Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo vệ chủ quyền biển đảo tiếp tục vào đề thi Địa lý

Tương tự môn Ngữ văn, Lịch sử, đề thi tốt nghiệp Địa lý khiến thí sinh hứng thú khi đề cập đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Xem đề thi và gợi ý đáp án môn Văn TẠI ĐÂY
Xem đề thi và gợi ý đáp án môn Vật lý TẠI ĐÂY
Xem đề thi và gợi ý đáp án môn Lịch sử TẠI ĐÂY

Xem đề thi và gợi ý đáp án môn Toán TẠI ĐÂY
Xem đề thi và gợi ý đáp án môn Hóa TẠI ĐÂY

Thí sinh hào hứng với đề thi môn Địa

Môn thi tự chọn tiếp theo (sau khi đã hoàn tất hai môn bắt buộc là Văn và Toán) kết thúc vào 17h30 hôm nay. Không ngoài dự đoán của thí sinh và dư luận, chủ đề biển đảo tiếp tục xuất hiện trong đề thi Địa.

Đề thi và gợi ý đáp án môn Địa lý tốt nghiệp

17h30 hôm nay (3/6), thí sinh kết thúc bài làm môn tự chọn Địa lý.

 

Câu 1 của đề như sau: "Vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào? Trình bày tài nguyên khoáng sản và hải sản của vùng biển nước ta".

Tiếp theo, phần 1 câu hai tiếp tục đề cập vấn đề đang nóng hiện nay: bảo vệ chủ quyền biển đảo. Câu hỏi như sau: "Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta?".

Thí sinh dự thi tại hội đồng THPT Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Lê Hiếu.

Tại hội đồng thi trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) chỉ có 23 thí sinh dự thi môn Địa lý. Kết thúc môn thi chiều nay, hầu hết thí sinh bước ra khỏi trường thi với tâm trạng phấn khởi vì…trúng tủ, cũng như hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp.

“Đúng như em dự đoán, đề Địa sẽ có câu hỏi về biển, đảo. Câu số một nói về những bộ phận vùng biển Việt Nam rất dễ, không cần thuộc kỹ, chỉ cần nắm ý là làm tốt. Em thấy hay nhất là câu hỏi tại sao phải bảo vệ chủ quyền một hòn đảo dù rất nhỏ ở nước ta, vì chúng em đã tìm hiểu về vấn đề này trước đó. Nhưng câu còn lại tương đối dễ, đều nằm trong sách giáo khoa”, học sinh Bùi Thị Mai Hương phấn khích. Năm nay, Hương chọn thi đại học khối C.

Thí sinh tại TP.HCM cười vui vẻ sau khi hoàn thành bài làm môn Địa lý. Ảnh: Như Quỳnh.

Dù thi khối D, nhưng Huỳnh Trung Hiếu (THPT Phú Nhuận) cũng tự tin sẽ đạt được 7–8 điểm. Hiếu chia sẻ: “Em vui vì phần biển đảo em đã ôn kỹ, ngay cả câu hỏi về bảo vệ chủ quyền đảo cũng dễ, dù không phải là câu học thuộc bài. Nhưng em lại bất ngờ với câu về sản lượng lúa gạo, vìem không nghĩ ra phần này. Hơn nữa, câu này phải nhớ số liệu, trong Atlat không đủ số liệu như sách giáo khoa”.

Hầu hết thí sinh nhận định đề thi Địa lý năm nay tương đối dễ, các câu hỏi không bắt phải học thuộc lòng quá nhiều. “Ngay cả phần biểu đồ cũng không khó. Em lo nhất là đề sẽ bắt đoán biểu đồ nhưng lại được yêu cầu vẽ biểu đồ cột luôn. Hầu hết các dạng câu hỏi em đã được thầy cô cho làm. Em còn thi môn Anh Văn, nhưng giờ em tự tin mình đã đậu tốt nghiệp”, Nguyễn Thị Mỹ Ngân (THPT Phú Nhuận) bày tỏ.

