Harvard Crimson đưa tin Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Peabody (thuộc Đại học Harvard) đã loại bỏ gần 40 hiện vật của người Mỹ bản địa khỏi khu vực trưng bày.
Lý do là vào tháng 12/2023, Bộ Nội vụ Mỹ yêu cầu các bảo tàng phải nhận được sự đồng ý từ các bộ lạc và người Mỹ bản địa mới được phép trưng bày, nghiên cứu các hiện vật văn hóa hoặc hài cốt của người bản địa ở các thế kỷ trước. Các hiện vật này đang được bảo vệ theo Đạo luật bảo vệ và hồi hương mồ mả người Mỹ bản địa.
Do đó, từ ngày 12/1, bảo tàng đã đóng cửa toàn bộ tầng 1 và tầng 4, các hiện vật trưng bày ở tầng 3 cũng ngừng cho khách tham quan để bảo tàng tham khảo ý kiến của các thủ lĩnh bộ lạc về việc sắp xếp lại bảo tàng.
Đến ngày 5/2, tầng 1 của bảo tàng mở cửa trở lại với một số thay đổi. Cụ thể, gần 40 hiện vật, trong đó nhiều món đồ được sử dụng trong các nghi lễ hoặc tang lễ, đã bị dỡ bỏ và thay thế bằng bảng chú thích "Các đồ vật bị dỡ bỏ vì nhạy cảm văn hóa".
Khu vực triển lãm ở tầng 3 cũng đã mở cửa trở lại từ ngày 22/1 và một số hiện vật cũng không còn được trưng bày.
Trong một hội thảo, Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Peabody cho biết những hiện vật được dỡ bỏ đã được "hồi hương" hoặc trả lại cho cồng đồng người Mỹ bản địa, hoặc những món đồ đó đã được cất đi vì không còn phù hợp để chia sẻ với công chúng.
Trong số gần 40 món đồ được dỡ bỏ, một số hiện vật là búp bê tượng trưng cho các vị thần trong văn hóa tâm linh của bộ tộc Zuni. Những hiện vật này ít được công chúng biết đến trước khi bảo tàng này mua lại vào năm 1905.
Ngoài ra, bảo tàng cũng phải hoàn trả một loại mặt nạ đính lông vũ và hạt cườm. Loại mặt nạ này có thể đã được ban nhạc Patwin của nước Wintun sử dụng trong các buổi lễ tưởng nhớ người đã khuất, cử hành hôn lễ hoặc đựng đồ ăn. Toàn bộ hiện vật liên quan hoạt động khiêu vũ và nghi lễ cũng bị xóa khỏi bộ sưu tập.
Giáo sư nhân chủng học Joseph P. Gone tại Đại học Harvard - hậu duệ của bộ lạc Aaniiih-Gros Ventre, nói rằng triển lãm hiện vật của người Mỹ bản địa ở Peabody là minh chứng cho một thời kỳ đau khổ đối với các bộ lạc người Mỹ bản địa.
Ông bày tỏ sự vui mừng vì quy định mới của Bộ Nội vụ sẽ giúp lịch sử của người Mỹ bản địa được khôi phục theo hướng có lợi cho con cháu, hậu duệ của các bộ lạc.
Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Peabody là nơi lưu trữ các bộ sưu tập nhân chủng học. Ngoài hài cốt và các hiện vật văn hóa, nơi đây còn trưng bày hàng loạt bộ sưu tập tóc, bao gồm mẫu tóc của 700 trẻ em thuộc 300 bộ lạc Mỹ.
Những mẫu tóc này được nhà nhân học George Edward Woodbury thu thập được từ năm 1930-1933.
Bộ sưu tập tóc này từng gây tranh cãi là ông Woodbury đã thu thập mẫu tóc từ các học sinh ở trường nội trú dành cho người Mỹ bản địa từ thế kỷ 19. Hồi đó, trẻ em Mỹ bản địa học ở những trường này thường bị ngược đãi nên việc giữ mẫu tóc của trẻ em khiến nhiều người phẫn nộ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.