Kỷ nguyên Internet mang lại nhiều cơ hội học tập, giải trí cho trẻ em nhưng cũng đưa đến nhiều rủi ro rình rập người dùng nhỏ tuổi. Thấu hiểu điều này, gần nửa năm qua, một nhóm bạn trẻ đã lặng lẽ, bền bỉ hoạt động với mong muốn tạo ra liều “vắc-xin” hiệu quả, giúp các em nhỏ an toàn hơn khi tham gia không gian mạng.
Nhóm CyberKid có cách tiếp cận sinh động, dễ hiểu đối với trẻ em. Ảnh: Tiền Phong. |
Mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại trên không gian mạng
Đó là thống kê mà nhóm CyberKid đã công bố tại “Hội nghị đào tạo tập huấn về kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng”, do Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức phi chính phủ CyberKid phối hợp trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tổ chức vào cuối năm 2020 vừa qua.
Thống kê cũng cho biết 71% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet, trong đó có các em sử dụng mạng 188 phút mỗi ngày. Ngoài ra, 69,05% trẻ em khi gặp các vấn đề, sự cố trên không gian mạng thường giấu kín, không chia sẻ cho người lớn, thầy, cô. Đối với hệ thống giáo dục nhà trường, 73,1% không có các quy định liên quan việc sử dụng Internet của học sinh.
“Trẻ em Việt Nam có đang được bảo vệ an toàn trên không gian mạng không?” là câu hỏi tôi thường đặt ra cho các chuyên gia tại tất cả hội thảo tôi từng tham dự với tư cách diễn giả.
Hơn 24 triệu trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt hàng trăm mối nguy cơ về an toàn thông tin trên mỗi ngày khi truy cập Internet. Tuy nhiên, ở thời điểm đầu năm 2020, các dự án, chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại Việt Nam vẫn hoạt động chưa hiệu quả. Thực trạng này chính là tiền đề cho sự ra đời của CyberKid Vietnam”, Nguyễn Như Quỳnh (Chủ tịch và sáng lập CyberKid) cho biết.
Ra đời từ tháng 9/2020, CyberKid là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam và được xây dựng dựa trên 100% ý tưởng của người Việt nhằm mang đến giải pháp an toàn cho trẻ em khi tham gia không gian mạng.
Dù chỉ mới hoạt động nửa năm nhưng CyberKid đã tổ chức được hàng trăm lớp học “An toàn thông tin trên không gian mạng” tại các trường học tại Việt Nam, tiếp cận hơn 3.000 học sinh trong lứa tuổi từ 8 đến 15 tuổi tại Hà Nội.
Với cách chuyển tải sinh động thông qua các câu chuyện, ví dụ cụ thể, thông điệp nhóm đưa ra dễ dàng được các em nhỏ tiếp nhận.
Bên cạnh đó, CyberKid còn cung cấp những lớp học phát triển kỹ năng online cho học sinh sớm bộc lộ hứng thú và năng khiếu trong lĩnh vực An ninh mạng. Học sinh sẽ được đánh giá năng lực xuyên suốt quá trình học. Nếu có năng khiếu nổi trội, thông tin của trẻ sẽ được gửi đến nhà trường và các cơ quan chức năng để được chủ động đào tạo thêm.
Ngoài ra, nhóm còn cung cấp dự án đường dây nóng và hộp thư tư vấn miễn phí, hỗ trợ các trường hợp tấn công trẻ em trên không gian mạng; hoàn thành 18 Bộ kịch bản phản ứng nhanh và Bộ quy chuẩn phản ứng khủng hoảng với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu.
Đội ứng cứu khẩn cấp trên không gian mạng sẽ sử dụng các bộ kịch bản phản ứng nhanh cho từng trường hợp bị tấn công, liên tục cập nhật và bổ sung với sự hỗ trợ của các chuyên gia.
Hệ thống bạn đồng hành ẩn danh hỗ trợ 1-1, kết nối nạn nhân và các chuyên gia, đồng hành giải quyết triệt để các khủng hoảng.
“Chúng tôi muốn trang bị cho trẻ em và phụ huynh những kỹ năng thiết yếu để ứng phó với các mối đe dọa, rủi ro an ninh mạng; thúc đẩy và mở ra các cơ hội học tập, vui chơi, giải trí, phát triển toàn diện cho trẻ em trên internet; bảo vệ trẻ em trước 7 mối đe dọa an ninh mạng như: Đánh cắp danh tính, lạm dụng tình dục, buôn bán người, nghiện trò chơi điện tử, lừa đảo trực tuyến, các nội dung cấm và trái pháp luật, bắt nạt mạng”, Như Quỳnh chia sẻ thêm.