Tại hội đồng thi trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), tâm trạng thí sinh cũng tương tự sĩ tử ở TP.HCM. Minh Thúy (THPT Chu Văn An) vui mừng vì đề thi như dự đoán: “Chúng em đều đoán đề thi môn địa năm nay sẽ vào biển đảo vì đây là vấn đề thời sự mọi người quan tâm.

Nguyễn Hiền chia sẻ: “Câu hỏi về biểu đồ năm nay là biểu đồ cột, dễ hơn so với các dạng biểu đồ khác. Còn câu hỏi về chủ quyền biển đảo khiến học sinh rất hào hứng”. 

Đề Địa lý khối Giáo dục thường xuyên đề cập tới Hoàng Sa - Trường Sa

Câu hỏi “Nêu hai quần đảo xa bờ và hai huyện đảo ở nước ta” đã giúp học sinh khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam.

Sau khi kết thúc môn Địa lý, hầu hết các thí sinh tại hội đồng Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân (Hà Nội) phản ánh đề thi năm nay khá đơn giản. Thậm chí có nhiều em nói rằng đề thi khá dễ, có thể hoàn thành trước thời gian quy định khoảng 10-20 phút.

 

Nữ sinh Hà Nội xem lại Atlat Địa lý. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo số đông sĩ tử, phần câu hỏi về thế mạnh của thiên nhiên khu vực đồng bằng, thủy điện tại Trung du và miền núi Bắc bộ, biểu đồ về dân số Việt Nam đều là những phần kiến thức thuộc Sách giáo khoa lớp 12.

Đặc biệt, đề thi năm nay có câu hỏi đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo của nước ta với nội dung: “Dựa vào các trang bản đồ Hình thể, Hành chính của Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy: Nêu tên hai quần đảo xa bờ và hai huyện đảo ở nước ta? Giải thích tại sao cần phải kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của nước ta trên Biển Đông”.

Câu hỏi số 4 cuối cùng trong đề thi khiến nhiều học sinh thích thú. Em Nguyễn Hữu Kết chia sẻ: “Đề bài năm nay dễ, em làm vẫn thừa 10 phút, tất cả kiến thức đều nằm trong sách giáo khoa và đã được giáo viên ôn tập ký. Câu cuối cùng trong đề thi không nằm trong kiến thức được học nhưng do bọn em theo dõi tình hình thời sự nên biết”.

Em Nguyễn Công Khiên (Trung tâm Giáo dục Thường xuyên) quận Thanh Xuân vui mừng vì làm được bài: “Câu biển đảo đã được đoán trước vì vấn đề này đang rất nóng bỏng, em đã xem thời sự và vận dụng cả kiến thức được học lẫn những thông tin nắm bắt để làm bài. Bên cạnh đó cũng bày tỏ cảm xúc của mình với vấn đề chủ quyền không thể xâm phạm của đất nước".

 

Cô Trần Thị Hồng Thúy, giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định chia sẻ: "Đề thi sử dụng câu chữ rất rõ ràng, vì vậy học sinh không bị đánh đố hay nhầm lẫn".

Trong đó, nội dung câu hỏi về chủ quyền biển đảo Việt Nam, cập nhật tình hình thời sự, các em đã được ôn tập rất kỹ vì vậy hoàn toàn có thể làm bài tốt, đạt điểm cao. Cô Thúy cũng chia sẻ nội dung này nằm ngay trong bài số 2 của chương trình môn Địa lý lớp 12.

 

Bên cạnh đó, giáo viên này cũng cho rằng đề thi giúp kiểm tra rất nhiều kỹ năng của môn học như khai thác Atlat, phân tích bảng số liệu, vẽ biểu đồ... Vì vậy, các học sinh buộc phải hiểu chứ không đơn thuần chỉ là câu hỏi học thuộc.

 

 

 

Đối với học sinh khối C, nếu làm tốt bài thi này các em có thể hoàn toàn tự tin khi tham dự kỳ tuyển sinh đại học sắp tới.

 

 

 

Quyên Quyên - Như Quỳnh - An Hoàng

Bạn có thể quan tâm