Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, chiều 13/9, tâm bão Doksuri cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 9 (75 đến 90 km/h), giật cấp 12.
Vị trí và hướng đi của bão số 10. Ảnh: NCHMF. |
Bão có thể mạnh tới cấp 13
Đêm nay và ngày mai, bão di chuyển 15-20 km/h theo hướng tây chếch bắc và tiếp tục mạnh thêm. Chiều ngày 14/9, bão Doksuri nằm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, đạt cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15.
Ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực bắc và giữa Biển Đông có khả năng mưa rào và dông mạnh, kèm bão mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12.
Trong 2-3 ngày tới, bão di chuyển theo hướng tây chếch bắc, với vận tốc 20 km/h và tiếp tục mạnh hơn. Chiều 15/9, bão Doksuri đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 16.
Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo gió mạnh, sóng lớn và nước dâng bão ở Vịnh Bắc Bộ. Điều đáng lo ngại là vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 7-10, giật cấp 11, riêng vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió bão mạnh cấp 11-13, giật cấp 15.
Mực nước biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình dâng cao đến 1 m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lên tới 2 m.
Từ rạng sáng 15/9, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa xuất hiện mưa to đến rất to (100-400 mm/đợt).
Sáng 15/9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 10 với hàng loạt tỉnh thành cùng nhiều đơn vị liên quan.
Hình ảnh vệ tinh của bão số 10. Ảnh: NCHMF.
|
Các tỉnh miền Trung tập trung chống bão
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thanh Hóa cho hay đến 14h30 ngày 13/9, tỉnh này còn 1.696 phương tiện với 17.219 ngư dân đang hoạt động trên biển. Ba phương tiện với 36 lao động của xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) chưa thể liên lạc được.
Đài Thông tin báo bão tỉnh này đang tích cực thông báo vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão số 10 cho chủ các tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm.
Ngày 13/9, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ban, ngành từ ngày mai (14/9) tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, phối hợp với các đơn vị để tập trung chống bão.
Các địa phương phải sớm có báo cáo vấn đề an toàn hồ đập, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công điện khẩn yêu cầu cấm biển các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 7h ngày 14/9. Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp và ra thông báo, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ neo đậu an toàn.
Tính đến 18h ngày 13/9, nhiều tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu khi nhận tin bão đã về bến neo đậu. Dự kiến, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân cập bờ neo đậu vào trưa 14/9.