Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo vệ con khỏi vấn nạn lạm dụng tình dục

Dư luận nổi lên nhiều vụ tấn công và lạm dụng tình dục ở trẻ em. Bảo vệ con như thế nào trước vấn nạn lạm dụng tình dục là một trong những nội dung nhiều phụ huynh quan tâm.

Chuyện đau lòng từ những đứa trẻ bị xâm hại

Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Anh đã chia sẻ một bức tranh của một cô bé 6 tuổi đã vẽ khi cháu điều trị tại khoa Tâm lý - bệnh viện Nhi đồng 1. Cháu chỉ vẽ độc hình ảnh một cô bé mặc váy. Chiếc váy với rất nhiều vệt màu đỏ lem luốc. Trước đó, cháu được gia đình đưa đến bệnh viện vì có dấu hiệu đau đầu, thường xuyên khóc thét và sợ hãi. Phải sau vài tháng điều trị tại khoa Tâm lý, cháu mới kể cho các chuyên gia tâm lý chuyện cháu bị một người gia sư xâm hại tình dục. Bức tranh kia là nỗi đau đớn âm thầm mà cháu phải chịu đựng suốt một thời gian dài.

Cử nhân tâm lý Hoàng Dương, khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng kể một trường hợp đáng nhớ. Đó là một cậu bé 13 tuổi. Em đến bệnh viện khám trong tình trạng sốt nặng và hoảng sợ. Qua xét nghiệm, các bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm HIV. 

Trong khi đó, cả cha mẹ em đều không bị nhiễm căn bệnh này. Thấy có những bất thường về tâm lý, em được đưa đến khoa tâm lý để các bác sĩ điều trị thêm. Tại đây, em cho biết, mình từng bị một nam thanh niên lạm dụng tình dục nhiều lần ở nhà tắm hồ bơi - nơi cha mẹ hướng em đến vào mỗi dịp cuối tuần.

Khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường có tâm lý giữ im lặng (ảnh minh họa).

Khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường có tâm lý giữ im lặng - Ảnh minh họa.

Câu chuyện kể trên chỉ là một vài ví dụ trong hàng trăm trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục đã được phát hiện. Theo thạc sĩ Diệu Anh, khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường chịu những tổn thương rất lớn. Đặc biệt, những sang chấn tâm lý thường lâu dài và rất khó điều trị. Trẻ thường có quan niệm méo mó, lệch lạc về cuộc sống, con người và quan hệ tình dục, có sự sụp đổ về niềm tin ở người thân.

Nguy hiểm hơn, khi lớn lên những em bé từng bị xâm hại sẽ dễ rơi vào tình trạng rối loạn tình dục, rối loạn chức năng xã hội. Theo điều tra xã hội học có rất nhiều trường hợp nạn nhân của lạm dụng tình dịch lúc nhỏ lớn lên hành nghề mại dâm, tội phạm, trốn nhà, lạm dụng chất gây nghiện…

Dấu hiệu cho thấy con bị xâm hại tình dục

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, nếu tinh ý và dành thời gian quan tâm đến con, cha mẹ rất dễ nhận thấy những dấu hiệu bất thường nếu bị xâm hại. 

Khi bị xâm hại tình dục, trẻ thường có những dấu hiệu lâm sàng như: bị rối loạn giấc ngủ (trẻ thường gặp ác mộng, có thể bị thức giấc giữa đêm với tâm trạng hoảng sợ, la hét, khóc thét). Trẻ thường gặp rối loạn ăn uống (nôn mửa, chán ăn hoặc ăn uống vô độ). 

Ngoài ra, trẻ thường gặp chứng lo âu hoặc ám sợ như: không chịu cởi quần áo, không chịu đi vệ sinh ở trường học, trẻ có xu hướng làm sạch thái quá trong cách lau chùi, sợ đàn ông. Trẻ thường tự nhốt mình tròng phòng, sợ bị đụng chạm vào người ngay cả với người thân, tỏ ra hoài nghi với người khác….

Khi bị xâm hại, trẻ cũng rất dễ gặp phải các triệu chứng trầm cảm, được biểu hiện ra bên ngoài như hay buồn bà, thiếu tự tin, thu mình, tự đánh giá thấp bản thân, khóc không rõ lý do, có ý định tự tử hoặc tự làm đau mình. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp phải chứng rối loạn hành vi tổng quát như hay tranh cãi với người lớn. Hành vi trưởng thành giả tạo cũng được xem là một trong những dấu hiệu của sự lạm dụng tình dục. Ví dụ như khi chơi, trẻ thường thích đảm nhận vai trò làm người lớn như làm mẹ, làm vợ…

Đặc biệt, có những dấu hiệu bị lạm dụng rất dễ nhận thấy ở con mình mà các bậc cha mẹ nên lưu ý như trẻ quan tâm quá mức tới những gì liên quan đến tình dục; có những hình vẽ bất thường…

Cử nhân tâm lý Hoàng Dương đã chia sẻ phương pháp bàn tay để các bậc cha mẹ có thể dạy con về cách tự bảo vệ mình. Quy tắc bàn tay được giải thích là bàn tay của bé có 5 ngón, tượng trưng cho 5 vòng tròn giao tiếp. Tay trẻ dùng để ôm những người thân ruột thịt trong gia đình; trẻ có thể nắm tay bạn bè, thầy cô, họ hàng; trẻ bắt tay khi gặp người quen; vẫy tay nếu người đó là xa lạ và xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu người xa lạ nào đó khiến bé cảm thấy bất an, tiến lại gần để có cử chỉ thân mật.

 

http://laodong.com.vn/song-khoe/bao-ve-con-khoi-van-nan-lam-dung-tinh-duc-273823.bld

Theo Khương Quỳnh/Lao Động

Bạn có thể quan tâm