Một tiết học về an ninh mạng của CyberKid. Ảnh: Tiền Phong. |
“Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
Là cựu sinh viên trường Học viện Ngoại giao, ngay từ lúc còn đi học, Nguyễn Như Quỳnh đã tích cực tham gia các dự án xã hội.
“CyberKid hoạt động phi lợi nhuận, nhiều người bảo như thế thì nghèo lắm, nhưng tôi và các thành viên trong nhóm nghĩ rằng còn có nhiều thứ khác trong cuộc sống có thể giúp mình kiếm tiền và cũng có nhiều thứ mang đến giá trị lớn hơn cả tiền. CyberKid là một ví dụ”, cô nói.
Theo Như Quỳnh, “thay vì đưa đội ngũ tình nguyện viên đến các trường trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa dưới sân, hạn chế trong việc kết nối với từng học sinh, các em mất tập trung, chúng tôi đưa tình nguyện viên đã được tuyển chọn và đào tạo đến từng lớp học để trực tiếp triển khai giáo án An toàn thông tin trên không gian mạng với học sinh. Từ đó, tình nguyện viên dễ dàng tương tác và hỗ trợ từng em tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn”.
Tất cả giáo án đều do nhóm tự xây dựng và thông qua Ban cố vấn gồm có đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện nghiên cứu Giáo dục Phát triển Tiềm năng Con người; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Liên minh Bảo mật đám mây Việt Nam; Cục An toàn thông tin; Trung tâm Giám sát Không gian mạng Quốc gia và các cơ quan luật pháp liên quan…
“Khi chúng tôi hỏi phụ huynh có tự tin biết con đang làm gì trên mạng không, nhiều người trả lời rất tự tin. Nhưng khi hỏi lại các em nhỏ thì kết quả hoàn toàn trái ngược. Hay có đến 70% trẻ nói nếu có vấn đề gì trên mạng sẽ không kể cho bố mẹ nghe, trong khi phụ huynh thì tự tin là cái gì con cũng tâm sự”, Như Quỳnh cho biết.
Thời gian tới, nhóm sẽ tổ chức dự án lớp học cho bố mẹ với những khóa học về tâm lý trẻ em, pháp lý, an ninh mạng, sử dụng mạng an toàn, cập nhật tư duy thời đại số, các xu hướng của giới trẻ để bố mẹ hiểu con hơn.
Song song đó, CyberKid tiếp tục tổ chức nhiều hơn các lớp học, xây dựng đường dây nóng tiếp cận đến trẻ em vùng sâu vùng xa.
“Chúng tôi mong CyberKid sẽ là liều vắc- xin cho trẻ trên không gian mạng”, trưởng dự án khẳng định.
Ban đầu chỉ với 6 thành viên, đến nay, CyberKid đã phát triển thành mô hình doanh nghiệp xã hội với hơn 70 thành viên và hàng trăm cộng tác viên. Tất cả đều làm việc không lương. Fanpage của nhóm dù mới ra đời chỉ vài tháng nhưng đã thu hút hơn 5.000 người theo dõi.
Trên fanpage của dự án, bạn Thảo Nguyên, một học sinh đang học lớp 12, viết: “Em rất vui khi được tham gia lớp học của Cyberkid. Một số kiến thức em đã được học nhưng cách dạy của các thầy cô thường khô khan hơn so với các anh chị, có lẽ vì các anh chị còn trẻ nên hiểu chúng em hơn”.
Một phụ huynh tên Mai Anh chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp học của CyberKid ở trường, con trai đang học lớp 9 về dặn mẹ rằng khi tham gia thế giới mạng thì không nên chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin nhạy cảm. Mình rất vui và bất ngờ!”.
Đó chỉ là một vài trong rất nhiều phản hồi tích cực mà CyberKid nhận được từ phụ huynh và các em nhỏ. Chưa kể rất nhiều thư tay được các em trực tiếp gửi về cho nhóm. Những tình cảm đó là nguồn động lực để nhóm càng “máu” hơn trên con đường “vác tù và hàng tổng”.
Trẻ em trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các cuộc tấn công trên mạng và những người chứng kiến vụ việc có thể gọi trực tuyến miễn phí thông qua địa chỉ website https://cyberkid.vn/giai-phap-cua-cyberkid/cyberhotline/.