 đồng chí, Trưởng ban là bác sĩ Nguyễn Thị Thùy với 3 thành viên là y sĩ Hồ Thị Thanh; y sĩ Đặng Huệ Linh và y sĩ Nguyễn Thị Hạnh, về sau được bổ sung thêm 2 đồng chí: y sĩ Phạm Văn Hùng và y sĩ Hoàng Duy Kền. Cuối năm 1976 kết thúc thời kỳ quân quản.
Sau nhiều đợt cải tiến cơ cấu, ổn định, sắp xếp tổ chức, để phù hợp với một bệnh viện chuyên khoa sản phụ theo mô hình XHCN, đến tháng 3/1978 bệnh viện chính thức được Sở y tế công nhận là bệnh viện chuyên khoa Sản phụ tuyến 4 của TP HCM với quy mô 400 giường, phục vụ cho 18 quận huyện nội ngoại thành với số dân 3,5 triệu.
Năm 2004, Bệnh viện Hùng vương được xây mới với quy mô một trệt bốn lầu, tổng diện tích sàn sử dụng 20.000m2 và kinh phí xây dựng gần 83 tỉ đồng. Bệnh viện có sức chứa 610 giường (tăng 170 giường so với khi chưa xây mới) với 28 khoa phòng nội trú, 250 giường ngoại trú. Bệnh viện cũng đã đầu tư thêm 10 tỉ đồng để trang bị mới các trang thiết bị phục vụ bệnh nhân.